
Cây cầu thứ 11, nơi đã phát triển thị tứ sầm uất ở Miệt Thứ - Ảnh: QUỐC VIỆT
"Trong khói sóng mênh mông /Có bóng người vô danh /Từ bên này sông Tiền/ Qua bên kia sông Hậu… Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng /Muỗi vắt nhiều hơn cỏ /Chướng khí mù như sương… /Thân không là lính thú /Sao chưa về cố hương…". Nhắc dải đất cuối nước Miệt Thứ - U Minh, nhiều người nghĩ đến bài thơ Sơn Nam.
Nhưng kể đâu chuyện xưa, mới cách đây vài chục năm đường về miệt dưới từng như hoang địa khắc nghiệt này vẫn xa lắc xa lơ, mà giờ đã đổi thay quá nhiều.
Trên nẻo đường nghề nghiệp, tôi được đâu hơn mươi lần xuôi về Miệt Thứ, tỉnh Kiên Giang cũ. Chuyến thì tôi dừng chân lâu để trải cùng cuộc sống dân nghèo hào sảng, chuyến chỉ làm khách trọ nán chơi vài hôm rồi qua miệt U Minh Hạ, Cà Mau. Tuy nhiên hầu như chuyến nào cũng đọng lại trong tôi những kỷ niệm khó quên.
Đường về Miệt Thứ
Ngày nay người xứ xa mến Sơn Nam, mê những câu thơ mộc mạc mà đượm tình ông viết "Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút/ Điệu hò… ơ theo nước chảy chan hòa", có nhiều đường tiện lợi để về thăm quê hương nhà văn.
Nhanh nhứt là ngồi máy bay đáp phi trường Rạch Giá hoặc Cà Mau. Ai đó nếu theo hướng bay Rạch Giá, chỉ ngồi xe thêm chưa đầy một tiếng đã nghe tiếng gà gáy ở Xẻo Bướm, Xẻo Rô cửa ngõ Miệt Thứ.

Đường xá giao thông về Miệt Thứ hiện nay đã rất tiện lợi - Ảnh: QUỐC VIỆT
Còn người bay Cà Mau thì phải thêm chuyến xe lâu hơn nhưng cũng chỉ tầm một tiếng già đã vào Vĩnh Thuận, ranh giới Miệt Thứ giáp Cà Mau. Kể ra tiện lợi dữ thần thiên địa, có gì xa lắc xa lơ đâu mà ông Sơn Nam bạc đầu vẫn da diết nhớ quê " Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê".
Tuy nhiên đó là thời nay trên trời có máy bay, dưới đất sẵn đường cao tốc. Mới tầm gần 30 năm trước, tôi về Miệt Thứ đâu dễ dàng vậy. Còn cà rà kể chuyện tận đời tía má, ông nội bà ngoại lại càng hun hút hơn nữa.
Nhớ mùa nước nổi năm 1997, tôi rong ruổi xe máy một mình tìm về quê hương ông già Sơn Nam ở Miệt Thứ, xã Đông Thái, huyện An Biên, Kiên Giang (nay là xã Đông Thái, tỉnh An Giang). 4h sáng tôi đã khởi hành từ ngã tư Bảy Hiền, Sài Gòn mà phải đến gần 19h tối thui không thấy mặt người mới đến nơi. Đoạn đường già 250km.
Quốc lộ 1A bận đó đang nâng cấp mù bụi nhưng thiệt ra mất thời gian nhứt là băng qua sông Tiền, sông Hậu và sông Cái Lớn rộng mênh mông ở ba bến phà Mỹ Thuận, Vàm Cống, Tắc Cậu đã đi vào ký ức thân thương bao đời người dân miền Tây.

Sản vật rau củ tươi ngon của Miệt Thứ bày bán tràn ngập chợ Thứ 3, trung tâm An Biên - Ảnh: QUỐC VIỆT
Đó là tôi chọn quẹo hướng quốc lộ 80 sau khi qua phà Mỹ Thuận để xuôi Sa Đéc - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi về Miệt Thứ. Còn ai đi hướng Cần Thơ, Hậu Giang thì đi phà Cần Thơ mà vào quốc lộ 61, quốc lộ 63 về Minh Lương, Miệt Thứ...
Thời giờ hai cung đường này đều đã có phần dài đường cao tốc với những cây cầu dây văng đẹp như chiếc lược sừng cong cong của cô gái miền Tây.
Bận tôi đi chỉ có thể chọn những chuyến phà vượt trường giang mà hiếm hoi gặp may được đi sớm cũng mất nửa tiếng là nhanh, còn phải đợi vì bị kẹt phà thì một, hai tiếng là bình thường. Ai đó bị chậm trễ "đừng có làu bàu má la" như mấy cô miệt dưới này hay nói vui khi bạn trai gặp chuyện hổng vui trở mặt sưng sỉa.
Bến phà nào cũng ắp đầy kỷ niệm nhưng tôi nhớ mãi phà Tắc Cậu - Xẻo Rô qua sông Cái Lớn, Kiên Giang hay còn gọi là chuyến phà về Miệt Thứ, vì nó là "cánh cửa" cuối cùng mở ra vùng đất lạ lùng và hấp dẫn này.
Lần đó tôi đi gần cuối tháng 10-1997, tức chỉ còn ít ngày nữa xảy ra cơn bão Linda khủng khiếp làm chết hơn 3.000 người mà chủ yếu là ngư dân các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang… Trước cuồng phong, dòng Cái Lớn vẫn thơ mộng. Chuyến phà thép hơi tròng trành nhưng chẳng ai bận tâm. Trên mặt sông, nhiều con đò nhỏ nối đuôi chở cây trái, rau cỏ và cá tôm ê hề Miệt Thứ…

Miệt Thứ nhiều địa danh ngồ ngộ liên quan đến kinh rạch, cảnh vật địa phương - Ảnh: QUỐC VIỆT
Cảnh quê Sơn Nam
Lần đầu tôi về vùng đất này đã lận theo mấy cuốn sách của lão nhà văn Sơn Nam như "bạn chỉ đường" nhưng không thể nào tìm ra nơi chôn nhau cắt rốn "ông già Nam Bộ" quá nổi tiếng. Xã Đông Thái, huyện An Biên, Kiên Giang (tên trước sáp nhập) chính là quê hương cha mẹ sinh cậu bé Phạm Văn Tày (Sơn Nam) năm 1926, mà tôi hỏi thăm cả cán bộ địa phương lẫn người cao tuổi đều chỉ nhận được những cái lắc đầu.

An Biên, cửa ngõ vào Miệt Thứ, quê hương nhà văn Sơn Nam hiện nay đã xanh ngát ruộng vườn, không còn hoang vu như thời xưa ông kể - Ảnh: QUỐC VIỆT
Cuối thập niên 1990, Miệt Thứ vẫn còn "nghèo thấy bà cố luôn" như cách nói của chính bà con ở đây nhưng cũng đổi thay, phát triển hơn nhiều thời nhà văn Sơn Nam còn bận quần xà lỏn, đi đá cá lia thia hay lượm trứng chim cò với đám bạn quê xác xơ.
Nhà Nam Bộ học đáng kính này kể ông sinh ở vùng rừng tràm trầm thủy. "Ðây là khu vực thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang với con rạch Thứ Sáu, hệ thống rạch mà Gia Ðịnh Thành Thông Chí đời Gia Long đã mô tả.
Hơn chục con rạch ngắn, cong queo, bắt nguồn từ giữa rừng chảy ra biển, từ Ðông sang Tây, chẳng dính dấp gì đến con sông Hậu Giang. Mùa mưa, nước tràn vùng trũng, chịu ảnh hưởng hải triều, 24 giờ có hai lần lớn ròng, vì vậy nước dưới rạch như mãi lưu thông…
Bờ biển là bãi bùn hàng km, đầy cây mắm, cây giá, muỗi mòng bay ào ào ngày như đêm, bước xuống thì lún ngang đầu gối. Rừng cũng vậy, mãn năm sình lầy, dưới bùn lố nhố những gốc cây đã chết hoặc cây sậy, đế khá bén nhọn.
Ấy thế mà người dân đi chân đất, gần như chẳng bao giờ bị thương tích đáng kể… Chung quanh nhà, nơi tôi chào đời, đầy lau sậy, luôn luôn có muỗi lại còn ong rừng (gọi ong mật). Hừng sáng trẻ con dễ đói bụng, thường đi tìm đám lau sậy hoặc cây tạp mà gặp tổ ong mật, ổ còn nhỏ ni tấc cỡ cái bánh tráng (bánh đa). Vắt mật ong, uống tại chỗ gọi là ăn điểm tâm, lát sau ra về, lừng khừng như kẻ say rượu vì mật ong có rượu, gây khó chịu lúc đói bụng. Lắm khi trẻ con đi dạo trong đồng cỏ, thu hoạch được chút ít mật ong, đem lại tiệm quán đổi lấy vài viên kẹo…" (trích Hồi ký Sơn Nam).
Gần 80 năm với bao thời cuộc chiến tranh, đói kém, ly hương… đã diễn ra trên quê hương nhà văn Sơn Nam nhưng mùa mưa năm 1997 tôi về vẫn thấy man mác cảnh này. Đó cũng chính là đặc trưng Miệt Thứ, rẻo đất thấp ven biển chằng chịt kinh rạch tự nhiên lẫn con người tạo nên và um tùm rừng tràm, lau sậy, cỏ trai, đọt choại, cỏ bàng, cỏ năn.
Mãi đến gần năm 2000, sản vật tự nhiên vẫn ê hề khắp Miệt Thứ. Sau một ngày mần ăn ở bãi biển hay dưới tán rừng tràm, kinh rạch, trảng bưng, sáng sáng người dân đem rau rừng, mật ong, cá tôm, rắn rùa lên bán ở các chợ Thứ như Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Chín Rưỡi, Thứ Mười Một…
Chợ quê này giờ đầy tiệm vàng, còn ngày đó chưa sầm uất nhưng cũng đã rộn rã động cơ tắc ráng, vỏ lãi lẫn tiếng ca cải lương vọng ra từ máy cassette xài bình ắc quy. Bài Em về Miệt Thứ của nhạc sĩ Hà Phương nghe giữa cảnh sông nước mà da diết: "Em yêu anh nên đành xa xứ/ Xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau… /Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/ Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai"…
Người xứ xa đến Miệt Thứ hay tò mò cái tên ngồ ngộ này. Thiệt ra Thứ là tên các con kinh như "mặt tiền" ở đây để lưu dân ngày xưa tìm đến tụ cư lần hồi phát triển xóm ấp và địa danh Miệt Thứ cũng được miệng dân quen gọi từ đó.
Khách qua cầu Cái Bé, Cái Lớn đã đặt chân đến Miệt Thứ gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Giang (nay là các xã thuộc An Giang). Kinh Thứ Hai chào đón rồi đến kinh Thứ Ba, Thứ Tư và lần lượt đến kinh Thứ Mười Một. Theo quốc lộ 63 cặp bờ kinh xáng Xẻo Rô, khách băng qua các cây cầu cùng tên Thứ như tâm điểm của các xóm ấp, thị trấn.
--------------------------------------------------
"Thỉnh thoảng dân bắt rắn, bắt lươn dùng chĩa mà xom, phát hiện vài lỗ trống, bên dưới đầy lươn và xương người nát bấy nhưng tóc còn nguyên vẹn. Mộ của người đến U Minh, sống nghèo túng rồi mất từ xa xưa". Liệu Sơn Nam có quá lời?
Kỳ tới: Dưới sông cá lội, trên bờ cọp tha
BÌNH LUẬN HAY