
Giáo hoàng Francis dự một sự kiện tại Vatican vào năm 2022 - Ảnh: AFP
Trong tuyên bố qua video ngày 21-4, Tòa thánh Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi.
"7h35 sáng nay (21-4), Giám mục thành Rome, Francis, đã trở về với Cha", Hồng y Kevin Farrell cho biết trong một tuyên bố.
"Anh chị em thân mến, với nỗi buồn sâu sắc, tôi xin thông báo về sự ra đi của Đức Thánh Cha Francis", Hồng y Kevin Farrell phát biểu mở đầu video thông báo, đồng thời tri ân Giáo hoàng vì đã dành cả cuộc đời để hiến dâng cho việc phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội của Ngài.
“Với lòng biết ơn sâu sắc trước tấm gương của Ngài như một môn đệ chân chính của Chúa Jesus, chúng tôi phó thác linh hồn Giáo hoàng Francis cho tình yêu thương vô biên và đầy lòng nhân từ của Thiên Chúa Ba Ngôi”, Hồng y Kevin Farrell nói thêm.
Giáo hoàng Francis qua đời chỉ một ngày sau khi bất ngờ xuất hiện tại ban công chính của Thánh đường Thánh Peter (Vatican) để ban phước lành cho những giáo dân dự thánh lễ Phục sinh.
Do vẫn đang trong quá trình hồi phục sau khi mắc bệnh viêm phổi kép, Giáo hoàng không chủ trì thánh lễ Phục sinh, mà chỉ xuất hiện ít phút để làm ban phép lành Urbi et Orbi (Gửi thành Rome và toàn thế giới) và truyền thông điệp.
Thông điệp năm nay, do một cộng sự của Giáo hoàng đọc do sức khỏe ông vẫn còn yếu, kêu gọi kết thúc xung đột và hướng đến hòa bình, đặc biệt hướng đến tình hình tại Dải Gaza.
"Tình yêu chiến thắng hận thù, ánh sáng thắng bóng tối và sự thật thắng dối trá. Sự tha thứ chiến thắng lòng hận thù. Cái ác chưa biến mất khỏi lịch sử. Nó sẽ còn tồn tại cho đến tận cùng thời gian, nhưng nó không còn chiếm thế thượng phong. Nó không còn quyền lực đối với những ai đón nhận ân sủng của ngày hôm nay", Giáo hoàng Francis kêu gọi.

Giáo hoàng Francis bất ngờ xuất hiện và chào đón các hồng y trong Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại quảng trường Thánh Peter ở Vatican ngày 13-4-2025 - Ảnh: REUTERS
Trước đó, Tòa thánh Vatican cũng cho biết Phó tổng thống Mỹ JD Vance đã đến thăm và gặp riêng Giáo hoàng tại tư dinh của ông vào ngày 20-4. Đây cũng là lãnh đạo cấp cao cuối cùng gặp gỡ Giáo hoàng Francis trước khi ông qua đời một ngày sau đó.
Cuộc gặp được mô tả kéo dài "chỉ vài phút", chủ yếu để trao gửi những lời chúc nhân dịp lễ Phục sinh.
Ông Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng ngày 13-3-2013. Ông gây ấn tượng với sự quan tâm đặc biệt dành cho người nghèo - vốn là những tầng lớp bị xem là yếu thế trong xã hội.
Sức khỏe Giáo hoàng Francis suy giảm liên tục từ khi phải nhập viện ở Rome (Ý) hôm 14-2. Người đứng đầu Giáo hội Công giáo bị khó thở trong nhiều ngày và được chẩn đoán viêm phổi kép.
Đội ngũ y tế điều trị cho biết do tuổi cao và từng phẫu thuật cắt bỏ một phần một lá phổi khi còn trẻ, nên Giáo hoàng Francis được xem là "bệnh nhân rất mong manh".
Tòa thánh đã nhiều lần phải thông báo ông trong tình trạng "nguy kịch".
Tuy nhiên Giáo hoàng đã vượt qua và xuất viện hồi cuối tháng 3. Trong khi các bác sĩ yêu cầu ông hạn chế làm việc và tham gia các sự kiện đông người trong vài tuần tới để phục hồi sức khỏe.

Giáo hoàng Francis thả chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình vào tháng 5-2013 - Ảnh: VATICAN NEWS

Giáo hoàng Francis xuất hiện trước công chúng ngày 23-3 - Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis ban phước lành cho một tín hữu trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần tại Đại sảnh Paul VI ở Vatican ngày 9-8-2023 - Ảnh: REUTERS

Giáo hoàng Francis ngồi giữa các nữ tu trong ngày diễn ra buổi tiếp kiến chung hằng tuần tại Đại sảnh Paul VI ở Vatican ngày 5-2-2025 - Ảnh: REUTERS

Giáo hoàng Francis tại Vatican vào ngày 14-2-2025 - Ảnh: REUTERS

Giáo hoàng Francis gặp Phó tổng thống Mỹ JD Vance tại Vatican ngày 20-4-2025 - Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis ban phước lành Urbi et Orbi từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter trong lễ Phục sinh ngày 20-4-2025, lần cuối cùng Giáo hoàng xuất hiện trước công chúng trước khi qua đời - Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào giáo dân từ xe hộ tống sau Thánh lễ Phục sinh tại quảng trường Thánh Peter ngày 20-4 - Ảnh: AFP
Giáo hoàng Francis trong vòng tay của người dân lần cuối - Nguồn video: AFP
Theo Hãng tin Reuters, Giáo hoàng Francis kế nhiệm một Giáo hội đang bị công kích vì các bê bối lạm dụng tình dục trẻ em và chia rẽ sâu sắc bởi những cuộc đấu đá nội bộ trong bộ máy hành chính của Vatican. Do đó ông lên nắm quyền với một sứ mệnh rõ ràng là khôi phục trật tự.
Tuy nhiên sau đó, ông vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt từ các nhóm bảo thủ, những người cáo buộc ông phá bỏ những truyền thống thiêng liêng. Đồng thời Giáo hoàng Francis cũng làm nhiều người cấp tiến thất vọng, vì cho rằng ông chưa làm đủ để cải tổ một Giáo hội đã tồn tại 2.000 năm.
Bất chấp những tranh cãi, Giáo hoàng Francis đã trở thành một nhân vật có sức ảnh hưởng rộng lớn trên toàn cầu, thu hút những đám đông khổng lồ trong các chuyến công du quốc tế nhờ các nỗ lực không mệt mỏi trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và hòa bình và luôn đứng về phía những người yếu thế trong xã hội.
BÌNH LUẬN HAY