
Nghệ sĩ Bình Tinh (vai Tây Thi) với màn múa chim công trong vở - Ảnh: LINH ĐOAN
Giang sơn mỹ nhân của cố nghệ sĩ Bạch Mai đã từng được Huỳnh Long đưa sang Pháp lưu diễn, nay đạo diễn Hữu Quốc dàn dựng phiên bản mới để phục vụ khán giả.
Huỳnh Long làm mới kịch bản xưa
Giang sơn mỹ nhân là kịch bản rất quen thuộc với khán giả cải lương tuồng cổ. Các nghệ sĩ cải lương nhiều thế hệ đã từng thể hiện các nhân vật trong vở diễn. Mà gần nhất là các nghệ sĩ Vũ Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long trong các nhân vật Ngô Phù Sai, Tây Thi và Phạm Lãi.
Vở là câu chuyện về mối hận lâu dài giữa Ngô quốc và Việt quốc.
Việt Vương Câu Tiễn bị thua trận Ngô quốc nên phải chịu nhục, chịu lưu đày. Khi trở về cố thổ, ông phục thù bằng mỹ nhân kế, đưa ngũ mỹ nhân sang Ngô quốc để tính kế với Ngô Phù Sai.
Trong đó nàng Tây Thi khiến Ngô Phù Sai say đắm, lập nàng làm quốc mẫu, xây Cô Tô đài và ban rất nhiều ưu đãi cho nàng.
Cảnh thể hiện tình yêu chớm nở của Phạm Lãi (Trọng Nhân) và Tây Thi (Phương Cẩm Ngọc thể hiện phần đầu) - Video: LINH ĐOAN
Từ thân phận gián điệp của Việt quốc, Tây Thi đã bị chinh phục bởi tình cảm chân thành của Phù Sai. Đó cũng là lúc nàng rơi vào tình huống khó xử giữa vận nước và tình riêng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà bầu Bình Tinh của Đoàn Huỳnh Long cho biết để đánh dấu cho lần tái ngộ khán giả sau một thời gian tạm ngưng diễn vì sửa rạp, Huỳnh Long đã quyết định đầu tư "khủng" cho Giang sơn mỹ nhân để làm người xem mãn nhãn.

Nghệ sĩ Bình Tình (vai Tây Thi phần sau) và Thái Vinh (vai Ngô Phù Sai)
Huỳnh Long ngày càng có thêm người mới đến tham gia nên Bình Tinh đã yêu cầu đạo diễn phải cố gắng viết đủ vai để các bạn có cơ hội diễn, có cơ hội rèn nghề.
Vì đề nghị này nên đạo diễn Hữu Quốc "méo mặt", từ 16 nhân vật trong kịch bản gốc anh phải viết thêm, phát triển thêm đến hơn 30 nhân vật. Ê kíp tham gia lên đến hơn 80 người với hơn 20 cảnh. Anh nói bữa nào tập tuồng xong cũng về nhà nằm… xả lai vì mệt, nhưng sau tất cả với Hữu Quốc vẫn là cảm giác thật vui, thật đã khi được làm nghề.

Nghệ sĩ Hữu Quốc (râu trắng, vai Ngũ Tử Tư) và Bảo Bảo (vai Bá Thái Tể)
Huỳnh Long "tự lực cánh sinh"
Trong các vở diễn trước đây, Đoàn Huỳnh Long thường có tăng cường các ngôi sao. Nhưng lần này, coi như Bình Tinh và Hữu Quốc thử sức khi lực lượng nòng cốt là các nghệ sĩ cơ hữu của Huỳnh Long.
"Tự lực cánh sinh" là cách các bạn không dựa vào ngôi sao mà nỗ lực bằng khả năng ca diễn để khẳng định vị trí, tên tuổi và chinh phục khán giả.
Giang sơn mỹ nhân thuần chất giải trí nên Hữu Quốc đã dày công dàn dựng những đại cảnh để người xem thỏa mãn phần nghe và nhìn.
Cần lãng mạn, anh có những cảnh "đốn tim" người xem khi thể hiện tình yêu thuở đầu của Phạm Lãi - Tây Thi, tình yêu vừa nảy nở của Tây Thi - Ngô Phù Sai, cảnh nàng Tây Thi múa chim công làm Phù Sai điên đảo…

Bảo Ngọc (vai Trịnh Đáng) ở cảnh bị dìm chết trong nước
Cần hành động, anh cũng dụng công để người xem… ngộp thở. Ở mỗi vở diễn, Hữu Quốc và Bình Tinh tâm niệm không chỉ cố gắng dựng hấp dẫn để cuốn hút khán giả mà coi như một "khóa học" để rèn nghề cho người trẻ của đoàn.
Trong Giang sơn mỹ nhân, có những cảnh được dựng để hai diễn viên trẻ Trọng Nhân và Bảo Ngọc là hai bạn ngày càng tiến bộ về ca diễn học hỏi và phát huy thêm khả năng của mình.

Từ trái qua: Trọng Nhân (vai Phạm Lãi), Hoàng Quốc Thanh (vai Việt Vương Câu Tiễn) và Quỳnh Hương (vai hoàng hậu)
Trọng Nhân (vai Phạm Lãi) được khai thác nhiều ở những cảnh múa kiếm, đánh võ. Bảo Ngọc gai góc với nhân vật Trịnh Đáng và ấn tượng nhất ở cảnh cô bị dìm xuống nước. Hữu Quốc đã dựng cho cô diễn trên dàn tre cao rất tốn sức và đòi hỏi phải diễn tập trung.
Giang sơn mỹ nhân sẽ còn diễn thêm tối 18-5, trước ngày diễn, vé cho hai đêm 17 và 18-5 đã hết sạch.
BÌNH LUẬN HAY