
Từ núi Sơn Trà nhìn sang núi Hải Vân, cả hai tên núi này được đề xuất đặt tên phường mới ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ngày 22-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Minh Kiều - chủ tịch UBND quận 5 - cho biết liên quan hai cái tên của quận 5 mà Tổng Bí thư khen là An Đông và Chợ Lớn, địa phương đã rất cân nhắc trước khi chọn hai tên này.
Ký ức sống động của nhiều thế hệ
Theo bà Kiều, cái tên An Đông được chọn vì nó gợi nhắc đến trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông) - một biểu tượng thương mại sầm uất được hình thành từ năm 1951 - 1954.
Chợ An Đông không chỉ là nơi giao thương mà còn là biểu tượng lâu đời của Sài Gòn, là ký ức sống động của nhiều thế hệ người Sài Gòn.
Chợ An Đông không chỉ đóng vai trò đầu mối quan trọng của quận 5 mà còn có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa đến các quận lân cận và các tỉnh thành, đồng thời là điểm đến du lịch, mua sắm thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người dân quận 5 nói riêng và TP.HCM nói chung.
Đến năm 1959, phường An Đông chính thức ra đời như một tất yếu cho một địa danh gắn liền với biểu tượng lâu đời của Sài Gòn. Qua nhiều thời kỳ cách mạng, tên phường An Đông vẫn được giữ cho đến tháng 5-1976.
"Việc sử dụng tên gọi An Đông cho đơn vị hành chính phường mới không chỉ phản ánh chính xác đặc trưng kinh tế nổi bật nhất của địa bàn, mà còn tạo thuận lợi tối đa cho công tác quản lý nhà nước, các giao dịch hành chính, dân sự, kinh tế của tổ chức và người dân", bà Kiều chia sẻ.
Còn về phường Chợ Lớn, bà Kiều cho hay Chợ Lớn được hình thành từ thế kỷ 17 đến 19. Quá trình lịch sử hình thành và phát triển của quận 5 gắn liền với quá trình hình thành của khu vực Chợ Lớn, là nơi tập trung nhiều đồng bào Hoa sinh sống.
Nơi đây được biết đến là khu trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng cho đô thị Sài Gòn lúc bấy giờ. Hiện nay khu vực này vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa và kiến trúc độc đáo, lối sống, tín ngưỡng và hoạt động thương mại.
Việc đặt tên phường là Chợ Lớn không chỉ nhằm tôn vinh, bảo tồn một di sản đô thị phi vật thể quan trọng, một "thương hiệu" lịch sử đã được thừa nhận rộng rãi, mà còn khẳng định vị trí trung tâm, cốt lõi của phường mới trong không gian văn hóa - lịch sử của vùng Chợ Lớn.
"Phường Chợ Lớn có các ngôi chợ Kim Biên, Tân Thành, Soái Kình Lâm, Xã Tây, Phùng Hưng, Hà Tôn Quyền... Ngoài ra còn có di tích cấp quốc gia số 5 Châu Văn Liêm và các di tích văn hóa gắn với di sản văn hóa phi vật thể của người Hoa quận 5", bà Kiều chia sẻ.

Theo phương án đặt tên được điều chỉnh, TP Hội An (Quảng Nam) sẽ có 3 phường và 1 xã, trong đó có các phường Hội An, Thanh Châu, Thanh Hà - Ảnh: LÊ TRUNG
Dân đón nhận nhiệt tình
Quảng Trị là địa phương có "làn sóng" đổi tên từ địa danh gắn với con số khô khan sang những tên thân thuộc.
Chỉ trong vài ngày, ba huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh đã có những điều chỉnh tên gọi phường xã ngay sau khi bị nhiều người phản ứng vì không mang những thông điệp văn hóa cần thiết của vùng đất.
Huyện Triệu Phong ban đầu được sắp xếp thành 5 xã mới có tên đánh số, từ Triệu Phong 1 đến Triệu Phong 5, nhưng sau đó đã đổi thành 5 tên gọi mang bản sắc của địa phương: Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ và Nam Cửa Việt.
Huyện Vĩnh Linh lúc đầu cũng chọn tên mới theo số thứ tự từ Vĩnh Linh 1 đến Vĩnh Linh 5, nhưng sau đó đã thay bằng những tên gọi giàu ý nghĩa mà ông cha đã từng sử dụng: Vĩnh Linh, Cửa Tùng, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Thủy, Bến Quan.
Huyện Gio Linh cũng đổi tên ba xã mới từ Tây Gio Linh thành Cồn Tiên, Đông Gio Linh thành Cửa Việt, Bắc Gio Linh thành Bến Hải (riêng tên xã Gio Linh giữ nguyên như phương án cũ).
Ông Lê Đức Thọ, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Trị, cho biết khi thay đổi thành những tên gọi từ số sang tên gọi thân thuộc, vốn gắn bó với tiềm thức của người dân, đã được người dân đón nhận nhiệt tình.
"Những tên gọi mới mang cả tình cảm và sự gắn bó của người dân từ bao đời, nên trước hết những tên gọi này sẽ khơi dậy cảm thức yêu thương quê hương của người dân. Về mặt xã hội thì đây là sự thay đổi kịp thời và có tiếp thu của chính quyền", ông Thọ nói.
Nên lắng nghe ý dân
Tỉnh ủy Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị để thay cách đặt tên các xã phường gắn số thứ tự hoặc theo phương hướng bằng tên làng cũ, tên dòng sông hay di sản văn hóa nổi tiếng. TP Hội An dự kiến các tên phường mới: Thanh Hà, Thanh Châu, Hội An.
TP Tam Kỳ dự kiến có tên phường mới: Hương Trà, Bàn Thạch, Quảng Phú. Bên cạnh đó là những cái tên gắn với các di sản, con sông như xã Mỹ Sơn, phường Bàn Thạch, xã Vu Gia, xã Thu Bồn, xã Gò Nổi, xã Chợ Được, xã Bến Hiên, xã Chu Lai, xã Chiên Đàn...
Lý giải về việc tỉnh bỏ tên xã bằng số và lấy lại những cái tên xưa như Thu Bồn, Vu Gia, Mỹ Sơn, Bàn Thạch, Chiên Đàn, Gò Nổi..., Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết trước đó thực hiện theo khuyến khích của Bộ Nội vụ nên đặt tên theo kiểu lấy tên huyện cộng thêm con số.
Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến nhân dân thì người dân không đồng tình, lãnh đạo tỉnh thấy điều đó hoàn toàn chính đáng nên lắng nghe ý kiến của dân và điều chỉnh tên gọi gần gũi với truyền thống văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương.
Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng - nguyên trưởng Phòng quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc điều chỉnh tên xã không còn số và sử dụng tên bằng tiếng thuần Việt như vậy là tốt.
"Tên một vùng đất mang tính bao hàm chung thì nó đã nổi tiếng xưa nay, ví dụ Thu Bồn, Vu Gia, Mỹ Sơn, Chiên Đàn... Vì vậy đặt tên cho một đơn vị hành chính xã thì nên lấy những địa danh hồi xưa cha ông mình đã đặt. Dưới triều Nguyễn cũng đã đặt tên mang ý nghĩa tốt đẹp, hướng về giá trị chân thiện mỹ, khát vọng phồn vinh của vùng đất, ước vọng con người vươn tới tương lai cho con cháu về sau" - ông Hướng nói.

Tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh tên xã, phường không còn số, tên mới gắn với làng xã, mang tính truyền thống văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Trong ảnh là người dân Cơ Tu ở huyện Tây Giang làm lễ hội nhập làng - Ảnh: LÊ TRUNG
Phù hợp hơn, đáp ứng nguyện vọng của người dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - cho hay với cách đặt tên cơ học như lấy tên quận/huyện trước khi kết thúc rồi đánh số thứ tự 1, 2, 3... có thể thuận tiện cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin trong ngắn hạn.
Tuy nhiên khi có các tên gọi là danh xưng về văn hóa lâu đời thì rõ ràng nên khuyến khích giữ gìn, không nên khiên cưỡng đánh số bởi việc này vừa thiếu đi tính thẩm mỹ, vừa không giúp nhận diện thương hiệu địa phương trong dài hạn.
Do đó ông Phúc đề nghị cần nhất quán quan điểm về tên gọi mới sau khi sáp nhập, chia tách là phải bảo đảm tính kế thừa, giữ gìn nét đặc trưng của vùng, miền, địa phương.
Ông Phúc dẫn chứng quận Cầu Giấy (Hà Nội) nơi ông sinh sống đang lấy ý kiến nhân dân với dự kiến từ 8 phường sẽ sắp xếp còn lại 3 phường gồm Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Yên Hòa.
"Cầu Giấy là tên quận sau khi kết thúc hoạt động, còn Nghĩa Đô và Yên Hòa đều là các địa danh có lịch sử lâu đời gắn bó với người dân. Việc đề xuất các tên như vậy là phù hợp và đa phần người dân tôi quen biết đều bày tỏ đồng tình.
Hay như việc Đà Nẵng, Quảng Nam... thay đổi cách đặt tên cho các phường mới sau sáp nhập, chuyển từ phương án đánh số sang sử dụng các địa danh lâu đời đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân", ông Phúc nói.
* TS NGUYỄN VIẾT CHỨC (phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam):
Cái tên còn có tác dụng khơi gợi cảm xúc, niềm tự hào
Trước đây có gợi ý đặt tên đơn vị mới theo tên của cấp huyện cũ và thêm số thứ tự. Khi đó đã có những đề xuất như các phường ở quận Thanh Xuân, quận Đống Đa thì đặt tên là Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2 hay Đống Đa 1, Đống Đa 2.
Tuy nhiên, trong đề án được Hà Nội công bố không có những cái tên như ý kiến đề xuất trên, thay vào đó là những tên cụ thể. Như quận Đống Đa từ 17 phường dự kiến sắp xếp thành 5 phường gồm Đống Đa, Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên và Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tên có ý nghĩa rất lớn vì gắn liền với vùng đất, con người và văn hóa, lịch sử. Cái tên còn có tác dụng khơi gợi cảm xúc, niềm tự hào, tạo động lực và truyền cảm hứng cho người dân. Vì thế, việc lựa chọn tên cho đơn vị hành chính mới cần xem xét kỹ góc độ văn hóa, lịch sử và ý nghĩa này.
Mỗi địa phương, việc lựa chọn tên như thế nào cần được nghiên cứu, bàn bạc, thảo luận kỹ, đặc biệt cần công khai minh bạch, bảo đảm khách quan và khoa học.
Đặc biệt cần tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân... trước khi đi đến quyết định.
Lại "dậy sóng" do cách đặt tên: Đông, Tây, Nam, Bắc
Nhiều ngày qua, dư luận tại An Giang "dậy sóng" khi chính quyền đặt tên nhiều xã phường gắn với các hướng (đông, Tây, Nam, bắc) mà bỏ quên những tên có truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh này.
Một lãnh đạo Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên) cho rằng tỉnh An Giang đặt tên mới cho các xã phường đều gắn với phương hướng đông, Tây, Nam, Bắc là rất kỳ. "Việc xã An Hảo và Tân Lập nhập lại đặt tên xã Tịnh Biên Nam, thay vì An Hảo hoặc Núi Cấm, là không hợp lý.

Người dân bức xúc vì sao xã An Hảo và xã Tân Lập (thị xã Tịnh Biên) nhập lại đặt tên xã Tịnh Biên Nam mà không phải xã Núi Cấm hay xã An Hảo - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tên Núi Cấm, một địa danh nổi tiếng gắn liền với vùng Bảy Núi, đáng được ưu tiên hơn tên gọi theo hướng như hiện nay. Tên xã phường mang tính định hướng đông, Tây, Nam, Bắc thiếu ý nghĩa và khó hiểu đối với người ngoài tỉnh. Việc không sử dụng địa danh lâu đời, giàu truyền thống văn hóa lịch sử của An Giang là bất ổn", vị này nói.
TS Ngô Quang Láng, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang, cho rằng việc đặt tên xã phường theo phương hướng chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. "Địa phương nên lấy ý kiến người dân hoặc cho anh em có chuyên môn ngồi lại thống nhất dữ liệu, những địa danh đi từ thời xa xưa đến giờ thì bà con vẫn chấp nhận được.
Còn việc đặt tên như hiện nay là xem nhẹ truyền thống của cha ông ở vùng đất này. Nhìn tới nhìn lui xung quanh mình thì thấy các tỉnh thành họ đặt tên xã phường rất hay, nhưng tại sao chỉ có An Giang đặt tên xã phường theo hướng như vậy?", ông Láng nói thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Văn Mừng, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết Đảng ủy UBND tỉnh An Giang đã có báo cáo cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đang chờ ý kiến chỉ đạo.
"Khi chúng tôi công bố tên các xã phường, phương án dự thảo đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và đặc biệt là ý kiến của các cô chú từng là lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh An Giang qua các thời kỳ.
Tôi đã có văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang trước các ý kiến, đề xuất chính đáng của cựu lãnh đạo tỉnh và bà con cử tri. Tuy nhiên đến giờ này, tôi chưa nhận được sự chỉ đạo mới nào của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên chưa dám thay đổi gì", ông Mừng nói.
Khánh Hòa: tôn trọng truyền thống của mỗi vùng đất
Chia sẻ về chuyện đặt tên xã phường, ông Bùi Mau, nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho rằng việc đặt tên các xã phường khi sáp nhập gắn liền với những địa danh đã đi vào lịch sử, ký ức; gắn liền với truyền thống, văn hóa - lịch sử là điều rất quan trọng.
Theo ông Mau, việc đặt tên các xã phường sau sáp nhập phải giữ được văn hóa đặc trưng, tôn trọng truyền thống của vùng đất đó.
Còn TS Lê Xuân Thân, đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học phù hợp với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ.
Nghị quyết khuyến khích việc lấy tên của huyện, thị, thành phố trước đó và gắn số thứ tự, có nghĩa là không bắt buộc phải thực hiện điều này.
Đà Nẵng: tên mới gắn với địa danh gốc
Ngày 22-4, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết về điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã. Tên phường mới dự kiến của 19 đơn vị phường, xã, đặc khu được thay đổi bằng nhiều địa danh cụ thể thay vì đánh số thứ tự theo tên quận như nghị quyết trước đó (Hải Châu 1, Hải Châu 2...).
Đà Nẵng giữ tên các quận, huyện lại thành tên xã, phường mới; giữ lại tên một số xã, phường cũ; đặt tên xã Bà Nà, đặt tên phường Hải Vân gắn với địa danh núi nổi tiếng.
Ông Ngô Phi Hà, người dân quận Cẩm Lệ, nhìn nhận cách đặt tên mới bám sát các địa danh núi sông, địa danh gốc như nghị quyết mới đây giúp dễ hình dung khu vực địa lý. "Những địa danh Bà Nà, Hải Vân nói ra người Đà Nẵng đều hình dung được ở khu vực địa lý nào, nên khi đặt tên cho địa phương ở đó là người ta biết ngay", ông Hà nói.
Mỗi địa danh là một thương hiệu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng việc đặt tên xã phường bằng những tên gọi lịch sử nổi tiếng như Chợ Lớn, Gia Định… sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành du lịch TP.HCM.
TS Dương Đức Minh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch - cho rằng sự khôi phục những cái tên làng xã gắn liền với ký ức lịch sử không đơn thuần là một hành động hành chính, mà là một cuộc cách mạng về tư duy và cảm thức văn hóa, là sự giao thoa giữa ký ức truyền thống và kỳ vọng phát triển.

Thương xá Đồng Khánh nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 14, quận 5 dự kiến thuộc phường Chợ Lớn sau sáp nhập - Ảnh: T.T.D.
Khai thác chiều sâu văn hóa
Theo ông Minh, ở góc độ kinh tế - du lịch, tên gọi còn đóng vai trò như một thương hiệu địa lý. Một cái tên giàu bản sắc, gợi nhớ tới truyền thống văn hóa lâu đời có thể trở thành điểm tựa để phát triển du lịch kể chuyện, du lịch văn hóa và các sản phẩm đặc thù.
Khi du khách tìm về những cái tên như Ba Vát, Vĩnh Trị, An Đông..., họ không chỉ đến một vùng đất mà còn bước vào một dòng chảy văn hóa, một không gian mang trong mình linh hồn xứ sở. Việc chọn tên cũ vì thế không đơn thuần là sự hồi cố, mà là chiến lược định danh hiện đại, khôn ngoan và hiệu quả", ông Minh phân tích.
Ông Minh cũng gợi ý cần xây dựng bằng sự tham gia của cộng đồng trong việc thiết kế lại bản đồ tên gọi gắn với trải nghiệm du lịch; bằng việc kiến tạo các sản phẩm cụ thể làm sống lại tên cũ trong hình hài mới.
Chẳng hạn tour "Ký ức Gia Định", không gian "Sài Gòn kể chuyện", tuyến điểm "Chợ Lớn không ngủ"... Có như vậy mới tạo nên sức hút mới bằng cách khai thác chiều sâu văn hóa cũ.
Giúp du khách nhận ra bản sắc đặc trưng
Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận việc sử dụng tên gọi truyền thống giàu bản sắc văn hóa và lịch sử như Chợ Lớn, Gia Định, Bà Điểm... khi đặt tên cho các xã, phường mới mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho phát triển du lịch.
Ông Hòa nói: "Các địa danh lịch sử này là thương hiệu du lịch đã được định vị sâu sắc trong nhận thức của du khách trong và ngoài nước.
Thay vì những tên gọi khô khan theo số thứ tự, các tên gọi truyền thống tạo sự kết nối tự nhiên và thuận lợi cho việc xây dựng các chương trình thuyết minh du lịch giàu cảm xúc, có chiều sâu văn hóa, giúp du khách dễ dàng liên hệ, hiểu rõ hơn về hành trình lịch sử và bản sắc đặc trưng của TP.HCM".
Ngoài ra, ông cũng đánh giá việc giữ lại và phát huy các tên gọi truyền thống giúp du khách dễ dàng kết nối địa danh với các câu chuyện lịch sử địa phương; thu hút khách du lịch, tăng cường sức cạnh tranh và nhận diện thương hiệu TP.HCM trên bản đồ du lịch quốc tế.
Có sức hấp dẫn lớn
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - phó tổng giám đốc Vietravel - cho rằng: "Những tên gọi mới như Gia Định, Chợ Lớn, An Đông... gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố và có sức hấp dẫn lớn với du khách quan tâm đến di sản văn hóa, là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM".
Ngoài ra, cũng theo bà Hoàng, cùng với địa danh, có thể phát triển các điểm du lịch văn hóa, di tích bảo tàng; tạo liên kết giữa các điểm du lịch, hình thành các tuyến du lịch, thúc đẩy khám phá nhiều địa điểm...
BÌNH LUẬN HAY