
Bác sĩ Phan Tấn Thuận, trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: T. PHAN
Ngày 20-5, tại tọa đàm "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua thử nghiệm lâm sàng do Pharma Group phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tổ chức, bác sĩ Phan Tấn Thuận, trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết nhờ các nghiên cứu tại bệnh viện mà hàng trăm bệnh nhân ung thư được điều trị thuốc miễn phí.
Hiện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đang triển khai 36-37 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Các nghiên cứu này ở giai đoạn 3, nên hàng trăm bệnh nhân đã được điều trị bằng những loại thuốc thế hệ mới miễn phí.
Những loại thuốc này chưa có mặt tại Việt Nam và có giá rất cao, có loại lên đến 300 triệu đồng mỗi chu kỳ điều trị (3 - 4 tuần).
Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam được các chuyên gia tham dự tọa đàm nhận định có tiềm năng lớn để phát triển nghiên cứu lâm sàng. Cơ cấu dân số đa dạng ở Việt Nam rất phù hợp để nghiên cứu các bệnh lý phức tạp như ung thư, rối loạn tim mạch, bệnh truyền nhiễm và tình trạng bệnh chuyển hóa.
Bên cạnh cơ hội, cũng còn nhiều khó khăn như quy trình phê duyệt kéo dài, gồm nhiều bước, có thể mất đến 6-12 tháng, hạ tầng nghiên cứu còn hạn chế, chỉ 40 cơ sở trên toàn quốc được chứng nhận GCP (Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng), thiếu nhân lực có chuyên môn; thiếu cơ chế tài chính có cấu trúc và chưa có chính sách khuyến khích hiệu quả để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Giáo sư Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể nâng cao đáng kể năng lực thử nghiệm lâm sàng của mình bằng cách áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất, như đã được chứng minh qua các ví dụ điển hình từ Đài Loan, Brazil, Ba Lan, Malaysia....
Thông qua việc đơn giản hóa các quy trình quản lý, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tiên tiến và thúc đẩy các quan hệ đối tác năng động giữa khu vực công và tư nhân, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về hiệu quả thử nghiệm và độ tin cậy của dữ liệu.
Sự điều chỉnh chiến lược này không chỉ thúc đẩy đổi mới trong nghiên cứu điều trị, mà còn định vị Việt Nam trở thành trung tâm khu vực cho các phương pháp điều trị tiên tiến cứu sống con người".
Phân tích toàn diện về hiện trạng nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam
Tại tọa đàm này, ấn phẩm "Lộ trình tương lai của thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam" được ra mắt.
Ấn phẩm này mang đến phân tích toàn diện về hiện trạng nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam, đưa ra các chiến lược khả thi nhằm đưa Việt Nam trở thành một trong ba điểm đến hàng đầu về thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu và phát triển tại ASEAN vào năm 2030, thông qua xác định các cơ hội, rào cản và hành động cần thiết để khai mở tiềm năng nghiên cứu lâm sàng, nhằm tạo ra tác động về kinh tế và sức khỏe.
BÌNH LUẬN HAY