06/07/2025 12:43 GMT+7

Lắp đặt rotor 585 tấn vào nhà máy thủy điện mở rộng lớn nhất Việt Nam

Vào 11h20 sáng 6-7, sau ba tiếng lắp đặt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hạ đặt thành công rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng (tỉnh Phú Thọ).

Lắp đặt rotor 585 tấn vào nhà máy thủy điện mở rộng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Lắp đặt rotor tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng - Ảnh: N.AN

Đơn vị triển khai thực hiện là Ban quản lý dự án Điện 1 cùng các nhà thầu đã triển khai thực hiện. Đây là cột mốc tiến độ quan trọng trong quá trình lắp đặt thiết bị và hoàn thiện tổ máy.

Trực tiếp giám sát quá trình hạ đặt rotor tại công trường ông Đặng Hoàng An - chủ tịch hội đồng quản trị EVN, các lãnh đạo EVN và Ban quản lý dự án Điện 1.

Chuẩn bị cho hòa lưới tổ máy số 1 vào 19-8

Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát. 

Quá trình hạ đặt thành công vào stator - là một phần tĩnh, không di chuyển của máy điện, thường thấy trong máy phát điện, động cơ điện và máy biến áp của tổ máy phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật với độ chính xác cao.

Việc hạ đặt rotor là một bước bản lề quan trọng trong chuỗi các công đoạn lắp đặt tổ máy, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chính xác giữa các đơn vị thi công, giám sát và lắp đặt thiết bị cơ điện.

Việc hoàn thành hạ đặt rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện nhiều hạng mục lắp đặt cơ điện, tiến tới thử nghiệm và vận hành tổ máy với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 của dự án vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. 

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hồng Phương, phó tổng giám đốc EVN, cho hay đây là khối thiết bị có khối lượng nặng nhất trong nhà máy thủy điện.

Việc hạ đặt rotor là bước quan trọng, tiền đề để thực hiện mục tiêu hòa lưới lần đầu của tổ máy số 1 vào ngày 19-8 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó, ông Phương cho biết EVN sẽ tập trung lắp dựng tổ hợp rotor tổ máy số 2, dự kiến hoàn thành sau ba tháng và sau đó một tháng sẽ hòa lưới tổ máy số 2. Như vậy khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 sẽ hòa lưới tổ máy số 2 theo kế hoạch đề ra.

Lắp đặt rotor 585 tấn vào nhà máy thủy điện mở rộng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Dự án dự kiến đưa vào hòa lưới tổ máy số 1 vào ngày 19-8 tới - Ảnh: N.AN

Tăng thêm công suất cho hệ thống điện quốc gia

Ông Phương chia sẻ việc xây dựng nhà máy thủy điện có nhiều khó khăn do có hàng nghìn chi tiết, cấu kiện, linh kiện. 

Đặc biệt dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được đầu tư xây dựng trên cơ sở các nhà máy thủy điện hiện hữu, nên công tác thi công, nổ mìn, vận chuyển thiết bị nặng phải được giám sát chặt chẽ để giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng đến nhà máy hiện hữu, môi trường…

Đáng chú ý, năm 2021 dự án gặp vướng mắc khi xảy ra sạt trượt do điều kiện địa chất và gặp mưa lớn. Với yêu cầu của Thủ tướng, dự án phải dừng 11 tháng để rà soát, đánh giá kỹ lưỡng trước khi thi công trở lại vào tháng 10-2022, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công.

Vì vậy ông Phương cho hay việc triển khai dự án cần giám sát chặt chẽ từng khâu, với đội ngũ nhân công lành nghề lắp đặt để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro. Đến nay toàn bộ khâu thiết kế, thi công, xây dựng, lắp đặt, thiết bị cơ khí thủy công đều do nhà thầu trong nước chế tạo. Riêng thiết bị điện như rotor và máy phát là nhập khẩu.

Theo EVN, dự án Nhà áy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình quan trọng quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có quy mô 2 tổ máy, tổng công suất 480MW (2 x 240MW). Sản lượng phát điện trung bình hằng năm cung cấp khoảng 490 triệu kWh, với tổng mức đầu tư trên 9.220 tỉ đồng.

Là dự án thủy điện mở rộng có quy mô lớn nhất ở Việt Nam, ông Phương cho hay dự án khi đưa vào vận hành sẽ tăng khả năng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao khả năng khai thác vận hành kinh tế của Nhà máy thủy điện Hòa Bình trong hệ thống. 

Từ đó nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí vận hành hệ thống điện; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Lắp đặt Rotor khối lượng 585 tấn vào nhà máy thủy điện mở rộng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 4.Thủy điện Hòa Bình vay 1.900 tỉ đồng từ Pháp để mở rộng

TTO - Thỏa ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu euro (tương đương 1.900 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng mức vốn đầu tư) cho dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng vừa được ký kết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0