
TPBank theo đuổi chiến lược số hóa từ sớm nên sớm tinh gọn nhân sự - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết những bộ phận có tính chất công việc mang tính thủ công, lặp đi lặp lại sẽ được thay thế tối đa.
Cắt giảm hàng ngàn nhân sự
Ba ngân hàng có lượng nhân sự cắt giảm mạnh nhất quý đầu năm nay đó là LPBank, Sacombank và VIB. Trong đó VIB giảm khoảng 500 nhân sự, ở Sacombank con số này là 930 và đặc biệt LPBank còn vơi bớt đi 1.620 người.
Ngoài các ngân hàng nêu trên, thống kê trên báo cáo tài chính cho thấy có 7 nơi khác cùng ghi nhận xu hướng giảm về số lượng nhân viên sau 3 tháng đầu năm nay.
Các nhà băng này bao gồm ACB, TPBank, ABBank, Vietcombank, MSB, SeABank và Saigonbank. Hầu hết các ngân hàng này đều đã trải qua đợt tinh giản bắt đầu từ năm ngoái.
Đơn cử như ABBank đã giảm gần 170 nhân sự năm 2024. Hay ACB - ngân hàng do ông Trần Hùng Huy làm chủ tịch - cũng đã cắt giảm 377 người trong năm ngoái sau khi tuyển dụng mạnh vào năm 2023. Tương tự TPBank cũng tiếp nối công cuộc tinh giản trong 2 năm liên tiếp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hưng - tổng giám đốc TPBank - cho biết ngân hàng theo đuổi chiến lược số hóa từ sớm. Qua đó ngân hàng tối ưu hóa quy trình vận hành với nguồn lực ngày càng tinh gọn.
Theo ông Hưng, việc giảm nhân sự trong hai năm qua không phải là quyết định mang tính ngắn hạn mà nằm trong lộ trình phát triển dài hạn.
Những bộ phận có tính chất công việc mang tính thủ công, lặp lại, hoặc có thể tự động hóa cao như vận hành, giao dịch tại quầy đã và đang được tinh giản.
"Ngân hàng đưa gần 500 robot tự động hóa đã thay thế các tác vụ đơn giản, điều này giúp các nhân sự thay vì ngồi làm những công việc lặp đi lặp lại, sẽ tập trung vào những công việc đòi hỏi sáng tạo và giá trị gia tăng cao hơn", ông Hưng nói.
Trao đổi với cổ đông hồi tháng 4-2025, lãnh đạo LPBank cho biết ngân hàng đã và đang áp dụng nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí, trong đó có việc tinh gọn hệ thống, tinh giản quy trình, áp dụng công nghệ để tăng năng suất.
Ông Nguyễn Đức Thụy, chủ tịch HĐQT LPBank, cho biết với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, LPBank đã tinh gọn từ 17 khối nghiệp vụ xuống còn 8 khối nghiệp vụ và chính thức triển khai vận hành theo mô hình mới cuối 2024.
Còn theo ông Vũ Văn Tiền - phó chủ tịch HĐQT ABBank, trong thời đại số hóa, ngân hàng đã và đang tinh giản bộ máy mạnh mẽ, có những bộ phận tinh giản 30 - 40% nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Tăng tuyển nhân sự công nghệ, dữ liệu, AI, an ninh mạng
Thực tế việc cắt giảm nhân sự ở bất kỳ bộ phận nào cũng được các ngân hàng tính toán rất kỹ, để đảm bảo không bị giảm chất lượng dịch vụ khách hàng mà còn nâng cao hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Thêm nữa nhiều công việc truyền thống được thay thế bởi AI thì cũng có những công việc mới xuất hiện đòi hỏi ngân hàng phải tăng tuyển dụng, đồng thời nỗ lực đào tạo lại để phù hợp với đặc thù ngành này.
Lãnh đạo một ngân hàng thuộc top 10 trong hệ thống chia sẻ đã đầu tư cho chuyển đổi số hàng nghìn tỉ đồng/năm.
Khi thực hiện quá trình chuyển đổi số, đã phát sinh một số công việc mới. 70% nhân sự làm trong mảng số không có chuyên môn về ngân hàng như thiết kế, big data, bảo mật… sẽ phải đào tạo lại.
Ông Nguyễn Hưng cũng cho rằng số lượng nhân sự tại ngân hàng đang giảm, nhưng điều đó không có nghĩa là "dừng tuyển dụng".
Ngược lại ngân hàng này vẫn cần nhiều nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ, dữ liệu, AI, an ninh mạng và các vị trí chiến lược để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngân hàng số.
Ngoài ra các công việc liên quan đến lực lượng bán, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng vẫn cần tăng thêm, tương ứng với quy mô tăng trưởng.
"Việc tinh giản và tuyển dụng không mâu thuẫn, mà bổ trợ lẫn nhau, không phải là cắt giảm đơn thuần mà là sự tái cấu trúc nhằm tạo ra đội ngũ tinh nhuệ, phù hợp với định hướng công nghệ đã đặt ra từ đầu", ông Hưng nói.
Tại Sacombank, sau khi giảm hơn 350 người cả năm ngoái, sang quý 1 năm nay ngân hàng này tiếp tục đứng thứ hai về quy mô tinh gọn nhân sự.
Chưa dừng lại, lãnh đạo Sacombank cho biết xu hướng tinh gọn nhân sự dự kiến tiếp tục trong năm nay lẫn năm sau.
Theo đó, ngân hàng sẽ cắt giảm nhân sự tại các phòng giao dịch truyền thống và tăng giao dịch trên không gian số. Sacombank liên tục chấm dứt hoạt động phòng giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM.
Một mặt cắt giảm nhân sự, mặt khác lãnh đạo Sacombank cũng thừa nhận tuyển dụng nhân sự chất lượng cao đang là "thách thức lớn".
Hiện ngân hàng này đang tuyển dụng nhân sự chất lượng cao từ nhiều nguồn, trong đó có việc hợp tác với các hãng công nghệ, quản trị dữ liệu và AI…
Thu nhập nhân sự ngân hàng cải thiện sau cắt giảm
Thu nhập bình quân nhân sự ngành ngân hàng tiếp tục cải thiện trong bối cảnh tinh giản biên chế. Theo báo cáo tài chính quý 1-2025, 27 ngân hàng niêm yết đã chi hơn 32.770 tỉ đồng cho nhân sự, tăng 10% so với cùng kỳ, dù tổng số lao động giảm gần 1.600 người.
Mức thu nhập bình quân có sự phân hóa. TPBank dẫn đầu với gần 54 triệu đồng/người/tháng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Trong khi đó Techcombank giảm từ 49 triệu xuống 42 triệu đồng/người/tháng; SHB giảm từ 35,4 triệu còn 28,15 triệu đồng/người/tháng - dù cả hai vẫn gia tăng tuyển dụng.
Tuyển thêm những vị trí máy móc chưa thay thế được
Trái ngược với xu hướng cắt giảm, một số ngân hàng vẫn tiếp tục mở rộng lực lượng lao động cho thấy sự phân hóa rõ nét về chiến lược nhân sự trong ngành.
Riêng nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, BIDV dẫn đầu với 26.323 nhân viên, tăng 254 người so với cuối năm 2024; VietinBank tăng thêm 59 người, nâng tổng số lên 22.551 người.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, 14 đơn vị ghi nhận tăng trưởng nhân sự, nổi bật là Techcombank, tăng 305 người, Eximbank có thêm 187 lao động hay OCB tăng 184 người, MBBank là 160 người, HDBank thêm người và VPBank thêm 123 người...
Đại diện một ngân hàng tại Hà Nội cho biết việc cắt - tuyển được thực hiện song song, tùy theo nhu cầu từng bộ phận, đặc biệt với những vị trí con người vẫn đóng vai trò không thể thay thế.
BÌNH LUẬN HAY