
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
"Không biết từ khi nào tôi thấy cô đơn trong chính nhà mình", chị N.T.M. (45 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.
Có gì cần nói cũng nhắn qua điện thoại
Nhìn từ bên ngoài, chị M. có gia đình hạnh phúc với chồng và hai người con trai. Sau khi kết hôn được một thời gian ngắn, chị M. mới thấu rõ chị và chồng chị thuộc về hai thế giới khác hẳn nhau. Chồng chị nhìn mọi việc theo góc độ thực dụng, còn chị M. lại luôn muốn cuộc sống lãng mạn và thi vị.
Khi yêu nhau còn có chút lãng mạn, chứ lúc về cùng nhà chồng chị như thành người khác. Có vài lần chị M. đề cập đến điều này, tuy nhiên chồng chị M. nói "lúc yêu em thích thế nên anh chiều, nhưng giờ cuộc sống có rất nhiều thứ phải lo, mối quan hệ giữa hai người đã trở nên thân thiết, cũng không cần làm như vậy nữa".
Anh ngày càng dành thời gian cho công việc, những bữa ăn cơm ở nhà dần vắng bóng. Khi nói chuyện với nhau anh chị đều luôn cảm thấy "khắc khẩu", đang từ một chuyện rất nhỏ nhưng sau cuộc trò chuyện có thể trở thành tranh cãi.
Để không khí gia đình thuận hòa, chị tự hạn chế nói chuyện với anh và có lẽ anh cũng thế. Dần dần những cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng ngày càng ít. Thậm chí khi có điều gì cần nói, anh và chị nhắn tin cho nhau, chứ cũng ít nói chuyện trực tiếp.
Sáng sớm anh ra khỏi nhà và đến tận khuya mới về. Những hôm về sớm, mỗi người cầm một chiếc điện thoại. Chị M. thấy vợ chồng chỉ còn là vỏ bọc hình thức, chứ từ lâu đã bị mất kết nối.
Khi mối quan hệ với chồng không được tốt, chị M. hướng nhiều hơn về hai cậu con trai. Chị M. khá chiều hai con. Ngày nhỏ, hai con chị vẫn nói chuyện với mẹ, nhưng khi lớn hơn các con thích xem điện thoại, chơi game, ngày càng ít nói chuyện với ba mẹ.
Lúc đầu chị M. khuyên con ít xem các thiết bị điện tử, nhưng tình hình không thay đổi. Sợ các con nghiện điện thoại, game, có lần chị ngắt Internet trong nhà.
Lần đó, hai con chị phản đối dữ dội. Các con cho rằng giờ là thời đại của mạng, thế hệ của các con sẽ gắn liền với máy vi tính và điện thoại nên việc học tập, giải trí trên mạng là rất bình thường.
Các con kết luận chị không hiểu các con, đi về nhà là vào ngay phòng riêng. Ngay cả đến bữa ăn, nhiều khi các con cũng viện cớ bận làm bài tập nên bảo chị ăn cơm trước.
Cô N.T.N., 55 tuổi, ngụ ở Q.Tân Bình, chia sẻ vợ chồng cô đang bị mất kết nối với cậu út. Ngày nhỏ, con trai út của cô học rất tốt. Vợ chồng cô cùng là giáo viên biết rõ sức học của con nên từng rất kỳ vọng. Trái với sự kỳ vọng này, cậu út dù thông minh nhưng ngày càng tỏ ra không thích học.
Dù vậy năm thi vào lớp 10 vẫn đỗ được vào trường THPT có tiếng và sau cũng trúng tuyển vào đại học. Tuy nhiên, sau một năm học đại học, con trai cô đã bỏ học vì bị thi lại nhiều quá. Cô N. động viên con tiếp tục học tại một trường dân lập.
Dù ở tuổi đi học, con trai cô lại thích đi làm hơn, nên bỏ học đi chạy xe công nghệ, rồi xin đi làm trong một quán bar. Vì làm việc khuya, con cô thường ngủ đến trưa, giờ ăn uống sinh hoạt đều khác cha mẹ.
Là một người mẹ, cô còn cố gắng kết nối với con chứ chồng cô cứ luôn nói: "Tại sao trong nhà này có một người không giống ai như thế!". Con trai đầu của cô học rất giỏi, cũng đã có gia đình riêng. Cô N. từng chia sẻ với cậu út là "con cứ như thế thì ba mẹ còn dám dạy ai nữa?".
Dù cô nói thế nào, con cô vẫn giữ quan điểm. Còn chồng cô thì không thể nói chuyện với cậu út vì chỉ cần nhìn con ông đã bị "tăng xông", đầu tóc thì nhuộm xanh đỏ, lối sống không giống ai, cách suy nghĩ không biết từ đâu ra, suốt ngày chat chít trên điện thoại.
Dành thời gian cho nhau và tôn trọng sự khác biệt
Chị N.B.H., 48 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức, cho rằng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng cách xa. Chị H. thừa nhận muốn hiểu được suy nghĩ của các con thời nay, các bậc cha mẹ cần phải nỗ lực và kiên nhẫn rất nhiều.
Con gái chị kể đa số các bạn trong lớp con chị có thói quen ngủ nướng. Do vậy việc bỏ qua bữa sáng và "bình minh" vào lúc 12h trưa trong những ngày nghỉ là việc rất phổ biến, bình thường.
Con chị còn có những quan điểm như sẽ không lập gia đình, không sinh con, con không muốn cuộc sống bị ràng buộc bởi cuộc sống vợ chồng, con cái.
Tuy thật sự sốc khi nghe con bày tỏ nhưng chị hiểu nếu phản đối và to tiếng với con, con sẽ không muốn nói suy nghĩ của con cho ba mẹ nghe nữa.
Hai vợ chồng chị cũng như nhiều gia đình ở thành thị rất khó chu toàn một bữa ăn gia đình có đông đủ thành viên. Tuy nhiên, nhà chị có một quy định là dù ăn cơm trước, nhưng người sau về thì vẫn phải xuống ngồi nói chuyện, hỏi han 5-10 phút để có sự kết nối.
Khi người cuối cùng về ăn cơm thì hai người ăn trước cùng xuống nhà để gia đình có thể trò chuyện, kết nối với nhau. Hôm nào thư thả hơn, hai vợ chồng chị sẽ cùng đi bộ, nói chuyện cùng nhau.
"Cuộc sống ngày nay ai cũng rất bận rộn. Người lớn bận rộn về công việc, trẻ em bận rộn về học hành. Nếu mỗi thành viên trong gia đình không ý thức được điều này, không dành thời gian sinh hoạt cùng nhau sẽ dễ bị mất kết nối", chị H. cho hay.
Hiểu được điều này, chị H. luôn cố gắng tạo ra những buổi sinh hoạt gia đình như cùng đi xem một bộ phim, cùng đi nhà sách với nhau, cùng đi ra ngoài ăn, cùng đi bộ, đọc sách. Dù con gái lớn và có nhiều suy nghĩ rất khác biệt, nhưng chị H. vẫn tôn trọng những suy nghĩ khác biệt của con, luôn lắng nghe con và luôn muốn kết nối yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
Các thành viên trong gia đình hiện nay thường hướng ra ngoài nhiều, sử dụng điện thoại nhiều nên dễ bị mất kết nối. Do vậy mỗi gia đình cần đề ra những quy ước như khi ngồi ăn cùng nhau thì không sử dụng điện thoại, mỗi ngày dành cho nhau một khoảng thời gian. Trong khoảng thời gian này có thể cùng nhau xem ti vi, đọc sách, xem phim, cùng bàn luận một việc gì đó để kết nối với nhau.
TS Ngô Xuân Điệp (khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM)
BÌNH LUẬN HAY