17/07/2025 16:16 GMT+7

Đột phá IVF ở Anh: Mẹ có đột biến trong ti thể, 8 em bé vẫn chào đời khỏe mạnh

Tám em bé khỏe mạnh đã chào đời tại Anh nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sử dụng ADN từ ba người, đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực ngăn ngừa các bệnh di truyền nguy hiểm.

Đột phá IVF ở Anh: Mẹ có đột biến trong ti thể, 8 em bé vẫn chào đời khỏe mạnh - Ảnh 1.

Liệu pháp hiến tặng ti thể tạo ra phôi từ DNA của ba người với mục đích ngăn ngừa trẻ em mắc các rối loạn di truyền không thể chữa khỏi - Ảnh: Đại học Newcastle

Báo The Guardian đưa tin ngày 16-7 cho biết các bác sĩ tại Anh vừa công bố một bước đột phá trong lĩnh vực y học sinh sản: 8 em bé khỏe mạnh đã chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sử dụng ADN từ ba người - cha, mẹ và một người hiến tặng trứng. 

Mục tiêu của phương pháp này là ngăn ngừa nguy cơ truyền các bệnh di truyền nghiêm trọng, không thể chữa khỏi từ mẹ sang con.

Được biết các bà mẹ trong nghiên cứu đều mang đột biến trong ti thể - cấu trúc nhỏ bên trong tế bào có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì ti thể (có thể hiểu là một nhà máy năng lượng trong cơ thể, mỗi tế bào có đến hơn vài nghìn ti thể tham gia vào hoạt động duy trì sự sống) được truyền từ mẹ sang con, nên nếu người mẹ mang đột biến, tất cả con cái đều có nguy cơ mắc bệnh. 

Những bệnh liên quan đến ti thể thường khởi phát từ sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan như não, tim và cơ bắp, gây chậm phát triển, suy giảm vận động và có thể dẫn đến tử vong. 

Ước tính, khoảng 1/5.000 trẻ sơ sinh mắc các rối loạn ti thể.

Nhờ vào các nỗ lực y học, 8 em bé - gồm 4 bé trai và 4 bé gái, trong đó có một cặp song sinh giống hệt nhau, đã chào đời. Hiện tại tất cả các bé đều khỏe mạnh và không có dấu hiệu mắc bệnh ti thể. Ngoài ra một ca mang thai khác bằng kỹ thuật tương tự vẫn đang tiếp tục.

Thông tin này được cộng đồng y khoa toàn cầu mong đợi từ lâu, kể từ khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa kỹ thuật hiến tặng ti thể (MDT) vào năm 2015. 

Năm 2017, giấy phép đầu tiên được cấp cho phòng khám tại Đại học Newcastle - nơi các bác sĩ đã tiên phong phát triển phương pháp này.

Giáo sư Doug Turnbull, người dành hơn hai thập kỷ nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, chia sẻ: "Sự ra đời của những đứa trẻ khỏe mạnh là nguồn động viên lớn lao cho cả nhóm nghiên cứu và các gia đình. Thật nhẹ nhõm và đáng mừng".

Kỹ thuật điều trị bằng hiến tặng ti thể

Kỹ thuật điều trị bằng hiến tặng ti thể (Mitochondrial Donation Treatment - MDT) với mục đích thay thế ti thể đột biến của người mẹ bằng ti thể khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Cụ thể trứng của người mẹ được thụ tinh với tinh trùng của người cha, sau đó phần nhân chứa ADN được chuyển sang một trứng hiến tặng đã loại bỏ nhân.

Phôi mới có đầy đủ ADN di truyền từ cha mẹ và ti thể khỏe mạnh từ người hiến được cấy vào tử cung để phát triển thành thai nhi.

Tám em bé khỏe mạnh chào đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm bằng ADN của ba người lạ - Ảnh 2.AI thiết kế chuỗi ADN, mở ra kỷ nguyên mới công nghệ sinh học

AI đang góp mặt vào lĩnh vực sinh học bằng cách thiết kế các chuỗi ADN mới. Công nghệ này giúp tăng tốc nghiên cứu protein, vắc xin, vi sinh vật và nhiều ứng dụng y sinh tiềm năng khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0