15/05/2025 11:10 GMT+7

Mùa tắm biển, cẩn trọng với sứa lửa

Bị sứa lửa đốt khi tắm biển ngày hè, nếu không được xử lý, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe.

Mới đây, tại khu vực bãi tắm ở biển Nha Trang xuất hiện sứa lửa ảnh hưởng đến người dân và du khách khi tham gia các hoạt động tại biển. Dịp hè hằng năm không ít trường hợp nhập viện do bị sứa lửa tấn công.

Mùa tắm biển, cẩn trọng với sứa lửa - Ảnh 1.

Bệnh nhi bị sứa "tấn công" khi tắm biển - Ảnh: BVCC

Sứa lửa là gì?

Sứa lửa (tên khoa học là Physalia physalis) là loài sứa và cộng sinh của chúng được phân loại là đại diện thuộc họ Physaliidae, đây là họ và chi đơn loài. Chúng có tua mang nọc độc có thể gây đau dữ dội.

Theo các chuyên gia, sứa lửa thường xuất hiện tại nhiều vùng biển Việt Nam vào mùa hè. Chúng tấn công vùng da con người bằng các xúc tu chứa nọc độc. 

Nhẹ thì nạn nhân bị nổi mẩn đỏ, ngứa, rát, phỏng nước ngoài da. Còn nếu bị chích nặng hơn và không xử lý kịp thời sẽ có thể gây khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, thậm chí là suy tim dẫn đến tử vong.

Hằng năm, nhiều vùng biển thường xuyên phát đi cảnh báo về phát hiện sứa lửa, lưu ý du khách cẩn trọng và xử lý trường hợp bị sứa lửa tấn công.

Làm gì khi bị sứa lửa tấn công?

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - trưởng khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) - chia sẻ hằng năm vào mùa hè thường tiếp nhận trường hợp tổn thương ngoài da do sứa.

"Ngộ độc sứa gây kích ứng da rất mạnh, các xúc tu của sứa khi tiếp xúc với cơ thể con người có tiết ra chất độc và khi dính phải chất độc này thì cơ thể sẽ có cảm giác ngứa nhiều, bỏng rát da tại vị trí tiếp xúc. 

Vì vậy nếu vô tình chạm vào sứa biển khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da và xâm nhập vào cơ thể ngay lập tức.

Trường hợp bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời, các tổn thương sẽ ngày một nghiêm trọng hơn, dễ bội nhiễm, áp xe, nguy cơ thành sẹo xấu, thậm chí có thể rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn huyết, đe dọa tính mạng", bác sĩ Thùy nêu rõ.

sứa lửa - Ảnh 3.

Hướng dẫn triệu chứng và cách sơ cứu khi bị sứa lửa cắn

Theo chuyên gia này, trường hợp gặp phải sứa biển chạm vào da cần nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi vùng có sứa, sau đó đánh giá nhanh tình trạng bệnh nhân xem có mệt mỏi, choáng váng, vã mồ hôi hay tim đập nhanh không. 

Nếu có các biểu hiện trên phải gọi cấp cứu ngay.

Với các trường hợp nhẹ hơn thì có thể sơ cứu bằng cách loại bỏ các xúc tu còn dính trên cơ thể bằng dụng cụ sạch. 

Rửa sạch vết thương trực tiếp bằng chính nước biển, giấm hoặc baking soda trong vòng từ 15-30 phút.

Người dân tuyệt đối không dùng nước uống, nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt bởi nó có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt. Sau đó băng bó vết thương lại, lưu ý tránh chà xát, cào gãi lên các tổn thương.

Bệnh nhân sau khi bị sứa đốt cảm thấy có những bất thường nên đi khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo mỗi người trước khi xuống tắm biển cần tìm hiểu thêm thông tin từ người dân địa phương để biết những vùng biển nào có nhiều sứa thì nên hạn chế xuống tắm.

Khi quan sát thấy sứa biển, đặc biệt là các loài sứa có màu sắc, tuyệt đối không xuống tắm để tránh bị sứa tấn công. Với trẻ em, nên mặc đồ bơi kín để hạn chế nguy cơ sứa biển tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm, phòng nguy cơ dị ứng nặng.

Sứa lửa khác với các loài sứa khác thế nào?

Hiện nay vùng biển nước ta có 2 loài sứa là sứa thường dùng làm thực phẩm hoặc chế biến nhiều loại sản phẩm khác và loài sứa độc có thể làm ảnh hưởng sức khỏe khi va chạm với chúng.

Loài sứa lửa là một trong những loài sứa độc đó. Hình dáng của sứa lửa khá đa dạng, có thể trong suốt hoặc có màu sắc sặc sỡ.

Mùa tắm biển, cẩn trọng với sứa lửa - Ảnh 3.Cảnh báo sứa lửa xuất hiện ở biển Nha Trang

Hiện đang mùa sinh sản nên sứa lửa xuất hiện tại một số vùng biển ở Nha Trang, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tắm biển. Chuyên gia khuyến cáo một số biện pháp nếu bị sứa lửa đốt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0