
Lễ ký kết hợp đồng đưa nghệ sĩ chuyên nghiệp vào dạy âm nhạc cho học sinh Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) - Ảnh: MỸ DUNG
Từ năm học 2025 - 2026, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc - trưởng nhóm nhạc Nam Tộc Dru Nam (Đỗ Hoàng Nam) và một số nghệ sĩ khác sẽ về Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) để dạy, phổ cập cho học sinh kiến thức và kỹ năng sử dụng bộ gõ nhạc cụ dân tộc.
Đó là một trong các nội dung của hợp đồng ký kết giao ước phối hợp phổ cập bộ gõ nhạc cụ dân tộc cho học sinh tiểu học giữa Trường tiểu học Phú Thọ và Công ty TNHH văn hóa Vân Anh (Q.1, TP.HCM). Lễ ký diễn ra hôm qua (16-5) làm nức lòng các em học sinh, đồng thời đánh dấu việc các trường bắt đầu mạnh dạn mời nghệ sĩ đến trường học để dạy cho học sinh về nghệ thuật.
Dạy 35 tuần trong năm
Theo biên bản ký kết, học sinh Trường tiểu học Phú Thọ sẽ được các nghệ sĩ thuộc Công ty TNHH văn hóa Vân Anh như nghệ sĩ đàn bầu - đàn T'rưng Vân Anh, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc - trưởng nhóm nhạc Nam Tộc Dru Nam (Đỗ Hoàng Nam)... dạy học theo chương trình trong suốt 35 tuần thực học trong năm học 2025 - 2026 với thời lượng 1 tiết/tuần/lớp.
Bên cạnh các nội dung âm nhạc theo chương trình phổ thông 2018 (vì hiện trường đang thiếu giáo viên âm nhạc), các nghệ sĩ sẽ phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng bộ gõ nhạc cụ dân tộc (như phách, song loan, mõ, thanh la, trống nhỏ...) cho học sinh của trường.
Sáng 16-5, rất nhiều nghệ sĩ đã về trường biểu diễn trước lễ ký kết. Trống hội, Một vòng Việt Nam, Bắc Bling... Bài hát, bài nhạc nào cũng làm sân trường trở nên náo nhiệt và hào hứng khi các em học sinh hòa mình hát và gõ nhịp theo các nghệ sĩ với những nhạc cụ có trong tay.
Em Huỳnh Trần Sơn Bách, học sinh lớp 3/2 của trường, vui vẻ kể: "Sáng nay, em được cô giáo phát cho bộ phách tre, em cứ vừa hát vừa gõ như vậy. Tính ra em cũng đã hát được khoảng 10 bài rồi, bài nào em cũng thấy rất thích". Vì thế, khi biết năm học tới được các nghệ sĩ này dạy, Bách cảm thấy rất vui thích.
Cũng cầm bộ gõ phách trên tay, em Diệp Bảo Nghi, học sinh lớp 1/6, vui mừng khi biết được rằng từ năm học sau em được các nghệ sĩ dạy nhạc cho mình trên lớp và dạy cả các nhạc cụ dân tộc.
"Em thích đàn T'rưng và hôm nay em thấy cô Vân Anh biểu diễn rất hay. Em muốn tìm hiểu thêm về đàn này cũng như nhiều loại nhạc cụ khác. Thật vui khi sau này em được học các thầy cô về nhạc", Bảo Nghi hào hứng nói.
Lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc
Nói về việc mời các nghệ sĩ về dạy nhạc cho học sinh trong chương trình phổ thông 2018 và phổ cập bộ gõ nhạc cụ dân tộc cho học sinh của trường trong cả năm học tới, cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường mạnh dạn thực hiện theo lời chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
"Hiện trường đang thiếu một giáo viên âm nhạc, mấy năm nay trường tuyển nhiều lần nhưng không được. Nay chỉ đạo của Tổng Bí thư như cho chúng tôi một lối ra. Mà lối ra này lại tạo ra nhiều cảm xúc, hứng thú cho các em học sinh trong học tập âm nhạc, nghệ thuật.
Nhìn ánh mắt say mê, những câu hỏi mà các em hỏi các nghệ sĩ về các loại đàn, các loại nhạc cụ, chúng tôi thấy rằng việc mời nghệ sĩ về trường chắc chắn sẽ mang đến những hiệu quả tích cực trong dạy học âm nhạc tại nhà trường", cô Kim Hương nói.
Cũng theo cô Kim Hương, trong năm đầu tiên thực hiện ký kết giảng dạy với các nghệ sĩ, trường chú trọng phổ cập bộ gõ nhạc cụ dân tộc cho học sinh để các em hiểu rõ và nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa âm nhạc dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu với quê hương đất nước cũng như có thể giúp các em tìm hiểu những khả năng của bản thân trong năng khiếu âm nhạc.
"Lứa tuổi tiểu học thực sự là một lứa tuổi ươm mầm tài năng. Việc để các em tiếp xúc với những loại nhạc cụ sớm thông qua tiếp xúc với các nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ khơi gợi cho các em khám phá bản thân. Vì thế, tôi đặt nhiều hy vọng vào sự tích cực nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc trong nhà trường trong việc mời thầy cô là những nghệ sĩ chuyên nghiệp đứng lớp dạy học sắp tới", cô Hương chia sẻ.
Nghệ sĩ Vân Anh (Lê Thị Vân Anh), giám đốc Công ty TNHH văn hóa thương mại Vân Anh, cho biết lâu nay cô và nhiều nghệ sĩ của công ty được nhiều trường mời đến biểu diễn nhưng đây là lần đầu tiên công ty ký kết việc dạy học dài hạn một năm học với nhà trường.
"Tôi tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM, nhạc sĩ chuyên nghiệp về đàn bầu, có thể chơi 7 loại nhạc cụ khác như đàn bầu, đàn T'rưng, trống, các bộ gõ... và từng đi biểu diễn nhiều nơi ở trong và ngoài nước.
Nhưng khi lần đầu tiên được ký kết giảng dạy với một trường học, tôi thực sự thấy rất hạnh phúc. Bởi tôi ước mơ được lan tỏa âm nhạc dân tộc đến với các thế hệ trẻ, để âm nhạc dân tộc lưu truyền mãi và là nền tảng để các em học sinh thêm yêu quê hương đất nước, tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của mình", nghệ sĩ Vân Anh nói.
Nghệ sĩ dru Nam (trưởng nhóm nhạc Nam Tộc):
Hạnh phúc, tự hào
Khi được mời đến trường để giảng dạy cho các em học sinh, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Tôi hy vọng có thể truyền cho các em tình yêu đối với âm nhạc dân tộc cũng như làm giàu thêm tình yêu quê hương đất nước của các em thông qua âm nhạc, giúp các em có thêm nhiều kỹ năng âm nhạc để các em ngày càng hoàn thiện thêm về tâm hồn, nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực và lành mạnh trong cuộc sống.
Tín hiệu đáng mừng
Theo một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, việc dạy âm nhạc trong các trường học ở TP.HCM theo hướng các câu lạc bộ được thực hiện hàng chục năm nay. Tuy nhiên, việc mời các nghệ sĩ đứng lớp thì rất hiếm.
"Việc các trường mời được nghệ sĩ chuyên nghiệp để dạy học sinh là tín hiệu đáng mừng, là tin vui cho các học sinh", vị này nhận xét.
BÌNH LUẬN HAY