17/11/2005 12:19 GMT+7

Ly hôn: Hậu khổ vì... hộ khẩu

Theo Phụ Nữ TP.HCM
Theo Phụ Nữ TP.HCM

Thông thường, sau bản án ly hôn là quan hệ hôn nhân mặc nhiên chấm dứt, đường ai nấy bước, nhà ai nấy ở. Thực tế, mọi chuyện không phải bao giờ cũng suôn sẻ như vậy.

7JELeggu.jpgPhóng to
Ảnh minh họa

Một trong những rắc rối dễ thấy là vấn đề cắt chuyển hộ khẩu của người không còn quyền lưu trú trong căn nhà của người đã không còn là vợ, hoặc chồng mình nữa.

Cười ra... nước mắt

Sau ngày quyết định ly hôn của tòa có hiệu lực, chị Ngô Thúy (ở Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM), đã nhiều lần vác đơn xin các cơ quan chức năng giúp mình được bình an sống trong... nhà mình. Lý do: anh Trương Văn - chồng cũ của chị, cứ ở lỳ trong nhà không chịu cắt hộ khẩu đi nơi khác.

Vợ chồng chị Thúy kết hôn năm 1990, có đăng ký tại UBND xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1991, hai vợ chồng vào TP.HCM bán mì gõ, sau đó mua được miếng đất trồng rau muống ở P.22, Bình Thạnh. Từ xe mì gõ, chị tích lũy dần, đổi được miếng đất lấy một nền nhà ở P.10, Gò Vấp, chuyển sang nghề bán vật liệu xây dựng. Công việc làm ăn càng phát triển, thì anh Văn ngày càng nát rượu. Nhiều lần góp ý mà chồng không sửa, chị quyết định ly hôn và được tòa chấp nhận "chấm dứt quan hệ hôn nhân".

Vì chị phải nuôi hai con, nên tòa giao chị tiếp tục sở hữu căn nhà, yêu cầu chị "thối lại" cho anh số tiền tương đương phân nửa trị giá khối tài sản ấy để anh tìm nơi khác trú thân. Nhưng do chị không thể có ngay số tiền 200 triệu để đưa cho chồng theo bản án, nên anh Văn không chịu chuyển hộ khẩu, cứ ung dung nằm tại nhà chờ vợ "chung" tiền. Sáng sáng, anh lại ra ngồi quán uống rượu, ghi sổ để đó. Trưa, anh về nhà lục cơm ăn như thể mình vẫn còn là gia chủ. Chị Thúy cự nự thì anh chìa tay ra: "Tiền tòa xử bà đã đưa cho tui đâu?".

Việc không cắt chuyển được hộ khẩu của người không còn đủ điều kiện cư trú trong ngôi nhà cũ không chỉ phát sinh những bất ổn về đời sống kinh tế lẫn tinh thần sau ly hôn, mà còn gây rất nhiều khó khăn trong việc một bên muốn nhập hộ khẩu cho người đến sau.

Anh Trần Tư, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn bước thêm bước nữa với chị Lê Thu, thường trú tại huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang sau khi ly hôn được 5 năm. Dù có đăng ký kết hôn và tổ chức tiệc cưới công khai, nhưng suốt 2 năm qua chị Thu vẫn phải "tạm trú" bằng sổ KT3 ngay trong nhà của người chồng hợp pháp của mình. Lý do, chị Huỳnh Trân - vợ trước của anh Tư, sau ly hôn đã bỏ đi biền biệt, không thèm cắt chuyển hộ khẩu, khiến trong sổ hộ khẩu cứ ghi chị là vợ của chủ hộ. Điều này trở thành nguyên nhân khiến anh Tư bị từ chối khi xin nhập hộ khẩu cho người vợ sau của mình.

Anh được công an giải thích: "Không thể ghi cùng lúc hai người trong nhà đều có quan hệ là vợ với chủ hộ. Vợ sau của anh vẫn phải là người tạm trú trong sổ riêng cho đến khi nào cắt được hộ khẩu người vợ cũ".

Gió theo lối gió...

Trường hợp của bà Nguyễn Thương, ngụ P.10, Q.11, có lẽ là trường hợp đau khổ điển hình sau ly hôn vì "di chứng" cắt chuyển hộ khẩu. Bà Thương và ông Lê Hiến kết hôn năm 1990, đã có 4 con chung. Tháng 4-2000, mâu thuẫn phát sinh do ông sống thiếu trách nhiệm với gia đình và thường xuyên đánh đập vợ con. Bà Thương làm đơn ly hôn.

Hội đồng xét xử cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều nhận định: Trong quá trình sống chung giữa bà Thương và ông Hiến đã không hạnh phúc, mâu thuẫn giữa hai người thực sự trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích xây dựng gia đình không đạt được. Vì thế, yêu cầu của bà Thương xin được ly hôn là có căn cứ và được chấp nhận. Tòa ghi nhận sự tự nguyện trực tiếp nuôi dưỡng 4 con của bà Thương. Ông Hiến có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng 1,2 triệu đồng (300.000đ/tháng/con x 4 con). Buộc ông Hiến hồi lại cho bà Thương phần chênh lệch tài sản chung tương đương số tiền là 7,5 triệu đồng, ngay khi án có hiệu lực.

Đồng thời, tòa án cũng công nhận căn nhà hai vợ chồng đang ở là tài sản riêng của bà Thương có trước khi kết hôn với ông Hiến.

Những tưởng sự công nhận này của tòa là cơ sở buộc ông Hiến cắt hộ khẩu ra khỏi nhà. Nhưng ông Hiến chẳng những không trả tiền theo quyết định tòa, mà cũng chẳng thèm cắt hộ khẩu đi nơi khác.

Bà Thương đã phải 2 lần gửi đơn cho Hội PN phường, 3 lần gửi đơn cho đội thi hành án Q.5 và 5 lần gửi đơn cho công an phường, công an quận để xin cắt hộ khẩu ông Hiến ra khỏi căn nhà thuộc sở hữu riêng của mình mà vẫn không được.

Bà Thương cho biết: "Trong tất cả các lá đơn cầu cứu, tôi còn trình bày cả sự quấy rối, xúc phạm liên tục của ông Hiến như bỏ axít vào nước sinh hoạt khiến con gái bị phỏng; bỏ hóa chất đậm đặc vào đồ lót của tôi. Những phiền phức sờ sờ như thế mà khi yêu cầu công an phường cắt hộ khẩu của ông Hiến, thì công an giải thích, việc cắt chuyển hộ khẩu phải được sự yêu cầu của đương sự và đương sự phải chứng minh có chỗ ở mới hợp lệ, thì công an mới giải quyết. Hoặc trong bản án ly hôn tòa phải ghi trục xuất ông Hiến ra khỏi nhà, thì công an mới cắt được. Tôi quay lại tòa trình bày sự việc, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho rằng bản án như vậy là đã rõ ràng, tòa không thể sửa bản án theo yêu cầu của công an".

Trao đổi với bà Đồng Thị Ánh - chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nguyên chánh án TAND TP - về cắt chuyển hộ khẩu sau ly hôn, bà Ánh cho biết: "Án văn số 2125/HNPT ngày 30-10-2003 của hội đồng xét xử phúc thẩm TAND TP đối với trường hợp của chị Thương là chuẩn xác, rõ ràng. Việc cắt, chuyển nhập hộ khẩu thuộc chức năng quản lý của ngành công an. Sau khi có quyết định ly hôn, bà Thương và ông Hiến không còn ràng buộc quan hệ vợ chồng. Vì thế việc không đồng ý cho ông Hiến tiếp tục có tên trong hộ khẩu ở căn nhà của mình là yêu cầu chính đáng và hợp pháp của công dân Thương. Công an mặc nhiên phải hiểu rõ việc cắt hộ khẩu của người kia là hợp lý".

Có thể thực hiện theo yêu cầu của công an là ghi thẳng vấn đề "hộ khẩu" vào bản án hay không? Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chánh án TAND Q.10 cho biết thêm, trách nhiệm của tòa án khi ra quyết định ly hôn là căn cứ vào các chứng cứ để tuyên chấm dứt (hoặc công nhận sự thỏa thuận tự nguyện) quan hệ vợ chồng và giải quyết các vấn đề phát sinh như tài sản và con chung. Việc cắt chuyển hộ khẩu không thuộc phạm vi xử lý của tòa nên không thể ghi vào bản án, trừ khi hai bên có sự thỏa thuận, được pháp luật cho phép, tòa có thể ghi nhận trong bản án.

Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó trưởng công an Q.5, đồng quan điểm với cách lý giải của công an P.10, Q.11. Theo bà Hiền, bản án của tòa chỉ tuyên chấm dứt quan hệ vợ chồng, không đề cập đến vấn đề cư trú sau ly hôn. Vì thế công an không thể tự tiện cắt chuyển hộ khẩu của một người ra khỏi nơi cư trú theo yêu cầu của một người. Theo Nghị định 51 về vấn đề giải quyết hộ khẩu, không có quy định cụ thể nào cho việc cắt, chuyển hộ khẩu sau ly hôn.

Rõ ràng đây là một vấn đề hết sức nan giải, gây ra nhiều rắc rối cho những người muốn thực sự ổn định cuộc sống riêng sau ly hôn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp để điều chỉnh những bất cập trên.

Theo Phụ Nữ TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0