21/04/2025 09:05 GMT+7

Kênh Đông phủ xanh vùng đất thép

Kể về truyền thống cách mạng TP.HCM, không thể không nhắc đến Củ Chi đất thép thành đồng. Nơi chiến trường khốc liệt giờ đây đã trở thành vành đai xanh thành phố với những đồng lúa bạt ngàn trải dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

kênh đông - Ảnh 1.

Hệ thống dòng xanh kênh Đông nhìn từ trên cao - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nhưng để "cây lúa mọc trên đất thép" thật không đơn giản, đằng sau đó là công trình lịch sử mang ý chí kiên cường của người dân Củ Chi. 

Và cha anh mảnh đất này vẫn thường kể cho con cháu nghe về một đại công trường cuốc đất đào kênh, đưa nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng về trồng lương thực cứu đói một thời.

Kênh Đông - dòng kênh "cứu đói"

"Đánh trận xong thì mừng, mừng vì độc lập tự do, nhưng cái bụng đói lắm" là lời nhắc nhớ của nguyên Bí thư Huyện ủy Củ Chi Lê Hữu Đức về những ngày sau tháng 4-1975 khi xã hội hậu chiến lắm bộn bề.

TP.HCM thời điểm đó thiếu lương thực nghiêm trọng, bữa ăn nhiều người chỉ có vài củ mì, hạt bo bo độn cơm. Huyện Củ Chi khi đó có 17.000ha đất nông nghiệp nhưng ít trồng trọt được vì thiếu nước. 

Nông dân chờ chực nguồn nước từ "ông trời", mỗi năm làm chỉ một vụ mùa năng suất thấp, đời sống bấp bênh. "Năm nào mưa thuận gió hòa thì có chút đỉnh, còn không cấy lúa xong cho bò ăn, không gặt được. Trồng lúa nước nhưng không có nước, không đói sao được", ông Đức bồi hồi nhớ lại.

Đến khoảng năm 1979 - 1981, hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng tại Tây Ninh, thiết kế hai dòng chính là kênh chính Tây đưa nước về phía Tây Ninh, còn kênh chính Đông đưa nước về phía TP.HCM. Kênh Đông thành tia hy vọng cứu đói hàng ngàn người dân Củ Chi. 

Khi đó, lãnh đạo thành phố đã huy động toàn dân làm các kênh nhánh cấp 2, cấp 3, nội đồng để khi hồ Dầu Tiếng mở nước kênh chính thì có nước chảy thẳng vào ruộng. Và thế là một đại công trình thủ công đào đất làm kênh bắt đầu.

Ông Đức kể thời chiến đấu dân Củ Chi đào địa đạo thầm lặng bao nhiêu thì đến khi đào kênh Đông sôi nổi bấy nhiêu. Sở dĩ kênh Đông là công trình của lòng dân bởi khi đó toàn dân Củ Chi tình nguyện ra đồng đào đất làm kênh cùng các lực lượng huy động từ thành phố. Ai ai cũng đi đào kênh, người trong độ tuổi ra công trình, người già nấu cơm mang nước.

Ngày ấy, ông Đức trong Ban Thường vụ Huyện ủy Củ Chi, cũng là người trực tiếp đào đất làm kênh. Ông không khỏi xúc động nhớ về những tiếng hô hào cuốc đất làm kênh từ sáng sớm đến tận chiều tối. Bất kể trai gái, cán bộ, công chức, giáo viên, bác sĩ, ai cũng tham gia công trường đào đất làm kênh ít nhất 15 ngày.

"Làm gì có máy móc, chủ yếu làm tay chân. Người cuốc, người đội xề đất đi đổ. Chỗ nào đất cứng thì thanh niên xung phong đi đầu, chỗ đất mềm hơn thì phụ nữ. Củ Chi là đất phù sa cổ nên rất cứng nhưng ai cũng ra sức đào, mệt lắm mà vui lắm", ông Đức kể.

Công trình kênh Đông ảnh hưởng 700ha đất nông dân. Nhưng "có đất mà không có nước thì cũng không làm được", thấy tầm quan trọng của nước kênh Đông, người dân sẵn sàng hiến đất làm kênh. Thuận lợi là vậy nhưng cũng có không ít khó khăn, ông Đức kể lại khi làm các đoạn kênh nhánh có hộ dân bị mất trắng đất. 

Dưới sự vận động của chính quyền địa phương, bà con đã cùng nhau san sẻ một phần đất đai để ai cũng có đất làm ruộng khi nước về. Chính tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm sắt đá đó mà hơn 9 năm ròng rã đào cuốc, kênh Đông đã chính thức dẫn dòng nước tưới xanh ruộng đồng.

kênh đông - Ảnh 2.

Lễ khánh thành kênh chính Đông (Củ Chi) vào năm 1985 - Ảnh: tư liệu Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM

Sự sống bắt đầu

Năm 1993, nước hồ Dầu Tiếng xuôi kênh Đông chảy theo hệ thống dòng nhánh vào tận nội đồng tưới mát hơn 12.000ha đất Củ Chi, cuốn đi sự cằn cỗi, mang theo hy vọng thoát đói của người dân. Nước về, nông dân xen canh tăng vụ, đồng ruộng dần xanh rì. 

Từ việc chờ mưa, khi chủ động được nguồn nước, người dân làm 2-3 vụ/năm và xen canh hoa màu, nuôi trồng thủy sản. Sản lượng từ bấp bênh 1-2 tấn/vụ tăng lên 4-5 tấn/vụ, lương thực đủ đầy hơn, sự sống phát triển trên đất thép thành đồng.

Con kênh cứu đói ngày nào giờ đã xuôi dòng gần 40 năm, trở thành chỗ dựa cho hàng ngàn nông dân Củ Chi. Lão nông Nguyễn Văn Chinh (60 tuổi) đã nửa cuộc đời gắn với con kênh. 

Những ngày tháng 4, những nông dân như ông lại rục rịch vụ mùa mới. Khác với vất vả của cha ngày trước, ông Chinh làm ruộng thuận lợi hơn nhiều.

"Hồi trước cha tui chỉ chờ cơn mưa tháng 4-5 có nước mới chuẩn bị làm vụ mùa. Mà mưa cũng không đâu vào đâu, đất cứng làm lơ mơ là thúi móng tay. Giờ thì thuận lợi hơn nhiều", ông Chinh kể.

Gia đình ông Chinh chỉ có khoảng 10 cao đất trồng lúa (10.000m2) nhưng làm được 3-4 vụ/năm. Những năm gần đây, ông chuyển sang trồng xen canh bắp và bí đỏ, nuôi thêm 2-3 con trâu, không giàu nhưng đủ ăn đủ mặc.

Sứ mệnh mới của kênh Đông

TP.HCM những năm qua đã chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sang nông nghiệp chất lượng cao. Kênh Đông giờ đây lại mang sứ mệnh mới: không chỉ phục vụ nông nghiệp mà hướng tới đa mục tiêu, vừa nông nghiệp công nghệ cao vừa sản xuất công nghiệp và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Đam - giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM - cho biết những năm qua kênh Đông góp phần tích cực trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, nhờ đó diện mạo nông thôn Củ Chi được thay đổi, người dân ấm no hơn.

Thấy được tầm quan trọng nguồn nước kênh Đông, năm 2000 công ty đã tham mưu TP.HCM kiên cố hóa kênh mương nhằm sử dụng tối ưu nguồn nước. TP.HCM cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về kiên cố hệ thống kênh mương, từ kênh chính đến kênh nội đồng. 

Đến nay, kênh Đông đã được bê tông hóa với chiều rộng trên 6m, tổng chiều dài các kênh tưới hơn 500km, kênh tiêu 200km, cấp nước sạch cho Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi 5.000 - 10.000m3/ngày. Bên cạnh đó, thông qua nhà máy nước kênh Đông, người dân TP.HCM đã sử dụng nước sạch từ hồ Dầu Tiếng với công suất 240.000m3/ngày, tương đương 10% lượng nước sạch cung cấp hiện nay.

Kênh Đông giờ đây còn góp phần tạo cảnh quan môi trường. Những con đường giao thông dọc kênh đều đã được nâng cấp, bê tông hóa, có thêm rào chắn an toàn. 

Dòng nước xanh chạy dọc những cánh đồng lúa xanh. Kênh Đông mang trong mình câu chuyện lịch sử kiên cường của người dân Củ Chi - câu chuyện cây lúa mọc trên đất thép thành đồng và đời sống phát triển hôm nay...

kênh đông - Ảnh 3.

Kênh Đông đem lại sức sống và cảnh quan tươi đẹp cho đất thép thành đồng Củ Chi - Ảnh: THẢO LÊ

Kênh Đông với ông Nguyễn Văn Chinh không chỉ nguồn sống mà còn là những kỷ niệm. Ông nhớ như in ngày ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự cũng là ngày kênh Đông khánh thành. "Lúc đó vui lắm, đi về tới làng thấy cờ đỏ sao vàng ngập trời, người dân đứng hai bên bờ vỗ tay vui mừng đón nước về", ông Chinh kể mình bắt đầu làm nông nghiệp từ đó.

Theo ông Nguyễn Văn Đam, quy hoạch định hướng nước kênh Đông sẽ tăng khả năng cung cấp lên 1 triệu m3 nước/ngày - khoảng 20% nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM. Hiện nguồn nước từ sông Đồng Nai với sông Sài Gòn đang đối diện nguy cơ ô nhiễm và xâm nhập mặn, vai trò nguồn nước kênh Đông ngày càng quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước.

Thời gian qua, công ty cũng nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ trong vận hành kênh Đông như điện hóa các cống lớn, giải phóng sức lao động công nhân, đầu tư xây dựng hệ thống SCADA để theo dõi tình trạng nguồn nước tại hiện trường và xây dựng hệ thống tưới tự động tích hợp phần mềm điều hành tối ưu.

Kênh Đông phủ xanh vùng đất thép - Ảnh 4.TP.HCM làm cụm hồ trữ 300 héc ta tại Củ Chi và Bình Chánh, đảm bảo cấp nước cho dân

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV cho biết thông tin trên tại hội thảo 'Cung ứng nước sạch cho TP.HCM và các đô thị Việt Nam: Thách thức và giải pháp' tổ chức chiều 26-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0