Người dùng hiện vẫn có thể mua được SIM rác tại TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 20-5, đại diện Ngân hàng (NH) số Cake cho biết hiện nay tất cả các ngân hàng đều phải tuân thủ thông tư 50 của Ngân hàng Nhà nước về việc bảo đảm an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng.
Tuy vậy, việc phát sinh những tài khoản không đảm bảo có thể từ chính những tài khoản đã định danh thành công và những giao dịch không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Do đó, người tiêu dùng cần nắm rõ kiến thức về tài chính và có khả năng nhận diện những tài khoản/giao dịch không minh bạch nhằm bảo vệ tài sản của chính mình, đồng thời lựa chọn những sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử có mức độ bảo mật cao.
Mới đây, một số ngân hàng tiếp tục lên tiếng cảnh báo người dùng về một số hình thức lừa đảo đang hoành hành. Cụ thể là việc giả danh nhân viên chuyển phát nhanh yêu cầu chuyển khoản "phí giao hàng" trước khi giao bưu phẩm, nếu không thì phải đến bưu cục nhận.
Sau khi nhận tiền, kẻ lừa đảo tiếp tục thông báo "nhầm lẫn" và yêu cầu khách hàng truy cập đường link độc hại để "hoàn tiền". Nếu khách hàng nghi ngờ và hỏi về bưu cục, kẻ lừa đảo lập tức cắt liên lạc và chặn số điện thoại.
Các ngân hàng khuyến cáo người dùng cảnh giác trước cuộc gọi giao hàng hối thúc chuyển khoản, luôn xác minh với đơn vị bán hàng và đơn vị vận chuyển chính thức. Người dùng tuyệt đối không chuyển khoản cho các cá nhân tự xưng là nhân viên chuyển phát khi giao phát thẻ tín dụng ngân hàng.
Người dùng không cung cấp thông tin cá nhân, không truy cập và đăng nhập thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng tại bất kỳ đường link theo yêu cầu qua điện thoại, tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc. Người dùng cũng không nên cài đặt ứng dụng từ nguồn không chính thống...
Kinh nghiệm từ Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines
Tình trạng SIM rác và tài khoản ngân hàng không chính chủ là vấn đề nghiêm trọng tại nhiều quốc gia.
Tại Ấn Độ: Quốc gia này có hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển, Bộ Viễn thông đã đưa ra hàng loạt quy định liên quan đến việc cấp phát SIM và mở tài khoản ngân hàng.
Theo trang web công nghệ tiêu dùng Fone Arena, từ năm 2024, việc cấp SIM mới tại Ấn Độ bắt buộc phải thông qua quy trình eKYC - xác minh danh tính điện tử bằng mã Aadhaar (mã định danh kết hợp sinh trắc học) tại UIDAI (Cơ quan Quản lý định danh duy nhất của Ấn Độ). Quy trình này cho phép đối chiếu tự động thông tin cá nhân với cơ sở dữ liệu quốc gia, thay vì chỉ nộp bản sao giấy tờ tùy thân như trước đây.
Bên cạnh đó chính phủ còn ra mắt cổng thông tin Sanchar Saathi để báo cáo điện thoại di động bị đánh cắp hoặc bị mất, đồng thời giới thiệu phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo (ASTR) để xác định các kết nối di động bất hợp pháp. Không những vậy, tất cả các đại lý cung cấp SIM đều phải được xác minh bởi cảnh sát địa phương.
Các vi phạm như cấp SIM trái phép hoặc dùng giấy tờ giả có thể bị phạt tới 1 triệu rupee (khoảng 12.000 USD), theo tạp chí India Today.
Nhật Bản: Là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu về công nghệ, Nhật Bản cũng duy trì chính sách quản lý SIM và tài khoản NH dựa trên xác minh danh tính trực tiếp, đi kèm cải tiến số hóa thông tin công dân. Khi đăng ký SIM mới, người dùng bắt buộc phải xuất trình giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, thẻ cư trú hoặc bằng lái xe.
Đặc biệt, trong năm 2024, Nhật Bản đã sửa đổi luật "My Number" - cho phép người dân lưu trữ thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, ảnh chân dung trong điện thoại di động. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở tài khoản NH và thực hiện các giao dịch trực tuyến mà vẫn đảm bảo xác minh chính chủ, theo tờ The Japan Times.
Philippines: Đây là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành Đạo luật Đăng ký thẻ SIM (Republic Act No. 11934) nhằm ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại và tin nhắn giả mạo. Công báo chính thức của Philippines (Philippines Official Gazette) trích dẫn đạo luật năm 2022 cho biết tất cả người dùng SIM đều phải đăng ký thông tin cá nhân với nhà mạng, những SIM không đăng ký sẽ bị khóa hoàn toàn. Bên cạnh đó, người cung cấp thông tin sai lệch khi đăng ký SIM có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 6 năm và phạt tiền lên đến 300.000 peso (khoảng 5.300 USD).
Năm 2024, Philippines tiếp tục ban hành Đạo luật Chống lừa đảo tài khoản tài chính (Republic Act No. 12010) nghiêm khắc và toàn diện hơn. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị coi là tội phạm hình sự, có thể bị phạt tù từ 6 đến 12 năm và phạt tiền từ 100.000 - 500.000 peso (khoảng 1.800 - 8.800 USD) đối với các hành vi như môi giới, mua bán, cho thuê, sử dụng hoặc mạo danh tài khoản tài chính (bao gồm tài khoản NH, ví điện tử, SIM).
Mua bán thông tin tài khoản thanh toán:
Đề xuất phạt cao nhất 200 triệu đồng
Trong dự thảo lần 3 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng đang được lấy ý kiến góp ý, Ngân hàng Nhà nước đề xuất xử phạt nặng, tăng gấp đôi so với hiện nay đối với hành vi vi phạm về tài khoản thanh toán. Cụ thể mức phạt tiền:
- 100 - 150 triệu đồng đối với hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán hoặc mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán.
Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán hoặc mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài bị phạt tiền, tổ chức sai phạm còn bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số thu lợi bất hợp pháp có được, không cho mở rộng mạng lưới và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra trong dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất mức phạt lên đến 150 - 200 triệu đồng nếu nhân viên ngân hàng cho phép khách hàng dùng giấy tờ tùy thân hết hạn hoặc giả mạo khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
- Mức phạt từ 200 - 250 triệu đồng khi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; thực hiện, tạo điều kiện sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, giao dịch thanh toán khống... mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị xử phạt tối đa là 250 triệu đồng.
BÌNH LUẬN HAY