20/04/2025 08:10 GMT+7

Giảm mức đóng đoàn phí công đoàn là phù hợp

Tinh gọn bộ máy công đoàn thì tổ chức giảm, chi phí hành chính giảm nên cần đi đôi với giảm mức đóng góp công đoàn phí tương ứng của công đoàn viên.

 công đoàn  - Ảnh 1.

Nhiều người lao động ủng hộ với việc sẽ giảm mức đóng đoàn phí công đoàn - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, ngoài việc thông qua đề án sáp nhập tỉnh, kết thúc cấp huyện, sáp nhập xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Trung ương Đảng cũng thống nhất chủ trương giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn. Cùng với đó Trung ương thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội), bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm mức đóng góp công đoàn phí. Bởi theo ông Lợi, hiện nay đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy công đoàn.

"Khi tinh gọn bộ máy công đoàn thì tổ chức giảm, chi phí hành chính giảm nên cần đi đôi với giảm mức đóng góp công đoàn phí tương ứng của công đoàn viên. Hiện tại, theo báo cáo, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy vẫn còn nhiều, vì vậy không nên đè gánh nặng thu phí lên người lao động mà cần có giải pháp hỗ trợ, giảm các loại đóng phí để họ phát triển, lao động, sản xuất, nhất là trong điều kiện còn nhiều khó khăn", ông Lợi nêu.

Theo quy định hiện hành của điều lệ công đoàn, đoàn viên công đoàn đang đóng đoàn phí theo mức 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (áp dụng cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước) hoặc 1% tiền lương thực lĩnh (đối với đoàn viên tại doanh nghiệp nhà nước), với mức đóng tối đa hằng tháng không quá 10% mức lương cơ sở.

Anh Lê Trung Hiếu (thành viên BCH công đoàn một công ty may) bày tỏ ủng hộ với việc sẽ giảm mức đóng công đoàn phí. Anh nói hiện nay mỗi đoàn viên công đoàn ở công ty, tùy theo mức lương mà phải đóng vài chục ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên việc thu cũng không hề dễ dàng và nhiều ý kiến người lao động cũng thắc mắc, thậm chí nêu ý kiến không đóng. Do đó việc thu nhiều khi không đảm bảo yêu cầu hoạt động.

Anh nói hiện nay theo quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do đó khi doanh nghiệp đã phải đóng thì nên xem xét giảm mức đóng có thể 50% theo mức hiện hành cho người lao động.

Hết năm 2023, dư hơn 43.000 tỉ đồng kinh phí công đoàn

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ VN, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy đến ngày 31-12-2023 khoảng 43.211 tỉ đồng (tính theo niên độ tài chính). Trong đó số dư tài chính công đoàn tích lũy của công đoàn cơ sở là 12.373 tỉ đồng, chiếm 28,6% tổng số dư tài chính công đoàn tích lũy của hệ thống công đoàn.

Số dư tài chính công đoàn tích lũy của ba cấp còn lại là 30.837 tỉ đồng (chiếm 71,4%). Trong đó, số dư tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 8.693 tỉ đồng, dư tại LĐLĐ các tỉnh thành và tương đương là 15.355 tỉ đồng, dư tại Tổng LĐLĐ VN là 6.789 tỉ đồng.

Giảm mức đóng đoàn phí công đoàn là phù hợp - Ảnh 2.Quốc hội chốt duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%

Luật Công đoàn mới quy định duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% và sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0