
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (phường Xuân Hòa, TP.HCM) - Ảnh: THANH HIỆP
Đáng chú ý, dự thảo này đã quy định cụ thể về chính sách tiền lương với nhà giáo, các loại phụ cấp bao gồm cả phần phụ cấp thâm niên và tăng phụ cấp ưu đãi nghề với nhà giáo. Đây được kỳ vọng là chính sách đột phá về tiền lương cho giáo viên, trong bối cảnh nhiều người than "lương giáo viên không đủ sống".
Nhiều chính sách mới
Theo chuyên gia và "người trong cuộc", dự thảo đang được xây dựng đã có nhiều điểm mới liên quan chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo. Trong đó, dự thảo nêu rõ nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nào được xếp lương và hưởng hệ số lương đặc thù áp dụng đối với chức danh đó.
Việc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ sở giáo dục.
Đối với việc chuyển xếp lương, nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, việc chuyển xếp lương đối với nhà giáo thực hiện theo quy định hiện hành về chuyển xếp lương đối với viên chức... Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định nhà giáo sẽ được hưởng hệ số lương đặc thù theo từng ngạch viên chức.
Về các loại phụ cấp khác đối với nhà giáo, dự thảo nghị định quy định có các chế độ phụ cấp gồm thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, khu vực, lưu động, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, độc hại, nguy hiểm thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo quy định của Chính phủ cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Đáng chú ý, về mức phụ cấp ưu đãi nghề dành cho nhà giáo trong dự thảo nghị định với một số nhóm giáo viên đã tăng hơn so với hiện hành. Việc này theo đánh giá sẽ giúp cải thiện thu nhập và ghi nhận sự đóng góp nghề nghiệp, đặc biệt với giáo viên mầm non.
Cụ thể, với giáo viên mầm non mức phụ cấp ưu đãi nghề hiện hành là 35%, trong khi dự thảo đề xuất tăng lên 45%. Mức phụ cấp 80% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, theo dự thảo, nhà giáo được hưởng tối đa hai phụ cấp trách nhiệm khi kiêm nhiệm. Đồng thời dự kiến phụ cấp chức vụ chỉ còn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường.
Còn theo quy định hiện hành, mức phụ cấp chức vụ cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Dự thảo cũng mở rộng đối tượng và mức hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhiều nhóm nhà giáo đang kiêm nhiệm các vai trò quan trọng trong hoạt động dạy học và hỗ trợ học sinh...
Theo các chuyên gia, dự thảo nghị định cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và nhân văn góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe và điều kiện làm việc của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên ở vùng khó khăn.
Như nhà giáo được khám sức khỏe ít nhất một lần/năm. Trường hợp nhà giáo thuộc đối tượng được chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm được khám sức khỏe ít nhất hai lần/năm. Các chính sách về hỗ trợ nhà ở công vụ, thuê nhà ở, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép, trẻ dân tộc thiểu số... Cùng với đó là các chính sách thu hút, trọng dụng nhà giáo.

Nhiều học sinh vùng sâu tỉnh Cà Mau vẫn theo kịp chương trình học nhờ sự tận tâm của các thầy cô - Ảnh: THANH HUYỀN
Cụ thể hóa chủ trương "ưu tiên lương giáo viên xếp cao nhất"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) cho rằng dự thảo nghị định đang được hoàn thiện thể hiện một bước tiến rất đáng ghi nhận trong việc cụ thể hóa chủ trương "nhà giáo được hưởng lương cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương hành chính sự nghiệp" quy định trong Luật Nhà giáo.
Theo đó, hệ số lương cao nhất áp dụng cho giáo sư được tính từ mức 6,2 (A3.1) cộng thêm hệ số đặc thù 1,3, tức tương đương hệ số 8,06 - điều này cao hơn so với hầu hết các vị trí hành chính sự nghiệp công lập.
"Tuy nhiên, ở các cấp phổ thông, đặc biệt là giáo viên tiểu học, mầm non là đối tượng đông đảo nhất và dù có hưởng hệ số lương đặc thù và phụ cấp nhưng mức thu nhập vẫn còn thấp hơn mặt bằng một số ngành khác.
Vì vậy, để nói rằng nhà giáo được hưởng lương cao nhất cần tiếp tục cải thiện mức lương cơ sở, hoặc tăng hệ số đặc thù cho nhóm nhà giáo ở bậc học thấp - nơi có áp lực nghề nghiệp lớn nhất hiện nay", bà Nga đề nghị.
Một nội dung khác, theo bà Nga, nguyên tắc trả lương trong dự thảo nghị định cũng tiếp cận theo hướng đảm bảo công bằng, phản ánh đúng đặc thù nghề nghiệp và nỗ lực đóng góp của nhà giáo.
Trong đó đề xuất các quy định như nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nào được xếp lương và hưởng hệ số lương đặc thù áp dụng đối với chức danh đó. Đồng thời việc này không chỉ căn cứ vào trình độ và chức danh, mà còn gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và đặc điểm vùng miền công tác.
Việc áp dụng hệ số lương đặc thù cùng với hệ số lương hiện hành, cộng thêm các khoản phụ cấp như chức vụ, thâm niên, ưu đãi nghề..., theo bà Nga, là cách tiếp cận tổng thể và có tính định lượng rõ ràng hơn so với trước đây.
Dự thảo làm rõ trách nhiệm nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ sở giáo dục, tạo cơ sở minh bạch trong thực thi.
Nghiên cứu tăng thêm phụ cấp cho giáo viên mầm non và tiểu học
Bên cạnh việc đánh giá cao, một đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc trong dự thảo nên có quy định rõ ràng và lâu dài hơn về chính sách bảo lưu phụ cấp cho nhà giáo khi luân chuyển về vùng khó khăn. Bởi hiện tại thời gian bảo lưu chỉ 36 tháng chưa thực sự đủ sức động viên đối với nhà giáo khi luân chuyển.
Song song đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu việc tăng thêm phụ cấp cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học theo lộ trình phù hợp. Do giáo viên mầm non, tiểu học chịu áp lực công việc lớn nhất và thường gắn với lao động chăm sóc, bên cạnh công việc giảng dạy đơn thuần.
Ngoài ra, nên bổ sung chế độ hỗ trợ nhà ở hoặc thuê nhà ở thực tế cho giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Cụ thể, quy định mức hỗ trợ tương ứng với giá thuê nhà thực tế trên thị trường tại địa phương đó thay cho hỗ trợ một khoản tiền không thấp hơn mức tiền thuê nhà ở công vụ theo quy định.
"Cần có cơ chế đánh giá hiệu quả thực hiện nghị định sau khi ban hành, dự kiến có hiệu lực từ 1-1-2026, để kịp thời điều chỉnh với những vấn đề phát sinh trong thực tế. Tránh trường hợp ban hành nhưng chậm được triển khai hoặc không phù hợp với điều kiện thực tế của giáo viên ở từng vùng miền", đại biểu này kiến nghị.
Còn đại biểu Trần Khánh Thu (Hưng Yên) đề nghị quá trình xây dựng dự thảo nghị định cần rà soát đánh giá việc xác định tiền lương nhà giáo theo cách xác định lương của nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo phù hợp. Đồng thời quy định cụ thể, xác định rõ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo để chi trả tiền lương cho nhà giáo hằng năm.
3 điểm đột phá của dự thảo
Bà Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá cao ba điểm đột phá chính trong dự thảo nghị định đang được hoàn thiện.
Thứ nhất, lần đầu tiên hệ số lương đặc thù được đưa vào áp dụng cho từng nhóm chức danh nhà giáo, từ giáo sư đến giáo viên mầm non, dao động từ 1,1 - 1,6 lần. Đây là điểm mới có ý nghĩa đặc biệt vì nó khẳng định tính đặc thù nghề nghiệp và đảm bảo mức thu nhập tương xứng.
Thứ hai, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề được thiết kế đa dạng, trải đều từ 25 - 80% tùy theo cấp học, vùng miền và loại hình cơ sở giáo dục. Những nhà giáo đang giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được hưởng mức phụ cấp cao nhất, thể hiện rõ tính ưu tiên theo hướng công bằng vùng miền.
Thứ ba, ngoài các loại phụ cấp truyền thống, dự thảo còn bổ sung các khoản phụ cấp mới như phụ cấp lớp ghép, phụ cấp cho nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, phụ cấp trách nhiệm với giáo viên làm công tác tư vấn học sinh... "Đây là những điều chỉnh thực tế và hợp lý, bù đắp cho những vất vả rất cụ thể của nhà giáo", bà Nga nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo:
Lương giáo viên chưa đủ sống dẫn đến dạy thêm
Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 19-6-2025 về nguyên nhân của việc dạy thêm và học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng sở dĩ cần phải học thêm, dạy thêm bởi vì còn nhiều thứ chưa đủ.
Đầu tiên, theo ông, phải kể đến lương của giáo viên chưa đủ để sống; tiếp đó là chưa đủ trường lớp để học sinh không phải cạnh tranh, đặc biệt ở các thành phố lớn, các đô thị, các khu đông dân cư. Để giải quyết căn cơ việc này, Bộ trưởng cho rằng khó có thể "một sớm một chiều" khắc phục được, mà cần một giải pháp rất tổng thể.
TS Nguyễn Vinh Hiển (nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo):
Giải quyết tâm tư của nhiều nhà giáo
Trước đây có tin khi thực hiện chế độ lương mới giáo viên sẽ không còn phụ cấp thâm niên, nhiều nhà giáo tâm tư vì có những người đã gắn bó với nghề hàng chục năm. Nhưng ở dự thảo nghị định lần này vẫn giữ được phụ cấp thâm niên, phụ cấp vượt khung thâm niên.
Phụ cấp nghề đối với nhà giáo được tăng thêm 10% so với quy định trước đây, xếp theo mức độ từ 25 - 80% tùy theo vị trí công tác của nhà giáo, bổ sung thêm hệ số đặc thù tương ứng với vị trí việc làm của nhà giáo. Bên cạnh đó là các quy định cho việc dạy liên trường, dạy học ở trường có nhiều cấp học, nhiều điểm trường...
Đây là những ưu điểm trong quy định về lương và phụ cấp đối với nhà giáo tại dự thảo nghị định. Chế độ đãi ngộ cho giáo viên như thế nào để tương xứng với vị thế quan trọng của nhà giáo luôn là vấn đề lớn được đặt ra nhiều năm qua, Luật Nhà giáo và nghị định quy định chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo sẽ là hành lang pháp lý thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu "lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp".
Một hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp tư thục tại Hà Nội:
Cân nhắc kỹ việc "làm càng lâu trả lương càng cao"
Khi đọc dự thảo nghị định quy định về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo thì thấy việc trả lương, phụ cấp cũng căn cứ vào mô tả việc làm cụ thể, tùy theo đối tượng, khu vực nhà giáo công tác. Việc này hợp lý, đảm bảo công bằng và khuyến khích nhà giáo làm việc và cống hiến, nhất là người trẻ.
Tuy nhiên, tôi có chút băn khoăn về phụ cấp thâm niên. Xem xét về độ tuổi lao động, tương ứng với thâm niên công tác thì ở giai đoạn 3 (51 - 70), giáo viên có thể đã bị "lỗi thời", không cập nhật xu hướng mới, sự trì trệ thay thế dần sự sáng tạo, năng suất lao động nhìn chung sẽ giảm.
Nếu nhìn vào "lộ trình" làm nghề trên thì thấy việc trả phụ cấp thâm niên theo cách càng làm lâu càng được trả phụ cấp cao thì sẽ mâu thuẫn với quan điểm trả lương theo mô tả việc làm (vị trí công việc, năng suất, chất lượng).
Cô Nguyễn Thị Mai (Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM):
Học sinh giỏi đã chọn sư phạm
Trong lớp 12 mà tôi chủ nhiệm năm nay (năm học 2024 - 2025) có hai học sinh giỏi đã chọn dự tuyển vào trường đại học sư phạm khoa toán và khoa lý. Tôi hỏi hai em về lý do chọn học sư phạm, các em đã thẳng thắn nói: "Từ năm 2026 lương giáo viên là cao nhất trong hệ thống thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp.
Điều này chứng tỏ Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đến ngành giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng. Khi đã có sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo thì nhà giáo sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực bản thân, nâng cao chuyên môn, phát triển nghề nghiệp...". Tôi thấy rất vui vì điều này.
Những thay đổi tạo động lực cho nhà giáo

Cô và trò điểm trường Lùng Vài, xã Vị Xuyên, Hà Giang (cũ, nay là tỉnh Tuyên Quang) - Ảnh: NAM TRẦN
Dự thảo nghị định của Chính phủ đề xuất đã mang đến nhiều kỳ vọng về việc cải thiện đáng kể đời sống và thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.
Với những nguyên tắc trả lương và công thức tính lương cụ thể, dự thảo này hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, đồng thời hứa hẹn tạo động lực mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Những nét ưu điểm nổi bật
Một trong những điểm mới đáng chú ý đầu tiên là nguyên tắc xếp lương theo chức danh. Điều này mang lại sự công bằng và minh bạch hơn trong việc xác định mức lương, phản ánh đúng năng lực, trình độ và vị trí công tác của từng giáo viên theo thời điểm cụ thể.
Thay vì áp dụng chung một khung lương, việc phân loại theo chức danh sẽ khuyến khích giáo viên không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đạt được các chức danh cao hơn, từ đó cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, quy định cần cân nhắc để đảm bảo chức danh gắn liền với vị trí việc làm thực tế để tạo lợi thế cạnh tranh cho người lao động.
Điểm ưu việt tiếp theo phải kể đến là chính sách bảo lưu mức chênh lệch lương. Việc bảo lưu mức chênh lệch sẽ tạo tâm lý yên tâm, tránh được những xáo trộn lớn về tài chính, giúp giáo viên yên tâm công tác và cống hiến.
Dự thảo lần này cũng bảo lưu phụ cấp thâm niên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những giáo viên có thâm niên, đã có mức lương ổn định theo quy định cũ.
Ngoài ra, việc nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành đối với viên chức. Điều này tiếp tục khuyến khích giáo viên phấn đấu trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ để có cơ hội tăng bậc lương, góp phần cải thiện thu nhập định kỳ.
Công thức tính tiền lương rõ ràng, minh bạch
Công thức này thể hiện sự rõ ràng, minh bạch trong cách tính toán thu nhập của giáo viên, giảng viên. Các yếu tố cấu thành tiền lương đều được liệt kê cụ thể, bao gồm hệ số lương cơ bản, phụ cấp chức vụ (nếu có), phụ cấp thâm niên vượt khung và đặc biệt là mức chênh lệch bảo lưu. Điều này giúp nhà giáo dễ dàng hình dung và tự tính toán được mức lương của mình, tạo sự yên tâm và tin tưởng vào chính sách mới.
Tạo động lực to lớn để giáo viên yên tâm cống hiến, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, theo vị trí việc làm được bổ nhiệm. Khi đời sống được đảm bảo, giáo viên sẽ có nhiều tâm huyết và năng lượng hơn để đầu tư vào việc giảng dạy, nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Chính sách này còn có ý nghĩa thu hút và giữ chân nhân tài cho ngành giáo dục, đặc biệt là những giáo viên giỏi, có tâm huyết với nghề, cổ vũ sự vươn lên cho đội ngũ nhà giáo trẻ.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ (phó tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam)
BÌNH LUẬN HAY