
Bà Trần Thị Chang (giữa, hàng trước) cùng nhiều kiều bào khác nhận bằng khen tuyên dương kiều bào tiêu biểu đóng góp xây dựng và phát triển TP.HCM trong 50 năm qua vào hôm 25-4 - Ảnh: NGỌC ĐỨC
Dù ở Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc hay bất kỳ đâu, các kiều bào vẫn luôn hướng về quê hương và xem việc góp phần dựng xây quê hương như nhiệm vụ thiêng liêng của bản thân.
Cống hiến
Ông Lương Xuân Hòa, chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan), chia sẻ rất vinh dự khi được về TP.HCM ngay dịp đất nước kỷ niệm 50 năm thống nhất. Trong lần trở về này, ông ấn tượng vì thấy TP.HCM sạch sẽ và đẹp không kém gì thì các tỉnh, thành phố lớn của Thái Lan.
Ông cho biết đặc biệt xúc động khi đi qua tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đối với ông, đây là nơi mà bất kỳ kiều bào Thái Lan hay trên thế giới nào khi đến TP.HCM cũng phải đến thăm một lần.
Tỉnh Udon Thani nơi ông Hòa sinh sống chính là nơi tập trung đông người gốc Việt nhất Thái Lan. Trong ký ức của ông, đây là nơi phong trào ủng hộ kháng chiến của cộng đồng người Việt từng một thời sôi nổi.
"Trước năm 1975, kiều bào Thái Lan thường tổ chức các đám cưới, đám hỏi giả để lấy tiền mừng gửi về Hà Nội ủng hộ kháng chiến. Sau khi thống kê, tổng số tiền ủng hộ khi ấy lên đến hơn 10 triệu USD. Khi đó tôi còn là thanh niên. Cuối tuần thường đi làm hàng để bán, lấy tiền nộp cho các bác để gửi về nước", ông Hòa nhớ lại hồi ức thời trước thống nhất.
Nhờ những nỗ lực của Hội người Việt tỉnh Udon Thani và cộng đồng người Việt ở Thái Lan, tháng 12-2023 phố Việt Nam đầu tiên trên thế giới đã được khánh thành tại đây.
Theo ông Hòa, sau hơn một năm thành lập, khu phố này ngày càng mở rộng. Tại đây đã có trụ sở Hội người Việt, trường học tiếng Việt, hàng quán bán đồ Việt... Khu phố cũng được một số doanh nghiệp trong nước hỗ trợ nhiều công trình như xây cổng, sơn sửa tường...
"Tôi rất vinh dự được vinh danh kiều bào có đóng góp tiêu biểu cho TP.HCM. Bản thân tôi sẽ cố gắng hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước Việt Nam. Hằng ngày tôi chỉ nghĩ mình làm tốt cho kiều bào cũng là góp phần cho Việt Nam rồi", ông Hòa khẳng định.

Ông Lương Xuân Hòa phát biểu tại chương trình họp mặt và vinh danh kiều bào tiêu biểu đóng góp xây dựng và phát triển TP.HCM trong 50 năm qua - Ảnh: NGỌC ĐỨC
Cảm xúc mãnh liệt dịp 30-4
Là người con xa xứ, bà Trần Thị Chang, chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, khẳng định luôn ấp ủ mong muốn được đóng góp công sức nhỏ bé xây dựng quê hương đất nước mình phát triển.
"Ngày thống nhất đất nước 30-4 luôn khơi gợi nhiều cảm xúc mãnh liệt đối với kiều bào nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Chúng tôi không bao giờ quên được sự hy sinh của cha anh cho ngày thống nhất hôm nay, trong đó có ba tôi.
Hôm nay tôi thấy tự hào khi thấy người dân nước mình ngày một sung túc, đất nước ngày càng phát triển và bước vào kỷ nguyên mới của hòa bình, tự chủ xây dựng đất nước giàu mạnh", bà Chang chia sẻ.
Với thâm niên công tác tại Viện Tim quốc gia Malaysia từ năm 1993, bà Chang đã là cầu nối chuyên ngành tim mạch giữa Malaysia và Việt Nam. Bà đã đưa nhiều đoàn giáo sư, bác sĩ về mổ từ thiện ở các bệnh viện từ Bắc vào Nam, kết nối đưa các bác sĩ Việt Nam sang Viện Tim quốc gia Malaysia để trao đổi kinh nghiệm và mang kiến thức mới về cho quê hương.
Ngoài ra, trong vai trò chủ tịch Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, bà Chang đã tham gia tổ chức nhiều sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng người Việt ở Malaysia, tổ chức quyên góp mỗi khi đất nước gặp thiên tai cũng như xúc tiến các đoàn nhà đầu tư Malaysia sang Việt Nam tìm hiểu, cũng như tìm đường đưa nông sản Việt sang Malaysia.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với bà trên hành trình này là một lần ở sân bay bà gặp hai bà cháu người gốc Việt. Người bà không biết nói tiếng Malaysia, trong khi đứa cháu nhỏ cũng không biết nói tiếng Việt. Người bà dành cho cháu ánh mắt vô cùng tình cảm, song lại không thể có tương tác gần gũi vì rào cản ngôn ngữ.
Điều này đã thôi thúc bà Chang thành lập trường dạy tiếng Việt ở Malaysia. Trường dạy tiếng Việt vẫn hoạt động đến ngày nay, với hai giáo viên có nền tảng sư phạm đứng lớp.
"Tôi mong muốn người Việt Nam dù ở đâu cũng đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau ở nước sở tại và cùng nhau hướng về quê hương đất nước", bà Chang nhấn mạnh.
Kỳ vọng lớn ở TP.HCM sau sáp nhập

Ông Trần Hải Linh nhận vinh danh tại chương trình - Ảnh: NGỌC ĐỨC
Ông Trần Hải Linh, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), cho biết việc được TP vinh danh là một niềm tự hào lớn. Trong nhiều năm qua, ông Linh và VKBIA đã tích cực đóng góp vào TP.HCM. VKBIA đã tham gia xúc tiến việc đưa nông sản từ Việt Nam sang Hàn Quốc và nhiều thị trường khác.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19, VKBIA là một trong ít hiệp hội người Việt ở nước ngoài ủng hộ sớm nhất cho quê hương.
Ông Linh nhấn mạnh việc sắp xếp lại đơn vị hành chính có thể mở ra dư địa quan trọng cho TP.HCM.
"Chúng ta được mở rộng không gian phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao. Khu công nghệ cao có thể không còn bị giới hạn vào một khu vực ở TP.HCM như trước đây mà còn có thể mở rộng thêm. Chúng tôi cũng có thể kết nối được không gian từ cảng biển, các khu du lịch, đô thị thông minh...", ông Linh chia sẻ.
BÌNH LUẬN HAY