
Nhiều nhà đầu tư "cầm tiền" đang trông chờ các nhịp điều chỉnh kỹ thuật để giải ngân mới - Ảnh minh họa
VN-Index vừa khép lại tuần giao dịch với biên độ lớn cùng mức tăng gần 40 điểm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), MSN (Masan), TCB (Techcombank), VPB (VPBank)… liên tục thay nhau tăng điểm.
Tăng "nóng" ở một số nhóm cổ phiếu
Khi chỉ số cận kề đỉnh lịch sử, phòng phân tích Chứng khoán VPBank cho biết mức độ FOMO (sợ bị bỏ lỡ) thể hiện rõ hơn. Theo đó trong phiên ngày 18-7, giá trị giao dịch chạm mức cao nhất kể từ phiên 11-4-2025.
Đồng thời bỏ qua hàng loạt lực cản như các chỉ báo kỹ thuật tăng nóng, phiên đáo hạn phái sinh và ngay cả khi khối ngoại bán ròng, nhà đầu tư vẫn tiếp tục đẩy tiền vào thị trường, tạo động lực chính giúp VN-Index chạm gần mốc 1.500 điểm.
"Đối với vị thế mua mới, mở ở các nhịp kiểm tra lại vùng hỗ trợ, khi đó xác nhận lực cầu quay trở lại thì mới nên giải ngân", chuyên gia VPBank khuyến nghị.
Nói thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Văn Huy - phó chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc khối nghiên cứu đầu tư Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT - cho biết thị trường đang phân hóa rõ rệt.
"Mức tăng mạnh thời gian qua chủ yếu đến từ các cổ phiếu liên quan Vingroup và một số doanh nghiệp tư nhân có động lực tăng trưởng rõ. Một số nhóm cổ phiếu khác vẫn chưa tăng nhiều", ông Huy nói.
Theo ông Huy, có những cổ phiếu đã "đắt" hơn về mặt định giá, nhưng cũng có cổ phiếu vẫn rẻ. Đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, cơ hội vẫn còn ở những mã có định giá hấp dẫn, tuy nhiên việc "sàng lọc" đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.
"Không phải cứ rẻ là có thể mua được nếu doanh nghiệp không có yếu tố cơ bản, tiềm năng", ông Huy lưu ý, tránh "sa bẫy" FOMO.
Phân tích cụ thể hơn, ông Huy chỉ ra các nhóm ngành cổ phiếu tăng mạnh vừa qua gồm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn có xu hướng đi lên, đan xen các nhịp điều chỉnh kỹ thuật.
Về xu hướng dòng tiền, ông Huy cho rằng yếu tố "đầu cơ" khá lớn, gắn với câu chuyện Việt Nam được nâng hạng thị trường (dự kiến tháng 9) và các câu chuyện riêng của từng nhóm doanh nghiệp.
"Khi tiền được bơm ra nền kinh tế kèm theo lạm phát, nhà đầu tư buộc phải tìm kênh đầu tư thay thế. Khi tiền nhiều thì giá tài sản lên. Dòng tiền rẻ, dồi dào đang hỗ trợ thị trường chứng khoán rất lớn", ông Huy nói.
VN-Index có thể đạt 1.700 điểm?
Bà Nguyễn Thị Phương Lam - giám đốc khối phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) - cùng nhận định thanh khoản dồi dào đang ủng hộ quá trình tái định giá.
Khối phân tích VDSC dự báo VN-Index có thể hướng đến vùng 1.513 - 1.756 điểm trong 6 đến 8 tháng tới, tương đương mức tăng 6 - 23% so với đóng cửa ngày 9-7-2025.
Bà Lam cho rằng tác động trực tiếp từ thuế quan lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ không quá lớn. Tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) của VN-Index năm 2025 dự kiến đạt 114 - 120 đồng, tăng 15 - 22% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, chuyên gia VDSC cũng điều chỉnh vùng P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận) mục tiêu cho VN-Index trong 6–8 tháng tới lên mức 13,3x–14,7x (so với 13,5x–14,5x trước đó), nhằm phản ánh các yếu tố hỗ trợ tích cực như chính sách tài khóa - tiền tệ nới lỏng giúp duy trì lãi suất thấp và kỳ vọng nâng hạng thị trường vào tháng 9 tới.
Đánh giá kỳ tháng 3-2025 của FTSE Russell cho thấy khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi là rất gần. FTSE nhấn mạnh yêu cầu cải thiện cơ chế giao dịch và mở tài khoản minh bạch, thuận tiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu này, Việt Nam đã ban hành thêm các thông tư như 18, 03 (sau Thông tư 68-2024) và chính thức vận hành KRX từ tháng 5-2025.
Bà Lam cho biết khi nâng hạng thành hiện thực, thị trường Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ tham chiếu toàn cầu quy mô 1 tỉ USD, góp phần cải thiện thanh khoản và định giá.
Tuy nhiên VDSC lưu ý nhà đầu tư cần theo dõi các rủi ro như biến động địa chính trị, áp lực tỉ giá nếu Fed trì hoãn hạ lãi suất, và sự bất định trong chính sách của chính quyền Trump.
"Song các rủi ro này phần lớn chỉ mang tính nguy cơ và có thể tác động tâm lý thị trường trong thời gian ngắn, khó ảnh hưởng đến nền tảng cơ bản của doanh nghiệp nếu không mang tính cấu trúc", bà Lam nhận định.
Ngoài ra theo bà Lam, dù thuế quan của Việt Nam hiện khá thuận lợi so với nhiều quốc gia, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro khi Mỹ chưa có quyết định chính thức cho một số ngành và khả năng diễn giải bất lợi khái niệm "transshipment" (trung chuyển) có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất - xuất khẩu dài hạn.
BÌNH LUẬN HAY