26/07/2025 10:22 GMT+7

Intel đại cải tổ để tái sinh

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt và chuỗi sai lầm chiến lược kéo dài, Intel - tượng đài công nghệ Mỹ - đang bắt đầu cuộc đại cải tổ lịch sử dưới sự dẫn dắt của tân Giám đốc điều hành (CEO) Lip Bu Tan.

Intel - Ảnh 1.

CEO Lip Bu Tan phát biểu tại một hội nghị tại San Jose (California) vào ngày 29-4 - Ảnh: REUTERS

Cuộc đại cải tổ bắt đầu bằng đợt sa thải lớn nhất trong nhiều năm qua. Theo Hãng tin Reuters, ngày 24-7 Intel chính thức công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 15% lực lượng lao động toàn cầu (tương đương gần 24.000 nhân viên).

Thực hiện "đại phẫu"

Kế hoạch cắt giảm nhân sự trên được đánh giá là một trong những bước cải tổ quyết liệt nhất trong lịch sử của tập đoàn này, diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh liên tục sụt giảm và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong bản ghi nhớ gửi toàn thể nhân viên, CEO Lip Bu Tan nhấn mạnh cam kết thay đổi triệt để tư duy đầu tư của Intel: "Không còn những tấm séc trắng. Mỗi khoản đầu tư phải có lý do kinh tế rõ ràng. Chúng ta sẽ chỉ xây dựng những gì khách hàng cần, vào thời điểm họ cần, và giành lại niềm tin của họ bằng khả năng thực thi ổn định".

Mục tiêu của Intel là tiếp tục giảm số lượng nhân sự xuống còn 75.000 người vào cuối năm nay, tương đương giảm 22% so với cuối năm 2024, thông qua việc tự nguyện nghỉ việc và các hình thức khác.

Theo Giám đốc tài chính David Zinsner, đợt tái cấu trúc sâu rộng này chọn cách tiếp cận mang tính "đại phẫu", tập trung vào loại bỏ các tầng quản lý trung gian, nhằm tinh giản bộ máy và tăng tốc quá trình ra quyết định.

Song song với làn sóng cắt giảm nhân sự dưới sự dẫn dắt của CEO Lip Bu Tan, Intel đang triển khai hàng loạt biện pháp tái cơ cấu quy mô lớn. Cụ thể, công ty hủy bỏ các dự án mở rộng nhà máy tại Ba Lan và Đức, làm chậm tiến độ xây dựng nhà máy lớn tại Ohio (Mỹ).

Đồng thời, Intel tiến hành hợp nhất cơ sở đóng gói chip tại Costa Rica với các cơ sở hiện có ở Việt Nam và Malaysia, nhằm tối ưu chi phí và tăng tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ ở hạ tầng, kế hoạch cải tổ còn bao gồm việc đẩy nhanh lộ trình sản xuất quy trình chip 18A (chip 1,8 nanomet) dành riêng cho các sản phẩm nội bộ như Panther Lake. Trong khi đó, quy trình 14A (chip 1,4 nanomet) sẽ tiếp tục được phát triển nếu có đủ khách hàng bên ngoài - nếu không, Intel có thể rút khỏi mảng sản xuất chip theo hợp đồng này.

CEO Lip Bu Tan tuyên bố sẽ đích thân xem xét và phê duyệt từng thiết kế chip quan trọng, nhằm đảm bảo chiến lược công nghệ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Ông kỳ vọng những thay đổi toàn diện này sẽ thổi luồng sinh khí mới vào Intel, giúp công ty trở nên tinh gọn, kỷ luật và hiệu quả hơn, đủ sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp công nghệ đang thay đổi chóng mặt.

Con dao hai lưỡi

"Thật đáng lo ngại khi Intel cảm thấy cần phải thực hiện một cuộc tái cấu trúc quy mô lớn đến vậy, trong bối cảnh thị trường và cục diện cạnh tranh đang thay đổi mạnh mẽ như hiện nay", nhà sáng lập tập đoàn công nghệ NeXt Curve, ông Leonard Lee, bày tỏ quan điểm.

Trong bài viết đăng trên trang phân tích công nghệ Tech News World ngày 22-7, chuyên gia công nghệ thông tin Rob Enderle cho biết việc khởi xướng một đợt sa thải quy mô lớn trong giai đoạn tái cấu trúc thường được xem là biện pháp hiệu quả để cải tổ. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích trước mắt, động thái này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nội lực của doanh nghiệp - đặc biệt là một tập đoàn công nghệ đang nỗ lực phục hồi như Intel.

Trước đó, Intel đã trải qua vòng sa thải lớn với khoảng 15.000 nhân viên (vào tháng 8-2024). Việc liên tục cắt giảm nhân sự với quy mô lớn có nguy cơ làm xói mòn lòng trung thành của nhân viên, đồng thời gây khó khăn trong việc giữ chân những nhân tài chủ chốt, vốn là yếu tố sống còn trong một ngành đòi hỏi đổi mới liên tục như bán dẫn.

Các chuyên gia cũng cảnh báo về hiện tượng "Hội chứng mặc cảm người sống sót", khi những nhân viên còn lại sau các đợt sa thải liên tiếp thường rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, mất phương hướng và giảm gắn kết, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất làm việc và văn hóa doanh nghiệp.

Ngoài ra, một yếu tố khác có thể xoay chiều thành "lưỡi dao" là việc Intel chuyển hướng sang thuê ngoài mảng tiếp thị bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của Công ty cung cấp dịch vụ và tư vấn công nghệ Accenture.

Dù có thể giúp Intel giảm chi phí nguồn nhân lực và tận dụng công nghệ để tối ưu vận hành, việc giao phó hoạt động tiếp thị cho AI có thể khiến thương hiệu trở nên thiếu tính cá nhân hóa, mất kết nối với người dùng và mất đi sự khác biệt trong cạnh tranh.

Theo Hãng tin Reuters, bên cạnh các rủi ro nội tại, Intel đang phải gánh chịu chi phí để tái cấu trúc nguồn nhân lực lên đến 1,9 tỉ USD chỉ riêng trong quý 2 năm nay. Mặc dù chiến lược đã được công bố rõ ràng, chính nội bộ Intel cũng thừa nhận lộ trình vẫn đang trong quá trình thực hiện, dù mỗi quyết định đều tiêu tốn hàng tỉ USD và mất nhiều năm nghiên cứu.

Cuộc đua giành lại vị thế

CEO Lip Bu Tan thẳng thắn thừa nhận rằng Intel đã qua thời kỳ đỉnh cao và hiện không còn nằm trong nhóm 10 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của giới phân tích, sự tụt dốc này là hệ quả của nhiều năm trì trệ và sai lầm trong quản lý, khiến Intel đã đánh mất vị thế trong ngành công nghiệp chip AI - hiện do Nvidia thống trị.

Cùng lúc đó, các đối thủ lâu năm như AMD và TSMC đang liên tục chiếm lĩnh thị phần của Intel trong các mảng chip máy tính cá nhân, chip máy chủ và chip hợp đồng. Tuy nhiên, ông Lip Bu Tan đã đặt niềm tin vào triển vọng cải tổ và khẳng định: "Sẽ cần thời gian, nhưng chúng tôi nhìn thấy những cơ hội rõ ràng trước mắt để cải thiện vị thế cạnh tranh, cải thiện lợi nhuận và tạo ra giá trị cổ đông dài hạn".

Intel đại cải tổ để tái sinh - Ảnh 2.Đợt sa thải 'khủng', Intel tuyên bố tinh gọn 21.000 nhân viên

Chỉ chưa đầy một năm, Intel đã sa thải hàng chục ngàn nhân viên trong nỗ lực cạnh tranh gay gắt với các công ty đối thủ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0