
Họa sĩ Thu Hương bên những tác phẩm của mình - Ảnh: HỒ LAM
Triển lãm là Hương 2025 diễn ra từ ngày 10 đến 14-5 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM).
Qua những tác phẩm trong là Hương, họa sĩ Nguyễn Thu Hương mong muốn gửi đến người xem nguồn cảm hứng bất tận, để ai cũng có thể tạo cho mình những cảm xúc sáng tạo mới mẻ, khác biệt.
Bông hoa nở hay vòng xoáy của vũ trụ?
Gần 20 năm với phong cách sáng tác từ ấn tượng dần dịch chuyển sang trừu tượng, trong triển lãm lần này Thu Hương theo đuổi vòng xoáy với nhiều sắc màu rực rỡ, tạo cảm giác mênh mông như lạc vào vũ trụ bao la hay đắm mình trong sâu thẳm đại dương.
Kỹ thuật đổ màu kết hợp với hiệu ứng loang đốm tròn trong tranh, tựa như những vì sao lấp lánh trên bầu trời hay những bụi tinh vân xa xôi.
TS Mã Thanh Cao, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nói khi xem tranh của Hương, có người nghĩ là bông hoa nở, có người cảm nhận đó là vòng xoáy của vũ trụ bao la.
Những bức tranh của Thu Hương không có tên gọi, bởi cô muốn "mỗi người xem hãy cảm nhận các tác phẩm nghệ thuật thuận theo cảm xúc, tâm hồn của mình", Hương nói với Tuổi Trẻ Online.
"Dù vẽ tranh hay làm gốm tôi đều rất tự do trong sáng tạo. Kỹ thuật đổ màu trong tranh cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo, đồng thời cũng cho tôi một dòng tranh rất "là Hương".
Với gốm, tôi không theo một cách diễn giải nghệ thuật hay trường phái nào, mà cứ để các tác phẩm sinh thành bằng chính cuộc sống, hơi thở, bản sắc của riêng nó, không bị gò bó, áp đặt vào mong muốn chủ quan nào của tôi" - họa sĩ Thu Hương chia sẻ.

Những bức tranh trong triển lãm "là Hương" không có tên gọi, nhưng mang đến cho người xem những suy nghĩ khác nhau - Ảnh: HỒ LAM
Gốm mỏng nhưng không nứt vỡ
Mỗi tác phẩm gốm của Thu Hương thể nghiệm một loại kỹ thuật làm đất, lên men, quy trình, phương pháp nung… khác nhau để thỏa mãn sự hiếu kỳ, sức tưởng tượng của chính cô.
Sự pha trộn màu sắc của các dòng men kết hợp đường nét tạo hình từ đất sét với dấu vân tay được lưu lại như một đặc trưng sáng tạo của cô. Thủy tinh được nung chảy hòa quyện vào men, tạo nên một lớp áo màu sắc khác lạ cho đất.
Thu Hương tâm sự đến với gốm là mối lương duyên lớn trong đời cô, mở ra cho cô một chân trời sáng tạo mới. Ở đó có sự mong đợi, bất ngờ khi mở lò, có yêu thích, vui mừng và cũng có buồn, thất vọng.

Thu Hương tạo hình gốm thành chiếc lá
Nói về kỹ thuật làm gốm, Hương chọn làm gốm mỏng. Những chiếc bình gốm với tạo hình uốn lượn mềm mại như dải lụa, những nếp gấp kết hợp với dòng chảy của men tạo cảm giác như dòng nước đang chảy,
"Mỏng nhưng không nứt vỡ, mỏng nhưng cứng cáp đanh thép, mỏng như giấy nhưng khi chạm vào thì tiếng vang như chuông… Đây cũng là những nét sáng tạo của tôi trong nghệ thuật làm gốm", họa sĩ Thu Hương nói.

Đĩa gốm được tạo hình giống tổ ong

Những bức tranh có lúc như vòng xoáy bao la của vũ trụ

Có những bức như một bông hoa đang nở

Sắp đặt những bình gốm trên hệ thống kệ chữ H bằng gỗ với chủ đề đại dương - Ảnh: HỒ LAM
Họa sĩ Nguyễn Thu Hương tốt nghiệp khoa sơn mài, Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2008; tốt nghiệp thạc sĩ mỹ thuật tạo hình, Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2012.
Cô là họa sĩ toàn thời gian, sáng tác, nghiên cứu thể nghiệm trên nhiều chất liệu: sơn mài, sơn dầu, acrylic, lụa, đồ họa tạo hình, gốm nghệ thuật…
BÌNH LUẬN HAY