
Du khách ăn sáng tại một khách sạn ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) - Ảnh: AFP
Đề xuất mới nhất của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra về chương trình "visa vàng" cho người nước ngoài giàu có hứa hẹn mang lại nguồn thu tương đương quy mô nền kinh tế 500 tỉ USD.
Động thái này đặt Thái Lan vào cuộc đua thu hút đầu tư thông qua thị thực dài hạn - xu hướng đang lan rộng khắp Đông Nam Á - khi các quốc gia tìm kiếm nguồn vốn mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những chương trình đi trước
Singapore dẫn đầu với "Chương trình đầu tư toàn cầu" (GIP) triển khai từ năm 2004. Người nước ngoài muốn lấy thẻ cư trú lâu dài cần đầu tư tối thiểu 10 triệu đô la Singapore (hơn 7,5 triệu USD) vào doanh nghiệp hoặc quỹ đầu tư được chỉ định.
Theo Bộ Thương mại Singapore, từ năm 2004 đến giữa năm 2017 có 1.826 người được cấp thẻ thường trú nhân thông qua chương trình này.
Indonesia bắt đầu thử nghiệm chương trình "visa vàng" vào năm 2023 và chính thức triển khai năm 2024 sau giai đoạn thử nghiệm. Chương trình cấp thị thực 5 năm cho nhà đầu tư thành lập công ty trị giá 2,5 triệu USD hoặc thị thực 10 năm với khoản đầu tư 5 triệu USD.
Những người không muốn thành lập công ty có thể đầu tư 350.000 USD (5 năm) hoặc 700.000 USD (10 năm) vào trái phiếu chính phủ và cổ phiếu công ty đại chúng. Đến cuối năm 2024, Indonesia đã cấp 471 "visa vàng", thu hút 558 triệu USD đầu tư.
Malaysia vận hành chương trình "Malaysia - ngôi nhà thứ hai của tôi" (MM2H) từ năm 2002 dành cho người về hưu và nhà đầu tư với thời hạn visa 5-20 năm.
Chương trình này đã chuyển trọng tâm sang nhà đầu tư trẻ từ tháng 6-2024, thu hút hơn 100 triệu USD chỉ trong sáu tháng thông qua tiền gửi cố định và mua bất động sản.
Campuchia ra mắt chương trình "Campuchia - ngôi nhà thứ hai của tôi" (CM2H) năm 2022 với thị thực 10 năm cho nhà đầu tư nước ngoài có vốn tối thiểu 100.000 USD. Thái Lan hiện có "Thị thực đặc quyền Thái Lan" thời hạn 5-20 năm nhưng đề xuất mới của ông Thaksin hứa hẹn quy mô lớn hơn nhiều.
Cạnh tranh và thách thức
Singapore duy trì lợi thế nhờ hình ảnh trung tâm tài chính quốc tế, môi trường đầu tư ổn định và hệ thống pháp luật bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên chi phí sinh hoạt đắt đỏ và điều kiện khắt khe khiến chương trình chỉ phù hợp với nhóm siêu giàu.
Báo Straits Times đưa tin Singapore gần đây còn đưa ra yêu cầu mới, buộc người nước ngoài phải đầu tư nhiều hơn và thuê người lao động là dân địa phương nhiều hơn.
Thái Lan có tiềm năng trở thành đối thủ đáng gờm của Singapore với lợi thế chi phí sinh hoạt thấp, chất lượng dịch vụ tốt và ngành du lịch phát triển. Ông Thaksin kỳ vọng chương trình "visa vàng" sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP, giảm nợ công và kích cầu tiêu dùng nội địa. "Đây là nguồn tiền mới và rất đáng theo đuổi", ông nói.
Trong khi đó Indonesia tự tin với lợi thế dân số đông và tiềm năng thị trường lớn. Tổng cục trưởng Tổng cục Nhập cư Indonesia Silmy Karim cho biết chính sách "visa vàng" của nước này được "thiết kế để thu hút các nhà đầu tư giá trị cao và nhân tài toàn cầu". Ông kỳ vọng nguồn vốn sẽ hỗ trợ tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong công nghệ, du lịch và năng lượng tái tạo.
Tại Việt Nam, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cấp thị thực vàng 5-10 năm để kích cầu du lịch, dài hơn so với thời hạn 1-2 năm hiện tại.
Tuy nhiên việc triển khai đòi hỏi các nước phải cân nhắc kỹ lưỡng. Ông Basil Mohr-Elzeki, đối tác quản lý của Công ty tư vấn Henley & Partners khu vực Bắc Mỹ, cảnh báo những chương trình này thường giúp các quốc gia đạt mục tiêu đầu tư nhưng không phải lúc nào cũng bền vững.
Tây Ban Nha đã hủy chương trình cho phép người ngoài Liên minh châu Âu (EU) có giấy phép cư trú khi đầu tư hơn 520.000 USD vào bất động sản vì bị chỉ trích làm tăng vọt giá nhà. Vương quốc Anh cũng đã chấm dứt chương trình này vào năm 2022 do lo ngại an ninh.
Xu hướng toàn cầu
Công ty tư vấn Henley & Partners cho biết hơn 100 quốc gia trên thế giới đã từng hoặc đang cung cấp "visa vàng" cho các cá nhân và nhà đầu tư giàu có. Danh sách này bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Malta, Úc, Canada, Ý... Theo các chương trình khác nhau ở các nước, các yêu cầu đặt ra với người nước ngoài có thể bao gồm mua nhà, đầu tư tài chính, tạo ra số lượng việc làm nhất định...
BÌNH LUẬN HAY