
Những bức tường đá tại thôn Phú Hạnh - Ảnh: MINH CHIẾN
Nằm cách danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa khoảng 2km về phía tây bắc, thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên) được nhiều người gọi là "làng của đá" bởi nơi đây có nhiều công trình được làm bằng đá.
Những công trình vốn gần gũi, thân quen với người dân nhưng lại lạ lẫm, cuốn hút với du khách. Từ tường rào xung quanh nhà dân, lối đi đến chuồng gia súc… tất thảy đều làm bằng đá xếp.
Bà Nguyễn Thị Kỳ (81 tuổi, người dân làng Phú Hạnh) cho hay hàng chục năm trước, nơi nào ở làng cũng có đá và vì điều kiện khó khăn nên người dân đã tận dụng đá để xây dựng.
“Đá này được xếp sao cho thật khéo và không dùng bất kỳ chất kết dính nào, vậy mà xếp lên nó lại rất vững chãi. Mùa hè thì mát, mà mùa đông lại ấm, thích hợp để ở và làm chuồng chăn nuôi gia súc. Ở làng cũng có một số giếng cổ được xếp bằng đá này, đến nay vẫn còn dùng, nước rất trong và mát”, bà Kỳ nói.
Nằm trong thôn Phú Hạnh, có đồi Cổ Thạch đang là nơi được nhiều du khách đến tham quan, check-in. Đồi có diện tích khoảng 42ha, sở hữu địa hình bằng phẳng, không bị dốc như những ngọn đồi xung quanh.
Nơi đây không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà còn là nơi lưu giữ nhiều vết tích xưa cũ như hệ thống tường thành, đường đá, những hàng duối cổ thụ được trồng tạo thành những lối đi.
Tại đồi Cổ Thạch còn có mỏm Cá Mập, nơi được ôm trọn bởi ba mặt biển với tầm nhìn có thể ngắm trọn Hòn Yến, vịnh Xuân Đài và bãi biển đồi Cổ Thạch. Nhiều du khách dừng tại đây ngắm cảnh, chụp ảnh hoặc cắm trại…
Ông Võ Song Phi - trưởng ban nhân dân thôn Phú Hạnh - cho hay hiện nay địa phương vẫn còn nhiều người giữ cách xếp đá. Đá được góp nhặt trên đồi và đặc biệt không dùng bất kỳ chất kết dính nào, chỉ dựa vào trọng lực của đá để xếp thành những ngôi nhà, chuồng gia súc, có những công trình đã hơn 100 tuổi và tạo nét độc đáo cho làng.
“Nhiều du khách khi đến với Gành Đá Đĩa đã ghé qua thôn để tham quan, khám phá văn hóa tại đây. Những người dân trong thôn cũng rất vui mừng khi địa phương được nhiều người biết đến”, ông Phi nói.

Lối đi lên đồi Cổ Thạch với hai bên là những phiến đá xếp chồng lên nhau - Ảnh: MINH CHIẾN

Tường thành được xây dựng hoàn toàn từ đá và không có chất kết dính - Ảnh: MINH CHIẾN

Những hàng duối dọc lối đi là nơi được nhiều du khách check-in - Ảnh: MINH CHIẾN

Nhiều cây được gắn biển để nhắc nhở người dân, du khách - Ảnh: MINH CHIẾN

Vẻ bình yên tại đồi Cổ Thạch - Ảnh: MINH CHIẾN

Người dân trồng nho tại đồi Cổ Thạch - Ảnh: MINH CHIẾN

Những ngôi nhà có tường được xếp từ đá - Ảnh: MINH CHIẾN

Giếng nước cũng làm từ đá - Ảnh: MINH CHIẾN

Khu vực mỏm Cá Mập, nơi ngắm trọn vẹn cảnh biển - Ảnh: MINH CHIẾN

Hoàng hôn buông xuống nơi mỏm Cá Mập - Ảnh: MINH CHIẾN

Du khách có thể săn mây hồng tại đồi Cổ Thạch vào chiều tà - Ảnh: MINH CHIẾN
BÌNH LUẬN HAY