Hơn 45 triệu người Việt có nguy cơ mắc bệnh vì khói thuốc lá

Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Hơn 45 triệu người Việt có nguy cơ mắc bệnh vì khói thuốc lá - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Hải chia sẻ tại chương trình về tác động thuế thuốc lá đến tiêu dùng - Ảnh: D.LIỄU

Đây là chia sẻ của bà Phan Thị Hải, phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, tại chương trình tập huấn Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 23-4 tại Hà Nội.

Hơn 100 tỉ đồng chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến thuốc lá

Bà Hải cho hay sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2021), sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong và tổng cộng 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

"Sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm", bà Hải nhấn mạnh.

Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

"Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng).

Đến nay, trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 - 8.000 đồng/bao 20 điếu. 

Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên", bà Hải nhấn mạnh.

TS Nguyễn Ngọc Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển, cũng cho hay theo số liệu thống kê từ năm 2008 đến năm 2023, sau các lần tăng thuế thuốc lá, việc sản xuất, xuất khẩu vẫn tăng và số liệu người tiêu dùng vẫn không giảm. 

Nếu năm 1994, người tiêu dùng phải bỏ ra 31% thu nhập (năm) mới mua được 100 bao thuốc lá thì năm 2017 người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 5,2% thu nhập (năm) là đã có thể mua được 100 bao thuốc lá.

Tăng thuế như thế nào mới hiệu quả?

Về việc chi phí dành cho thuốc lá, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cho hay một số nghiên cứu cho thấy tiêu dùng thuốc lá đang lấn át chi tiêu cho giáo dục, nhất là ở các hộ nghèo. Điều này cũng dẫn đến chi tiêu thuốc lá tiêu tốn ngân sách hộ gia đình…

Việc tăng thuế không chỉ có thể làm giảm tỉ lệ người sử dụng mà còn giảm thời gian lao động bị mất đi do ốm đau, bệnh tật; giảm chi phí y tế, môi trường… Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nên được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

"Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững.

Nên tăng thuế từ mức 5.000 đồng/bao từ năm 2026 (thuế tuyệt đối) và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030", ông Sơn đề xuất.

Theo bà Hải, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn.

Đồng thời tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá.

"Về mức thuế, chúng ta cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỉ lệ hiện tại", bà Hải nói.

Hơn 45 triệu người Việt có nguy cơ mắc bệnh vì khói thuốc lá - Ảnh 3.Tăng thuế thuốc lá có làm giảm việc làm của người lao động?

Các chuyên gia đưa ra vấn đề tăng thuế thuốc lá có phải là nguyên nhân giảm việc làm của người lao động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0