
Lái xe khi trời mưa sẽ cần đặc biệt lưu ý - Ảnh minh họa: PHẠM TUẤN
Lái xe khi trời mưa, hầu hết mọi người theo thói quen sẽ giảm tốc độ. Điều này xuất phát từ nguyên tắc "giảm tốc 20% khi đường ướt" đã được phổ biến rộng rãi. Về cơ bản, mặt đường ướt có độ ma sát thấp làm tăng quãng đường từ lúc tài xế đạp phanh đến khi dừng hẳn, do đó việc giảm tốc độ so với bình thường là điều đúng đắn.
Tuy nhiên, việc giảm tốc độ đôi khi không cần thiết, thậm chí dẫn đến tai nạn. Bởi các dòng xe hiện đại được trang bị nhiều hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến, giúp tăng tính ổn định khi vận hành.
Thêm vào đó, thiết kế đường cao tốc và các tuyến đường khác cũng được tối ưu hóa dựa trên tốc độ cho phép.
Vì vậy, "giảm tốc độ một cách máy móc" có thể gây mất cân bằng xe. Hay nói cách khác, trong một số trường hợp, duy trì tốc độ theo quy định thay vì giảm tốc độ lại là cách lái xe an toàn hơn.
Hệ thống hỗ trợ lái: "Con dao hai lưỡi" dưới trời mưa lớn?
Các mẫu xe mới hiện nay thường được trang bị tiêu chuẩn hoặc tùy chọn nhiều tính năng ADAS như hỗ trợ giữ làn đường, phanh khẩn cấp, cảnh báo va chạm phía trước,...

Chìa khóa để lái xe an toàn dưới trời mưa không chỉ nằm ở việc giảm tốc độ. Điều quan trọng là người lái phải tổng hợp và đánh giá linh hoạt các yếu tố như tình trạng mặt đường, tình trạng xe, tốc độ di chuyển, mật độ giao thông xung quanh - Ảnh: Automotive Testing Technology International
Tuy nhiên, những tính năng này không phải lúc nào cũng hoạt động trơn tru. Trong điều kiện mưa lớn, camera phía trước hoặc cảm biến radar có thể hoạt động không hiệu quả, khiến các chức năng như hỗ trợ giữ làn đường hay duy trì khoảng cách an toàn có thể trở thành sự cản trở. Không loại trừ khả năng hệ thống hoạt động sai hoặc phản ứng chậm trong trường hợp phanh gấp.
Nghiên cứu của Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) cho thấy mưa vừa đến mưa lớn ảnh hưởng đến khả năng "nhìn" của hệ thống an toàn trên xe. Trong thử nghiệm đường kín, AAA đã mô phỏng mưa và phát hiện ra rằng xe thử nghiệm được trang bị phanh khẩn cấp tự động khi di chuyển với tốc độ 56km/h có 33% khả năng va chạm với xe đã dừng lại.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường cũng không khá hơn với việc xe thử nghiệm có 69% khả năng đi chệch làn. Ngoài ra, kính chắn gió bẩn cũng ảnh hưởng đến hoạt động của camera.

Hơn nữa, không nên quá tin tưởng vào các hệ thống hỗ trợ lái xe hiện đại. Dù công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn tồn tại những hạn chế về khả năng nhận diện của cảm biến hay lỗi hoạt động của hệ thống điện tử - Ảnh: AAA
Nguyên nhân được cho là khi sản xuất ADAS, hệ thống an toàn xe thường được đánh giá trong điều kiện vận hành lý tưởng.
"Thực tế là mọi người không phải lúc nào cũng lái xe trong thời tiết hoàn hảo, nắng đẹp, vì vậy chúng ta phải mở rộng thử nghiệm và xem xét những điều mà mọi người thực sự phải đối mặt trong việc lái xe hằng ngày", giám đốc kỹ thuật của AAA phát biểu.
Nghiên cứu của AAA cho thấy hiệu suất của hệ thống an toàn xe rất khác nhau, củng cố rằng chúng không thay thế cho người lái xe hoàn toàn tập trung, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.
Vượt qua vũng nước: Duy trì vòng tua máy là chìa khóa
Sau cơn mưa lớn, những đoạn đường bị ngập nước hoặc vũng nước trước gờ giảm tốc là những điểm cần đặc biệt lưu ý do tầm nhìn hạn chế và khó ước lượng độ sâu. Việc chỉ giảm tốc độ là chưa đủ.

Khi lái xe dưới trời mưa, "ứng phó thông minh" quan trọng hơn chỉ "chạy chậm" đơn thuần - Ảnh: New Auto Post
Khi đi qua vũng nước, ngoài việc di chuyển chậm, điều quan trọng là phải duy trì vòng tua máy ở mức nhất định để ngăn nước tràn vào ống xả.
Đặc biệt, những xe có ống xả thấp hoặc vòng tua máy giảm thấp khi dừng xe cần cẩn trọng hơn. Việc ngâm nước trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống xả mà còn có thể làm hỏng bộ điều khiển điện tử (ECU), gây thiệt hại lớn.
Do đó, khi trời mưa lớn, nên tìm hiểu trước các tuyến đường thoát nước tốt. Nếu bắt buộc phải đi qua vũng nước, hãy về số thấp để duy trì vòng tua máy ổn định.
BÌNH LUẬN HAY