15/05/2025 16:24 GMT+7

Dòng tiền bất động sản dịch chuyển về đô thị vệ tinh đón ‘sóng’ sáp nhập

Mức độ quan tâm và đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng thủ đô tăng mạnh từ cuối năm 2024 đến nay, dòng tiền dịch chuyển đón 'sóng' sáp nhập, đưa các đô thị vệ tinh thành tâm điểm thị trường.

bất động sản - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo ngày 15-5 tại Hà Nội - Ảnh: B.NGỌC

Thông tin do ông Nguyễn Văn Khôi, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đưa ra tại hội thảo Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng thủ đô, do tạp chí điện tử Bất Động Sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 15-5 tại Hà Nội.

Sức hút từ 'làn sóng' sáp nhập

Theo ông Khôi, "làn sóng" sáp nhập tỉnh, thành phố đã mang lại dư địa phát triển đô thị to lớn, tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Quá trình sáp nhập tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và thị trường bất động sản vùng thủ đô được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Nhờ hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện, quỹ đất dồi dào, các tỉnh lân cận Hà Nội đang thu hút dòng vốn đầu tư vào bất động sản. Nhiều nhà đầu tư "đổ xô" về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét trên thị trường, ông Khôi cho hay.

Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận mức độ quan tâm và đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng thủ đô tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024.

Xu hướng này tiếp tục duy trì trong quý 1-2025, phần lớn nhu cầu đầu tư tập trung ở các khu vực dọc tuyến vành đai 4 thủ đô, các hành lang công nghiệp kết nối Hà Nội với Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Dòng tiền thị trường đang dịch chuyển về các đô thị vệ tinh, biến các đô thị vệ tinh thành tâm điểm của thị trường.

Dòng tiền bất động sản dịch chuyển về đô thị vệ tinh đón ‘sóng’ sáp nhập - Ảnh 2.

Ông Lê Đình Chung cho rằng các đô thị vệ tinh đang có sức hút lớn sau sáp nhập các tỉnh - Ảnh: B.NGỌC

Đô thị vệ tinh - tâm điểm thị trường

Đánh giá tiềm năng thị trường bất động sản đô thị vệ tinh Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết giai đoạn 2024-2026, nguồn cung nhà ở tại thủ đô dự kiến vượt 30.000 sản phẩm, tập trung tại các đại đô thị kiểu mẫu "all-in-one".

Trong khi thị trường các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đang nổi lên với làn sóng phát triển đô thị vệ tinh và hệ sinh thái đô thị liền kề, góp phần tái định hình cấu trúc đô thị toàn vùng theo hướng hiện đại, bền vững.

Chiến lược kết nối vùng được định hình rõ nét theo các trục vành đai xuyên tâm vùng thủ đô. Giao thông công cộng được ưu tiên phát triển đang tạo ra sự dịch chuyển nhanh, thuận lợi hơn giữa Hà Nội và các tỉnh. Từ đó hình thành thị trường bất động sản liên vùng, xóa bỏ ranh giới địa phương.

Cũng theo ông Đính, thị trường bất động sản vùng thủ đô đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ theo hướng bền vững, đa chức năng và liên vùng. Với cú hích từ hạ tầng, chính sách giãn dân, các đại đô thị vệ tinh sẽ trở thành đô thị nối dài đầy tiềm năng cho cả an cư và đầu tư trong 5 -10 năm tới.

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh hạ tầng giao thông hoàn thiện, hiện đại đang là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản vùng thủ đô phát triển.

Còn theo ông Lê Đình Chung - tổng giám đốc SGO Homes, tại những khu vực vùng ven Hà Nội có hạ tầng giao thông đã và đang hoàn thiện, giá trị bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng 15 - 20% chỉ trong vòng 12 tháng vừa qua.

Đặc biệt, dọc trục kết nối Hà Nội - Hưng Yên tốc độ đô thị hóa tăng mạnh nên mức tăng trưởng bất động sản cao hơn 1,5 lần so với bình quân toàn thị trường, trở thành điểm nóng mới của thị trường vùng thủ đô.

Ông Chung phân tích: "Ở các thị trường bất động sản mới nổi, lợi thế lớn nhất chính là quỹ đất rộng lớn, chưa khai thác triệt để. Đây là yếu tố then chốt giúp các địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản như Vingroup, Ecopark, Phú Mỹ Hưng, Hòa Phát… tham gia làm những dự án quy mô.

Quỹ đất dồi dào cũng cho phép chủ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch bài bản, thiết kế đồng bộ, đáp ứng xu hướng sống chất lượng cao với mật độ xây dựng thấp, ưu tiên không gian xanh và hệ thống tiện ích công cộng. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong dài hạn".

Với các lợi thế này, ông Chung cho rằng vùng thủ đô đang dần hình thành "vành đai phát triển mới" của thị trường bất động sản miền Bắc, trở thành tâm điểm của nhà đầu tư trong giai đoạn tới.

Dòng tiền bất động sản dịch chuyển về đô thị vệ tinh đón ‘sóng’ sáp nhập - Ảnh 3.Thị trường bất động sản ấm lên ở các tỉnh trung tâm sau sáp nhập

Sau thông tin sáp nhập tỉnh thành, thị trường bất động sản tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sôi động. Giá nhà đất mua bán tại các tỉnh là trung tâm hành chính mới sau sáp nhập nhích lên trong những ngày qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0