13/05/2025 09:36 GMT+7

Mua bảo hiểm tai nạn điện được 2 tháng thì bị điện giật chết, 2 năm sau vẫn chưa nhận được tiền

Một gia đình mua bảo hiểm tai nạn điện của Công ty Bảo hiểm MIC Tiền Giang. Hơn 2 tháng sau thì xảy ra tai nạn điện dẫn đến chết người nhưng đến nay sau hơn 2 năm, người thân vẫn gian nan đi đòi tiền bảo hiểm.

Mua bảo hiểm tai nạn điện được 2 tháng thì bị điện giật chết, 2 năm sau vẫn chưa nhận được tiền - Ảnh 1.

Bà Châu Thị Hồng Thái (50 tuổi, ngụ xã Định Trung, huyện Bình Đại, Bến Tre) bên cạnh vuông tôm, nơi chồng bà bị điện giật chết - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Mua bảo hiểm tai nạn điện… quá dễ

Một ngày giữa tháng 5-2025, bà Châu Thị Hồng Thái (50 tuổi, ngụ xã Định Trung, huyện Bình Đại, Bến Tre) tất tả ngược xuôi gõ cửa các cơ quan chức năng để đòi tiền bảo hiểm tai nạn điện mà gia đình bà đã tham gia trước đó. 

Kể từ ngày chồng bà, ông Mai Văn Hòa, mất vì bị điện giật tử vong đến nay, bà miệt mài đi đòi tiền bảo hiểm nhưng vẫn chưa có kết quả.

Bà Thái kể: "Tháng 1-2023, chồng tui đang ngồi uống trà thì thấy nhân viên tư vấn bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm MIC Tiền Giang vào giới thiệu bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện nên ông ấy tham gia một hợp đồng trị giá 200.000 đồng. Sau khi mua bảo hiểm không lâu, chồng tui bị tai nạn điện giật và tử vong".

Theo biên bản sự việc do Công an xã Định Trung (huyện Bình Đại, Bến Tre) lập ngày 26-3-2023, khoảng 21h40 cùng ngày, công an xã nhận được tin báo tại hộ của ông Mai Văn Hòa (sinh năm 1975, đăng ký thường trú ấp Tân Định, xã Định Trung, huyện Bình Đại) xảy ra tai nạn lao động (kéo điện dẫn xuống ao để bơm nước).

Khi công an đến nơi thì được biết trước đó anh Hồ Hữu Hiệp (cháu ông Hòa) qua nhà thì phát hiện ông Hòa nằm dưới ao, mặt úp xuống nước, dây điện kẹp giữa háng. Dây điện trên bờ chưa ngắt nguồn. Anh Hiệp hô hoán, nhờ mọi người xung quanh đưa ông Hòa lên. 

Mọi người nhận định ông Hòa đã tử vong trước đó và trình báo công an.

Gian nan đòi tiền bảo hiểm

Sau cái chết đột ngột của chồng, bà Thái nén nỗi đau và bắt đầu gọi điện trực tiếp cho người bán bảo hiểm là anh Huỳnh Văn Đạt để báo sự việc và tiến hành làm thủ tục để được hưởng số tiền bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng là 80 triệu đồng.

"Tuy nhiên từ đó đến nay chúng tôi đã nhiều lần gọi điện cho người có liên quan phía bên công ty bảo hiểm nhưng họ cứ hẹn hoặc không bắt máy. Nỗi đau mất người thân chưa nguôi ngoai thì nay phải vất vả đòi tiền bảo hiểm", bà Thái nói.

Để chứng minh lời mình nói, bà Thái liền gọi vào số điện thoại đường dây nóng được đóng dấu trên bảo hiểm. Giọng một người đàn ông bắt máy và tiếp tục hẹn sẽ có bộ phận giải quyết gọi lại cho bà Thái nhưng sau đó vẫn "bặt vô âm tín".

"Từ đó đến nay tôi đã nhiều lần qua tận trụ sở chi nhánh Công ty bảo hiểm MIC ở tỉnh Tiền Giang nhưng họ kêu bổ sung hồ sơ. Đến khi bổ sung hồ sơ đầy đủ thì họ cứ hẹn mà không chịu trả tiền theo hợp đồng và gọi điện thì không bắt máy", bà Thái bức xúc nói.

Không đòi được tiền, tháng 11-2024, bà Thái nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Bình Đại (Bến Tre) để khởi kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.

Đến ngày 29-4-2025, Tòa án nhân dân huyện Bình Đại tiến hành hòa giải. Tại đây, bà Nguyễn Thị Lệ Huyền (đại diện ủy quyền của Công ty Bảo hiểm MIC Tiền Giang) cho rằng ấn chỉ bảo hiểm bán cho gia đình ông Mai Văn Hòa là ấn chỉ thật. Thời điểm đó ông Nguyễn Phước Thọ làm phó giám đốc.

Tại buổi hòa giải, đại diện ủy quyền phía công ty bảo hiểm vẫn giữ nguyên quan điểm số tiền bảo hiểm cho gia đình ông Hòa Công ty MIC không chịu trách nhiệm trả mà trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Phước Thọ. Lý do tiền bán bảo hiểm không nộp về công ty nên công ty không chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Thọ chỉ đồng ý mức hỗ trợ 20 triệu đồng với lý do bản thân ông đã nghỉ việc tại công ty, lúc đó nhân viên bán bảo hiểm nộp tiền về cho công ty không đúng quy định. 

Hai bên không thống nhất nên việc thỏa thuận tại buổi hòa giải không thành. Tòa án nhân dân huyện Bình Đại đang hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Mua bảo hiểm tai nạn điện được 2 tháng thì bị điện giật chết, 2 năm sau vẫn chưa nhận được tiền  - Ảnh 2.

Bảo hiểm tai nạn điện do gia đình bà Thái mua trước khi chồng bà bị điện giật tử vong - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Mua bảo hiểm tai nạn điện được 2 tháng thì bị điện giật chết, 2 năm sau vẫn chưa nhận được tiền - Ảnh 4.

Vuông tôm, nơi ông Hòa tử vong do bị điện giật - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Luật sư Nguyễn Thanh Lan, Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre, cho rằng theo quy định của luật hiện nay, trách nhiệm thanh toán bồi thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm, không phụ thuộc việc nhân viên có nộp tiền hay không.

Việc nhân viên thu tiền mà không nộp về công ty là quan hệ nội bộ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bảo hiểm đã giao tiền hợp pháp.

Nếu cho rằng người tiêu dùng phải chịu hậu quả từ sai phạm nội bộ của doanh nghiệp là trái với nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm quản lý rủi ro của doanh nghiệp.

Phía Công ty Bảo hiểm MIC Tiền Giang không thể viện lý do "ông Thọ không nộp tiền" để từ chối trách nhiệm. Nếu có thiệt hại, công ty có thể truy cứu ông Thọ riêng theo quy định pháp luật, không được đổ gánh nặng thiệt hại lên ông Hòa hoặc thân nhân người bị nạn.

Mua bảo hiểm tai nạn điện được 2 tháng thì bị điện giật chết, 2 năm sau vẫn chưa nhận được tiền  - Ảnh 4.Ngăn 'chây ì' bồi thường bảo hiểm - Kỳ 1: 'Đoạn trường' đòi quyền lợi bảo hiểm

Bảo hiểm luôn có giá trị nhân văn nhưng nhiều khách hàng vẫn phải “chiến đấu” với doanh nghiệp để đòi quyền lợi. Tuổi Trẻ ghi nhận một số “đoạn trường” của khách hàng và bài học rút ra để trả lại giá trị của bảo hiểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0