21/04/2025 13:22 GMT+7

Ký sinh trùng dài gần 10cm ‘trú ẩn’ trong mắt

Đến thăm khám trong tình trạng đau nhức mắt kéo dài, chảy nước mắt liên tục, ngứa râm ran, người phụ nữ bất ngờ khi các bác sĩ tìm thấy ký sinh trùng dài gần 10cm ‘trú ẩn’ trong mắt.

ký sinh trùng - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khi bắt ký sinh trùng trong mắt - Ảnh: BVCC

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp hiếm gặp: bệnh nhân nữ, N.N.T. (53 tuổi, trú tại Hà Nam) đến khám với tình trạng đau nhức mắt kéo dài, cảm giác cộm như có dị vật, chảy nước mắt liên tục và ngứa râm ran.

Trước đó chị đã tự ý nhỏ thuốc mắt tại nhà nhưng không thấy cải thiện.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã phát hiện một ký sinh trùng đang ký sinh trong mắt bệnh nhân.

Ngay sau khi phát hiện, ký sinh trùng đã được lấy ra an toàn trong điều kiện vô trùng. Mẫu vật hiện đang được phân tích tại phòng xét nghiệm ký sinh trùng học để định danh và phân tích thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, trung tâm khám chữa bệnh theo yêu cầu và quốc tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, ký sinh trùng có thể gây viêm nhiễm kéo dài, tổn thương giác mạc, suy giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Bác sĩ Huyền cũng chia sẻ: "Trường hợp này là một lời cảnh báo về việc ký sinh trùng không chỉ gây bệnh ở đường tiêu hóa như nhiều người vẫn nghĩ. Trên thực tế, chúng có thể xâm nhập vào các cơ quan quan trọng như mắt, não, phổi, gan, hoặc tim và gây ra những biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện sớm.

Đáng lo ngại hơn, ký sinh trùng có thể tồn tại âm thầm trong cơ thể nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không bộc lộ triệu chứng rõ rệt. 

Một số biểu hiện ban đầu như đau bụng kéo dài không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, dị ứng tái phát, nổi mẩn ngứa toàn thân, sụt cân nhanh hoặc các triệu chứng bất thường ở mắt như đỏ, ngứa, chảy nước mắt thường xuyên có thể dễ dàng bị bỏ qua".

Nguồn lây nhiễm ký sinh trùng thường bắt nguồn từ các thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu an toàn như ăn thịt tái, tiết canh, rau sống không rửa kỹ, uống nước lã hoặc không tẩy giun định kỳ.

Bên cạnh đó môi trường sống ô nhiễm và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng. 

Việc phát hiện ký sinh trùng trong mắt không chỉ là một ca bệnh hiếm gặp trong chuyên môn y học mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự chủ quan trong phòng ngừa ký sinh trùng.

"Mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng những hành động đơn giản nhưng hiệu quả, bắt đầu từ việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần, ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đồng thời duy trì nguồn nước sạch và môi trường sống lành mạnh.

Việc khám và xét nghiệm ký sinh trùng nên được thực hiện định kỳ, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng bất thường dù nhỏ nhất" - bác sĩ Huyền khuyến cáo.

Ký sinh trùng dài gần 10cm ‘trú ẩn’ trong mắt - Ảnh 3.Nhập viện nguy kịch vì loại ký sinh trùng ‘ngủ’ trong cơ thể suốt 20 năm

Nam thanh niên 37 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, suy gan, tan máu nặng nề, được bác sĩ chẩn đoán mắc sốt rét ác tính. Đáng nói, đây là bệnh mà anh từng mắc phải từ hơn 20 năm trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0