
Các nạn nhân lừa đảo dùng hình ảnh người mẫu (giả) trò chuyện với con mồi - Ảnh: abc.net.au
Các nhóm tội phạm lừa đảo có tổ chức điều hành
Trước đại dịch COVID-19, các băng nhóm tội phạm người Hoa đã đầu tư nhiều tỉ USD phát triển sòng bạc và khách sạn ở các nước Đông Nam Á với kỳ vọng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm mang lại nhiều tỉ USD lợi nhuận.
Đại dịch bùng phát dẫn tới tình trạng phong tỏa và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Nguồn du khách đi du lịch đánh bạc không còn đông đảo như xưa nên các sòng bạc làm ăn thất bát.
Trong bối cảnh đó, các nhóm tội phạm người Hoa ở nước ngoài phải tìm nguồn thu nhập mới. Chúng quyết định chuyển đổi các cơ sở sòng bạc cũ thành trung tâm lừa đảo trực tuyến. Các trung tâm đầu tiên xuất hiện ở Campuchia và một năm sau đó ra đời ở Myanmar.
Tổ chức tư vấn Humanity Research Consultancy (Anh) ghi nhận các trung tâm lừa đảo thường núp bóng trong các đặc khu kinh tế hoặc các khu giải trí được chuyển đổi mục đích sử dụng thành sòng bạc và khách sạn.
Tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) ghi nhận thời điểm các băng nhóm tội phạm có tổ chức đến Đông Nam Á lập trung tâm lừa đảo vào lúc Trung Quốc mở chiến dịch chống tham nhũng trong hoạt động cờ bạc xuyên biên giới và trấn áp nạn rửa tiền bất hợp pháp ở Macau.
Tổ chức nêu trên xác định các đối tượng điều hành trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Campuchia, Lào, Myanmar chính là các băng nhóm tội phạm có tổ chức có quan hệ chặt chẽ với nhau và chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Doanh nghiệp xã hội Humanity Research Consultancy (HRC) chuyên đấu tranh chống buôn người ở Anh cũng khẳng định tương tự và lưu ý bọn điều hành các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á có quan hệ mật thiết với bọn buôn người trên khắp thế giới, thậm chí còn được một số nhân vật chính trị biến chất bảo kê.
Bà Mina Chiang - người sáng lập và giám đốc HRC - giải thích phần lớn các trung tâm lừa đảo do ông chủ nói tiếng Trung sở hữu và cho một hoặc nhiều người thuê lại. Người thuê lại thường là các nhóm tội phạm trực tiếp cưỡng ép các nạn nhân buôn người tham gia lừa đảo.
Trong khi đó, TS Ivan Franceschini khẳng định phần lớn bọn chủ mưu lừa đảo là dân Trung Quốc đại lục có ba đặc điểm gồm thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp và tuổi tác thấp. Chúng không còn con đường làm ăn nào khác nên lao vào lĩnh vực này.
Một kẻ lừa đảo đã bỏ nghề cho biết: "Tôi không quan tâm đó là Campuchia hay Colombia. Tôi cần một công việc. Lúc này các con tôi đang chết đói [...] Tôi không thể thất nghiệp nữa".
Chẳng mấy chốc các trung tâm lừa đảo trực tuyến đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu hóa nhanh chóng.
Tháng 5-2024, nhóm nghiên cứu cấp cao của Viện Hòa bình Mỹ (USIP) ước tính nạn lừa đảo trực tuyến trên thế giới mang lại doanh thu 63,9 tỉ USD mỗi năm. Trong số đó có 43,8 tỉ USD từ lừa đảo trực tuyến ở các quốc gia sông Mekong hoặc 39 tỉ USD từ ba nước Campuchia, Myanmar và Lào.
Từ năm 2020-2024, các con mồi trên thế giới đã "cống nạp" khoảng 75 tỉ USD cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á.

Ngày 20-2-2025, khoảng 1.000 công dân Trung Quốc được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar - Ảnh: THX
Các nạn nhân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội
Đồng tiền lừa đảo nhuốm đầy mồ hôi, nước mắt và kể cả máu của các nạn nhân buôn người. Năm 2023, văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) ước tính có ít nhất 120.000 nạn nhân bị giam giữ trong các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar và 100.000 nạn nhân cùng cảnh ngộ ở Campuchia.
Theo hai nhà nghiên cứu Julia Dickson và Lauren B. Preputnik, các nạn nhân buôn người ở Đông Nam Á là công dân thuộc hơn 100 quốc gia khắp các châu lục.
Báo cáo về nạn buôn người (TIP) năm 2024 của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc biệt lưu ý các nạn nhân đến từ Ghana, Nigeria, Uganda, Kenya, Peru, Brazil và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Các nhà nghiên cứu ghi nhận không có chân dung tiêu biểu của nạn nhân buôn người bị ép buộc làm việc trong các trung tâm lừa đảo trực tuyến bởi các trung tâm này hoạt động hết sức cá biệt. TS Ivan Franceschini ở Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Melbourne (Úc) nhận xét các nạn nhân này thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội và mỗi người mắc bẫy theo cách khác nhau.
Một số bị dụ dỗ thông qua các trang web tuyển dụng việc làm hoặc mạng xã hội. Một số khác được mời mọc trực tiếp. Nhiều người bị dụ dỗ qua bọn môi giới nhận tiền hoa hồng từ công ty lừa đảo. Ngoài ra, một số người bị chính người quen biết, bạn bè hoặc họ hàng lừa đảo.
Trong số các nạn nhân, đại đa số là nạn nhân buôn người bị giam giữ ngoài ý muốn. Số ít còn lại là bọn tội phạm không biết "quay đầu là bờ", sẵn sàng xuống tay tàn độc bóc lột đồng loại. Một số khác thuộc hạng người tuyệt vọng, tham gia lừa đảo trực tuyến kiếm sống nhưng một khi tay đã nhúng chàm thì không thể rứt ra.
Các chuyên gia nhận định nạn nhân buôn người một khi đã tham gia lừa đảo trực tuyến thì các lối thoát rất hạn chế, đặc biệt là các nạn nhân tại Myanmar.
Bà Mercy Otieno thuộc tổ chức phi lợi nhuận Awareness Against Human Trafficking (Kenya) cho biết muốn liên lạc hoặc hỗ trợ các nạn nhân Kenya bị buôn bán sang Myanmar khó khăn hơn nhiều. Bà bộc bạch: "Chúng tôi chỉ có thể trông chờ họ trốn thoát mới có thể hỗ trợ được".
Ông Andrew Wasuwongse - giám đốc quốc gia Thái Lan của tổ chức phi chính phủ quốc tế International Justice Mission (IJM) ở Mỹ - cho biết đôi lúc IJM có thể hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật ở Campuchia hay Philippines để giải cứu các nạn nhân nhưng ở Myanmar thì khác.
Hầu hết nạn nhân ở Myanmar phải tự tìm đường thoát thân bằng cách hoàn thành hợp đồng, trả tiền chuộc mạng hoặc tuyển người thay thế.
Ông Judah Tana - người sáng lập và giám đốc quốc tế tổ chức phi lợi nhuận Global Advance Project (Thái Lan) - nhận xét các phương pháp giải cứu ngày càng táo bạo hơn như tạo cơ hội cho nạn nhân trốn thoát trong quá trình chuyển từ khu lừa đảo này sang khu lừa đảo khác qua Thái Lan.
rong một số trường hợp, tổ chức của ông có thể thuyết phục các nhóm vũ trang Myanmar sắp xếp thả người hoặc làm trung gian hỗ trợ gia đình các nạn nhân đàm phán giảm tiền chuộc. Các đại sứ quán và các tổ chức phi chính phủ thường tránh đàm phán tiền chuộc vì lo ngại khuyến khích nạn buôn người gia tăng.
Mặc dù các trung tâm lừa đảo trực tuyến thường tập trung ở Đông Nam Á nhưng số ít trung tâm như vậy cũng xuất hiện ở một số quốc gia khác như Ghana, Peru, UAE, Mexico. Các trung tâm này có liên quan đến các băng nhóm tội phạm nói tiếng Trung. Chưa rõ các trung tâm lừa đảo này có phải xuất hiện theo kiểu bắt chước các trung tâm tương tự ở Đông Nam Á hay không.
---------------------------------
Một cô kỹ sư máy tính người Myanmar bị trung tâm lừa đảo trực tuyến ép buộc phải phát triển và tích hợp khả năng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động lừa đảo. Cô nhận xét công nghệ của bọn lừa đảo tiên tiến hơn bất kỳ thứ gì cô đã từng thấy và bất kỳ thứ gì cô đã từng học.
Kỳ tới: Vũ khí công nghệ trong tay bọn lừa đảo
BÌNH LUẬN HAY