21/07/2025 07:49 GMT+7

Lật tàu chở 49 người ở Hạ Long: Chuyến du lịch hè trở thành thảm kịch

Dông lốc ập đến, chỉ trong tích tắc con tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 bị lật úp giữa vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. 49 người gồm cả thuyền viên và du khách đều bị nhấn chìm.

lật tàu - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp cận khu vực tàu du lịch bị lật chiều 19-7 - Ảnh: TIẾN NGUYỄN

Chỉ 10 người may mắn được cứu sống, lực lượng chức năng đã tìm thấy 35 thi thể.

Ngày 20-7, con tàu Vịnh Xanh QN-7105 sau khi được trục vớt ngoài khơi vịnh Hạ Long đã được lực lượng chức năng lai dắt về bờ chờ xử lý. Sau hơn một ngày đêm tìm kiếm, đến chiều qua vẫn còn bốn nạn nhân đang mất tích.

Trong 35 nạn nhân tử vong có nhiều em nhỏ đi du lịch cùng gia đình. Chuyến du lịch hè đã trở thành thảm kịch với nhiều gia đình khi có nhiều người thân cùng thiệt mạng trong vụ lật tàu.

Tàu lật úp chỉ trong tích tắc

Nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, anh Đặng Anh Tuấn (36 tuổi, trú tại phường Phú Diễn, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại giây phút con tàu gặp dông lốc và bị lật.

Ngày 19-7, anh Tuấn cùng nhóm bạn mua vé lên tàu Vịnh Xanh 58 tham quan vịnh Hạ Long.

Khi tàu rời bến khoảng 4km đi gần đến hang Đầu Gỗ thì một cơn dông lốc bất ngờ ập tới. Bầu trời đang nắng gắt chuyển sang tối sầm, cơn dông kèm theo gió lớn đánh con tàu Vịnh Xanh xô nghiêng theo từng đợt sóng. 

Anh Tuấn và các hành khách trong khoang hoảng loạn tìm áo phao mặc vội. Anh Tuấn thấy con tàu tròng trành vài giây rồi lật úp, tất cả du khách và thuyền viên trên tàu bị nhấn chìm.

Nhớ lại giây phút kinh hoàng, anh Tuấn kể trong thuyền rất tối, bàn ghế xô lệch, mọi người đều hoảng loạn và la hét.

"Khi nước chuẩn bị ngập khoang, tôi hít một hơi dài rồi lặn xuống thì thấy ánh sáng len lỏi dưới nước liền lặn theo tìm lối thoát. Lúc đó tôi chỉ có thể hít một hơi thật dài, cũng xác định hơi đó là lần cuối cùng bởi nước đã tràn đầy khoang tàu, sau đó tôi lặn xuống tìm theo đường qua ánh sáng dưới nước và may mắn thoát nạn", anh Tuấn kể lại.

Sau khi thoát ra khỏi khoang tàu, anh Tuấn ngoi lên mặt nước rồi cố leo vào phần đáy con tàu bị lật úp đang nhô lên trên mặt nước biển. Mất vài phút trấn tĩnh, anh Tuấn cùng hai người thoát được ra ngoài cố lặn xuống kéo một số người bị mắc kẹt ra khỏi tàu. 

Anh lôi được bốn người nhưng chỉ hai người còn sống. Sau đó vì kiệt sức, anh cố bám bánh lái của tàu lênh đênh trên biển hơn hai tiếng thì được lực lượng chức năng cứu, kịp thời đưa vào bờ.

30 phút nghẹt thở cứu người mắc kẹt

Khoảng 15h15 ngày 19-7, trung tá Phan Văn Quân (đội trưởng đội thủ tục Trạm biên phòng cửa khẩu Hòn Gai) nhận được điện thoại của ông Bùi Quang Tuấn (trưởng phòng điều hành Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long) thông báo bị mất liên lạc với tàu Vịnh Xanh 58.

Sau khi nghe trung tá Quân báo cáo tình hình, đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Gai gọi ngay cho trung tá Lê Thế Dũng (phó đồn trưởng) để triển khai ngay các phương án cứu hộ cứu nạn.

Sau cuộc điện thoại chỉ vỏn vẹn 10 giây, những bước chân rầm rập vang lên giữa hành lang Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Gai. 

Trực tiếp trung tá Dũng chỉ huy một ê kíp chuẩn bị xuồng, áo phao cùng các phương tiện cứu hộ đi từ Ban quản lý vịnh Hạ Long ra tiếp cận hiện trường. Cùng lúc, một ê kíp khác của đồn biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên vịnh được điều động đến hiện trường tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.

"Nhanh một chút thì cơ hội đem lại sự sống cho mọi người nhiều hơn nên chúng tôi cố gắng triển khai các phương án nhanh nhất có thể", trung tá Dũng chia sẻ về tâm thế khi nhận lệnh tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lật tàu.

Sau 15 phút rời bến trong điều kiện thời tiết mưa to gió lớn, xuồng của Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Gai tiếp cận được hiện trường vụ tàu Vịnh Xanh 58 bị lật. Trên phần đuôi tàu trồi lên giữa biển rộng khoảng 1m có ba người đang bám víu vào phần bánh lái.

"Khi chúng tôi ra đến nơi thì xuồng thứ nhất đã tiếp cận hiện trường trước, cứu được bốn nạn nhân đang bám víu quanh tàu. 

Còn ba người leo vào được phần đáy tàu nhô lên đang bám vào phần bánh lái vẫy tay kêu cứu, có một phụ nữ đang trong tình trạng kiệt sức và một người bị thương nặng do kính chém vào đùi", trung tá Dũng nhớ lại khoảnh khắc tiếp cận được hiện trường vụ tàu lật.

Ngay lập tức, trung tá Dũng chỉ đạo lực lượng tìm kiếm triển khai các phương án áp sát xuồng vào khu vực tàu bị lật. Một chiến sĩ biên phòng cầm theo dây chạc nhảy lên khu vực đáy con tàu Vịnh Xanh đang trồi lên tìm điểm neo xuồng cứu hộ. Lần lượt ba người đang mắc kẹt được đưa xuống xuồng.

Trung tá Dũng cho biết sau khi đưa ba nạn nhân lên xuồng, lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm xung quanh nhưng không thấy còn ai kêu cứu. Nhận thấy sức khỏe của các nạn nhân đang yếu nên ngay lập tức ông Dũng chỉ đạo tổ công tác đưa cả ba người vào bờ nhanh nhất để cấp cứu.

"Từ khi rời bến đến lúc tiếp cận hiện trường, đưa các nạn nhân vào bờ mất khoảng 30 phút. Chúng tôi xác định phải chạy đua với thời gian, chạy đua với thời tiết để tìm cơ hội sống sót cho những người bị mắc kẹt", trung tá Dũng chia sẻ.

Sau khi các nạn nhân được đưa vào bờ, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh đã đưa xe cứu thương ứng trực sẵn làm công tác sơ cứu sau đó chuyển vào bệnh viện tỉnh. Ngay lập tức xuồng của Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Gai quay đầu hướng ra phía con tàu bị lật tiếp tục công tác tìm kiếm. Khi xuồng quay ra đón thêm được ba người bị nạn do tàu của Biên phòng Hải đội 2 cứu được.

"Một vài người khi được cứu lên xuồng vẫn trong trạng thái đau đớn, hoảng loạn mượn điện thoại anh em biên phòng nhờ xin gọi về gia đình để người thân yên tâm. Chúng tôi liên tục động viên họ bình tĩnh, bớt hoảng loạn để đưa vào bờ cấp cứu", đại úy Việt Anh kể.

Vì sao không sử dụng trực thăng cứu người?

Chiều 20-7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp báo thông tin vụ tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 bị lật trong cơn dông làm 35 người tử vong, 4 người mất tích.

Tại họp báo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Công giải thích lý do không dùng trực thăng cứu nạn.

"Nếu đi trực thăng ra đến nơi không đỗ xuống được, gặp bão gió cũng gây nguy hiểm. Việc sử dụng máy bay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, chỗ đỗ nên trường hợp này là chưa cần thiết", ông Công nói.

Đối với câu hỏi du khách có bắt buộc phải mặc áo phao khi lên tàu du lịch, ông Bùi Hồng Minh - phó giám đốc Sở Xây dựng - cho biết theo quy định của luật, chỉ có hành khách đi trên phương tiện di chuyển ngang sông thì mới bắt buộc phải mặc áo phao suốt hành trình, còn lại đi đường dài chỉ phải mặc khi có nguy cơ mất an toàn và thuyền trưởng sẽ hướng dẫn.

"Quá trình trục vớt, chúng tôi thấy có 80-90% nạn nhân được đưa từ trong tàu ra đều mặc áo phao. Nghĩa là trước đó thuyền trưởng đã cảnh báo hành khách mặc áo phao sẵn sàng ứng phó tình huống bất lợi", ông Minh thông tin.

Tại họp báo, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết cơ quan điều tra đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp khám nghiệm hiện trường, xác minh các thông tin liên quan để kết luận nguyên nhân vụ lật tàu. Nếu đủ căn cứ sẽ làm các bước theo quy định.

Liên quan số liệu nạn nhân, lãnh đạo Công an tỉnh khẳng định đến thời điểm này, căn cứ kết quả điều tra xác định tàu có 3 thuyền viên và 46 du khách đều là người Việt Nam.

Chuyến du lịch hè trở thành thảm kịch - Ảnh 2.Lật tàu du lịch ở vịnh Hạ Long: Người đầu bạc tiễn người đầu xanh

Trong số các nạn nhân vụ tàu du lịch bị lật ở Hạ Long có ba người cùng gia đình gồm anh Lương Văn Yên (40 tuổi, quê xã Tân Yên, Bắc Ninh) và hai con nhỏ (11 tuổi và 6 tuổi).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0