
Nghệ sĩ Hồng Ánh hòa vào dòng người xuống đường đón chào đại lễ 30-4-2025
Không chỉ có Hồng Ánh, một vài nghệ sĩ cũng có những cảm xúc, trải lòng khó quên về câu chuyện của 50 năm trước.
Hồng Ánh thấy mình may mắn vì được sống trong hòa bình
Hồng Ánh cho biết ngay ngày 30-4-2025, chị được chồng cho xem lại nhật ký của mẹ chồng. Trong đó có một trang nhật ký viết đúng ngay ngày 30-4-1975 khiến chị rất xúc động.
Mẹ chồng Hồng Ánh là người miền Bắc. Trong trang nhật ký của ngày đặc biệt bà đã thể hiện sự vỡ òa khi hay tin miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.
Bà viết như reo lên: "Chiến thắng rồi. Từ nay con em ta vĩnh viễn thoát khỏi cuộc đời của người lính đánh trận, thoát khỏi những ngày gian khổ, lửa đạn ở chiến trường… Không khí thủ đô chưa bao giờ náo nức như hôm nay".
Hồng Ánh ngậm ngùi vì mẹ chồng đã mất cách đây 3 năm do bạo bệnh, chị nghĩ nếu bà còn sống thì hôm nay ắt hẳn sẽ rất vui khi đọc lại những ghi chép của mình năm nào.
Sau đó, Hồng Ánh nhắn tin về cho mẹ ruột ở miền Tây. Gia đình chị cũng đang xem trực tiếp truyền hình chương trình đại lễ 30-4. Ký ức cũ sống lại, mẹ Hồng Ánh kể đúng 50 năm trước bà cũng đang hành quân về Sài Gòn.
Em trai bà tiến vào từ ngã tư Bảy Hiền, còn bà và chồng đi đường Củ Chi, đến kho đạn Gò Vấp vào ngày 29-4-1975. Trên đường tiến về Sài Gòn, đồng đội của bà không ít người đã hy sinh…
Trong niềm xúc động, bà nói với con gái Hồng Ánh: "Còn sống được đến hôm nay là may lắm rồi con ơi!". Lời mẹ nói khiến tim Hồng Ánh thắt lại, chị bày tỏ thấy mình may mắn vô cùng vì được lớn lên khi đất nước không còn bom đạn.
"Hai người mẹ, một miền Bắc, một miền Nam, nhưng chung một khát vọng hòa bình" - Hồng Ánh viết. Và đó cũng là khát vọng của bao người.

Thành phố 50 năm hòa bình cũng là thời gian nghệ sĩ Việt Anh thấy mình trưởng thành qua từng vai diễn. Sáng 30-4-2025, nghệ sĩ Việt Anh đăng ảnh một vai diễn xưa của ông để đánh dấu thời khắc đặc biệt này.
Hoàng Song Việt hiểu thời cuộc hơn khi chuyển thể tác phẩm về ông Sáu Dân
Cũng ngay trong ngày 30-4, soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ lúc đó ông 15 tuổi nhưng cũng không rành thời cuộc lắm.
Ông nhớ ngay ngày 30-4-1975 ba ông xách xe đạp chạy vòng vòng cả ngày trời để đi kiếm con bị thất lạc. Rồi những thanh niên trong xóm tham gia các đoàn hội, tập bài ca cách mạng, xem những bộ phim như Chung một dòng sông, Sao tháng 8, Nổi gió, Chị Tư Hậu…

Nghệ sĩ Bình Tinh đăng ảnh cô cùng con gái mặc áo đỏ sao vàng và viết "Chào mừng ngày đặc biệt".
Ông nhớ hồi đó cứ đi học về là quăng cặp ra phường tham gia văn nghệ, tham gia các hoạt động xã hội trong những ngày đầu xây dựng thành phố rất vui.
Vì vậy, khi được giao chuyển thể cải lương kịch bản Thành phố buổi bình minh nói về ông Sáu Dân (ông Võ Văn Kiệt), Hoàng Song Việt như sống lại ký ức cũ, hiểu sâu thêm về ý nghĩa thời cuộc mà thuở còn trẻ ông chưa hiểu hết.
Nghệ sĩ Hồng Vân dịp này cũng khoe hình ông ngoại, ông chú và cậu em họ trong trang phục bộ đội Cụ Hồ.
Chị vui vẻ nói có dịp đưa mẹ về Thái Nguyên thăm quê mới phát hiện nhiều "nam thần" nhà ngoại trong trang phục người lính.
Nghệ sĩ Việt Anh thì đăng các vai diễn qua từng dấu mốc và viết giản dị: "50 năm, một hành trình trưởng thành!".
Nhiều nghệ sĩ cũng chọn ngày 30-4 để đăng hình ảnh mặc áo đỏ, sao vàng thể hiện niềm tự hào là người dân Việt Nam, được sống trong hòa bình, an vui.
BÌNH LUẬN HAY