16/05/2025 16:07 GMT+7

Khoán chi 20 tỉ đồng xây dựng bộ luật mới, đại biểu nói cao, bộ trưởng tư pháp nói gì?

Đại biểu cho rằng mức khoán chi 20 tỉ đồng cho tất cả công việc xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra, thông qua một bộ luật mới, bộ luật thay thế bộ luật hiện hành hơi cao.

Sáng 16-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Mức khoán chi 20 tỉ đồng, hơi cao?

khoán chi - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với nghị quyết, nhấn mạnh vai trò quan trọng của cán bộ tham mưu xây dựng chính sách pháp luật.

Ông đề nghị chính sách ưu đãi, bồi dưỡng thích đáng để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc, tránh lợi ích nhóm và đảm bảo tính đúng đắn của chính sách. Đây là điểm kích thích tinh thần trách nhiệm của cán bộ.

Ông Hòa bày tỏ sự quan tâm đến quy định khoán chi trong việc xây dựng pháp luật. Theo dự thảo, kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng pháp luật được thực hiện khoán chi theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động.

Việc khoán chi theo nhiệm vụ hoặc hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế thực hiện theo tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế quy định tại phụ lục II kèm theo nghị quyết.

Phụ lục này quy định danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành 11 nhóm, mức khoán từ 2,2 - 20 tỉ đồng. Xây dựng bộ luật mới/thay thế: 20 tỉ đồng; luật mới/thay thế: 18 tỉ đồng; bộ luật sửa đổi: 10 tỉ đồng; luật sửa đổi hạn chế quyền con người, công dân: 9 tỉ đồng.

Ông Hòa cho biết ông đồng tình với chính sách khoán chi, bởi thời gian qua Quốc hội đã tổ chức thực hiện và Chính phủ đã thực hiện việc khoán chi và không có vấn đề bất cập. Tuy nhiên ông Hòa đề nghị cân nhắc kỹ mức khoán.

"Hiện nay chúng ta xây dựng luật, pháp lệnh chỉ thực hiện (soạn thảo, xây dựng, thông qua - NV) một kỳ. Trước đây số tiền chi phải chia ra làm 2 - 3 kỳ, nhưng bây giờ chủ yếu làm một kỳ. Khoán chi 20 tỉ đồng cho xây dựng một bộ luật mới tôi nghĩ hơi cao", ông Hòa nói.

Mặt khác, theo ông Hòa, ngay cả mức khoán cho bộ luật hay luật sửa đổi, bổ sung cũng cần cân nhắc mức khoán theo số điều bổ sung, sửa đổi.

Theo đại biểu: "Có những bộ luật, luật sửa đổi, bổ sung nhiều điều. Nhưng cũng có bộ luật, luật chỉ sửa đổi 1 - 2 điều. Nếu vẫn hưởng mức khoán chi cứng 9 tỉ, 10 tỉ đồng thì phải thực sự cân nhắc. Không phải tôi tiếc tiền cho ngân sách nhà nước, mà làm sao chi cho đúng, cho trúng để tránh bị so bì".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Sẽ tiếp thu ý kiến, rà soát giảm mức khoán chi

khoán chi - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh - Ảnh: GIA HÂN

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và rà soát để giảm mức khoán chi này. "Rà soát phù hợp để tránh việc chi cao so với mặt bằng chung và các công việc khác của công tác nhà nước", ông Ninh nói.

Theo ông Ninh, việc chi trả thù lao xây dựng pháp luật theo công việc, hỗ trợ từng người. Đối tượng hưởng rộng khắp các công đoạn xây dựng chính sách và văn bản pháp luật.

Về bổ sung đối tượng hỗ trợ hằng tháng, ông Ninh cho hay đây là nội dung được quan tâm và có nhiều ý kiến nhất. Phụ lục và nghị quyết này đã nêu rõ các đối tượng.

Bảo đảm sự thống nhất rất cao giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng và thẩm tra, thẩm định. Không phải tất cả cán bộ, công chức ở trong các đơn vị thuộc phụ lục đều được hưởng chính sách.

Chỉ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản trong tranh chấp quốc tế ở các đơn vị đó mới được.

Mặt khác để tránh lợi ích nhóm và lái chính sách, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến này khi xây dựng nghị định.

Hội đồng quản lý quỹ hỗ trợ chính sách pháp luật sẽ có đại diện Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Việc công khai, minh bạch sẽ bảo đảm tránh trục lợi.

Kết luận Văn phòng Trung ương, theo ý kiến Bộ Chính trị, nhất trí thành lập quỹ để chủ động nghiên cứu chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Quỹ này nhằm nghiên cứu chính sách từ sớm, được thiết kế chặt chẽ trong nghị định để bảo đảm tổ chức thi hành hiệu quả. Chính sách là cơ sở quan trọng nâng cao chất lượng công tác pháp luật.

Khắc phục bất cập trong xây dựng luật đòi hỏi đội ngũ chất lượng cao

Nói về những vấn đề khác, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết Đảng và Nhà nước đã hoàn thiện thể chế pháp luật đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định 80 năm qua, đất nước ta độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, hòa bình, ổn định và phát triển nhờ Hiến pháp và việc thực thi pháp luật thành công.

Dù vậy công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc khắc phục đòi hỏi đội ngũ xây dựng pháp luật chất lượng cao, quy trình hiện đại, hiệu quả và điều kiện thuận lợi.

Đây là lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng quy định khá cụ thể về các mức hỗ trợ cho người làm công tác xây dựng pháp luật cũng như một số cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Khoán 20 tỉ xây dựng bộ luật mới, đại biểu nói cao, Bộ trưởng Tư Pháp nói gì? - Ảnh 3.Đề xuất người trực tiếp xây dựng pháp luật được hỗ trợ 100% lương hệ số hiện hưởng

Dự thảo quy định người trực tiếp, thường xuyên làm xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ 100% mức lương hệ số lương hiện hưởng hằng tháng (không gồm phụ cấp).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0