29/04/2025 18:30 GMT+7

Nấu ăn không cần bột ngọt, hạt nêm mà vẫn ngon?

Sau vụ việc hàng loạt bột ngọt, hạt nêm giả bị cơ quan công an triệt phá, nhiều gia đình băn khoăn làm sao để nấu ăn mà không cần bột ngọt, hạt nêm mà vẫn ngon.

Nấu ăn không cần bột ngọt, hạt nêm mà vẫn ngon? - Ảnh 1.

Mỗi người sẽ có cách nêm gia vị khác nhau để có món ăn ngon hơn cho gia đình mà không quá phụ thuộc vào các loại gia vị - Ảnh minh họa do AI tạo

Thực tế, hạt nêm, bột ngọt trở thành gia vị thân thuộc trong gian bếp của nhiều gia đình. Không chỉ bởi tính tiện lợi, những gia vị này còn giúp món ăn thêm hương vị, hấp dẫn hơn.

Gia vị không phải chất dinh dưỡng

Chia sẻ về bột ngọt, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi trung ương, cho hay bản chất của bột ngọt là glutamat - thành phần giúp mang lại "vị umami" hay còn gọi là vị "vị ngọt thịt" - nên bột ngọt còn được gọi là "gia vị umami".

Là một gia vị được sử dụng phổ biến nên tính an toàn của bột ngọt cũng được đánh giá bởi các tổ chức chuyên sâu về y tế và sức khỏe trên toàn thế giới. Theo Ủy ban hỗn hợp về phụ gia thực phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO), bột ngọt được đánh giá là "gia vị an toàn với liều lượng sử dụng hằng ngày không xác định".

Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) cũng đã tái xác nhận tính an toàn của bột ngọt tương tự như các gia vị muối, tiêu, giấm...

"Như vậy, những đánh giá mới nhất của các tổ chức y tế và sức khỏe trên thế giới đều cho thấy bột ngọt là một gia vị an toàn cho việc chế biến món ăn. Ở Việt Nam, gia vị này cũng được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Về cơ bản, việc sử dụng gia vị bột ngọt trong nấu nướng cũng tương tự việc sử dụng các gia vị khác và không phải là một chất dinh dưỡng.

Vì vậy, người dùng không nên xem bột ngọt là chất dinh dưỡng có thể thay thế các thành phần thực phẩm khác trong khẩu phần ăn hằng ngày. Cần cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, chất bột, chất xơ, chất béo, khoáng chất... có trong các nguồn thực phẩm tự nhiên khác.

Ngoài ra, không có quy định mỗi người chỉ được ăn bao nhiêu gam bột ngọt một ngày. Có thể nêm nếm bột ngọt trong nấu nướng đến khi vừa miệng, tùy theo khẩu vị của từng người", bác sĩ Thục cho hay.

Còn với hạt nêm, chia sẻ trên ấn phẩm chuyên đề Sức khỏe Gia đình - NXB Y học, GS Phạm Văn Khôi (Viện Hóa học Việt Nam) cho biết thành phần không thể thiếu của hạt nêm là mì chính (chất điều vị 621) và hai chất điều vị 627, 631 có độ ngọt gấp 10-15 lần mì chính thông thường. Hiện cả 3 chất điều vị 621, 627, 631 đều nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.

Theo phân tích của chuyên gia này, vị ngọt của hạt nêm là từ chất điều vị chứ không phải là từ thịt hay xương như quảng cáo. "Cũng có thể trong thành phần hạt nêm có một số thành phần từ nước ninh xương, bột tôm, bột gà, nấm rơm... nhưng không đáng kể, chỉ dưới 5%. Do đó,  người tiêu dùng phải nhớ là hạt nêm không thể thay thế các sản phẩm dinh dưỡng", TS Khôi cho hay.

Không bột ngọt, hạt nêm: nấu ăn vẫn ngon

Chia sẻ về cách nấu ăn thuần thực vật của mình trên trang cá nhân, chị Ý An Yên cho hay bản thân chị không dùng bột ngọt hay hạt nêm trong việc chế biến các món ăn hằng ngày, kể cả hạt nêm rau củ hay hạt nêm nấm, được một thời gian.

"Không phải là việc bột ngọt/hạt nêm tốt, không tốt, đơn giản chỉ là càng ít phụ thuộc càng tốt, bỏ được cái gì thì bỏ. Tôi giữ lại những gia vị căn bản như đường, muối, nước mắm chay...

Tuy nhiên với tôi, ngoài việc ăn gì tốt cho sức khỏe, mình còn quan tâm đến yếu tố ngon miệng nữa. Cho nên sau một thời gian không dùng chất điều vị, tôi rút được kha khá kinh nghiệm", chị Yên chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của chị, với salad hoặc các loại nước chấm, ngoài vị ngọt và mặn có trong muối đường có thể thêm vị chua bằng chanh, xoài, me, giấm... và tăng vị béo bằng hạt mè, đậu phộng, trái bơ, dầu mè, dầu oliu. Việc bổ sung vị chua, béo, mặn và ngọt giúp cân bằng vị giác hơn.

Với món kho, rim, thay vì dùng đường bạn có thể thay thế bằng nước mía; thay vì dùng nước lọc để rim thì bạn dùng nước dừa tươi, nước hầm rau củ kết hợp với nước mắm chay. Như vậy thì sau khi kho nhỏ lửa, nước kho của bạn có độ sánh nhẹ mà không cần thêm bột bắp hay dầu hào.

Với món nước cũng có thể dùng nước dừa tươi hoặc nước hầm rau củ. Sau khi nấu xong thì cho một ít nước mắm chay vào, vì đạm trong nước mắm chay giúp cân bằng vị. Tuy nhiên lưu ý không cho vào quá sớm vì nấu lâu sẽ làm cho nước dùng bị chua.

Còn các món như hủ tiếu, bún riêu, lẩu... bạn nấu nước dùng xong ăn liền không ngon bằng để sáng đến chiều hoặc qua đêm. Đặc biệt, để dễ nêm, bạn nên dùng muối biển (hạt) vì muối hạt không bị mặn chát mà vị mặn dễ chịu hơn các loại muối tinh.

Mỗi người sẽ có cách nêm gia vị khác nhau để có món ăn ngon hơn cho gia đình mà không quá phụ thuộc vào các loại gia vị chế biến sẵn trên thị trường.

Nấu ăn không cần bột ngọt, hạt nêm mà vẫn ngon? - Ảnh 2.Nấu ăn ở nhà thay vì ăn quán: Những lợi ích cho sức khỏe tinh thần ít ai ngờ

Theo Delish, ngày càng nhiều nghiên cứu khẳng định việc tự nấu ăn tại nhà sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe tinh thần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0