
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang TP.HCM - Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Sáng 1-7, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ lễ dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2025), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Nghĩa trang TP.HCM.
Tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Dẫn đầu đoàn đại biểu đến dâng hương, dâng hoa cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là ông Nguyễn Thanh Nghị - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Đi cùng đoàn có Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh; Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân; Phó chủ tịch thường trực HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường;
Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Trương Thị Bích Hạnh; Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân; Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận…
Trước anh linh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lãnh đạo TP.HCM, các đại biểu thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn của cố Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, khiêm tốn, giản dị.
Dịp này, ban tổ chức ôn lại, tôn vinh những phẩm chất cách mạng cao đẹp mà cố Tổng Bí thư một đời rèn luyện, gìn giữ. Đây còn là dịp để mỗi chúng ta tưởng nhớ, tri ân cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, sáng tạo, đổi mới, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi an nghỉ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh: QUỐC THANH

Lãnh đạo TP.HCM, các đại biểu tưởng nhớ công ơn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang TP.HCM - Ảnh: QUỐC THANH
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Theo ban tổ chức, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (biệt danh anh Mười Cúc, chú Út, chú Mười). Ông sinh ngày 1-7-1915, tại Hưng Yên, nhưng cuộc đời cách mạng gắn chặt với vùng đất Nam Bộ, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP.HCM.
Năm 1929, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ông bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.
Năm 1936, ông được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động trong công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội.
Sau Cách mạng Tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến, ông giữ nhiều vị trí quan trọng của Đảng.
Tháng 12-1981, ông làm bí thư Thành ủy TP.HCM. Tháng 3-1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 6-1985, tại Hội nghị Trung ương 8, ông được bầu vào Bộ Chính trị, làm bí thư Thành ủy TP.HCM.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau đó ông trải qua nhiều chức vụ khác. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mất ngày 27-4-1998, hưởng thọ 83 tuổi.
Với những công lao to lớn của ông, Đảng và Nhà nước đã truy tặng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.
BÌNH LUẬN HAY