Động đất Myanmar: 'Thời gian vàng' đã hết

Bốn ngày sau trận động đất mạnh 7,7 độ, Myanmar quằn quại trong đau thương với hơn 2.700 người thiệt mạng, trong khi người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất và lo sợ dư chấn.

Động đất Myanmar: 'Thời gian vàng' đã hết - Ảnh 1.

Trưa 1-4, công binh của quân đội Việt Nam tiếp tục đưa thêm một thi thể nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát ra ngoài tại khu vực Bala Tidi, quận Zabu Thiri, thủ đô Naypyidaw, Myanmar - Ảnh: VŨ HÙNG

Ngày 1-4, Myanmar dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân trong trận động đất thảm khốc. Đúng 12h51 - thời điểm xảy ra trận động đất hôm 28-3 - tiếng còi báo động vang lên, cả quốc gia Đông Nam Á này lặng đi trong giây phút tưởng niệm. Khoảnh khắc này nằm trong tuần quốc tang do chính quyền quân sự Myanmar công bố, kéo dài đến ngày 6-4.

Cơ hội sống sót mong manh

Tính đến ngày 1-4, chính quyền quân sự Myanmar cập nhật có 2.719 người thiệt mạng, hơn 4.500 người bị thương và 400 người mất tích. Tại Thái Lan, ít nhất 20 người đã chết.

Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar với 1,7 triệu dân, là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bên ngoài khu chung cư Sky Villa, một trong những địa điểm chịu ảnh hưởng lớn nhất, các nhân viên cứu hộ dừng lại xếp thành hàng, cúi đầu tưởng niệm.

"Thời gian vàng" đã hết. 72 giờ đầu tiên sau trận động đất thường được coi là khoảng thời gian quan trọng để tiếp cận những nạn nhân bị chôn vùi. Sau thời gian này, cơ hội sống sót khi không có nguồn nước càng trở nên mong manh.

Theo một quan chức Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), mức độ tàn phá mà Myanmar phải gánh chịu là "chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua ở châu Á". Bà Marie Manrique - điều phối viên chương trình Myanmar của IFRC - cho biết hiện chỉ còn "cơ hội nhỏ" để tiếp cận những người bị mắc kẹt.

Các chuyên gia lo ngại có thể mất nhiều tuần mới biết tổng số người chết thực sự. Báo Global New Light of Myanmar đưa tin trong số những người thiệt mạng có khoảng 500 tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện tại các nhà thờ khi động đất xảy ra.

Hơn 1.000 nhân viên cứu hộ nước ngoài đã bay đến hỗ trợ. Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin gần 650 người đã được cứu sống khỏi các tòa nhà đổ nát trên khắp cả nước.

Giữa vòng xoáy khổ đau

Các nhân viên cứu hộ, chó nghiệp vụ, nhân viên y tế và hàng triệu USD tiền viện trợ từ nước ngoài đã và đang đổ về Myanmar. Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia... nằm trong số quốc gia hỗ trợ khắc phục hậu quả. Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng cứu hộ Việt Nam là tập trung tìm kiếm, giải cứu những người sống sót.

Tâm chấn động đất được ghi nhận tại vùng Sagaing thuộc miền trung Myanmar, gần cố đô Mandalay, nơi có các quần thể đền thờ và cung điện lịch sử. Theo các quan chức địa phương, phần lớn những người ở tâm chấn đang bị cô lập sau khi một cây cầu quan trọng bắc qua sông Irrawaddy bị sập.

Nhiều người dân Myanmar vẫn chịu cảnh màn trời chiếu đất, không thể trở về những ngôi nhà đã đổ nát hoặc lo sợ dư chấn tiếp tục ập đến. Hàng trăm người dân Mandalay đã phải ngủ ngoài trời suốt bốn đêm liên tiếp. "Tôi không cảm thấy an toàn. Ngay cạnh nhà tôi là những tòa nhà từ 6 tới 7 tầng đang nghiêng ngả, có thể sập bất cứ lúc nào" - Soe Tint, một người thợ sửa đồng hồ, chia sẻ sau khi ngủ ngoài trời.

Một số người dân có lều nhưng nhiều người, gồm cả trẻ nhỏ, đã phải trải chăn nằm giữa đường, tránh xa các tòa nhà bị hư hại. Khắp thành phố, nhiều khu chung cư bị san phẳng, một quần thể công trình Phật giáo bị tàn phá nặng nề, nhiều khách sạn đổ sập.  

Tại một điểm thi, tòa nhà bị sập đè lên hàng trăm nhà sư đang làm bài, những chiếc cặp sách vẫn đang chất đống trên chiếc bàn bên ngoài. Những đồ vật này vẫn chưa có ai đến nhận.

Ngay cả trước trận động đất, khoảng 50 triệu người dân Myanmar đã phải chịu đựng nhiều khổ đau khi đất nước bị tàn phá do xung đột và bất ổn chính trị 4 năm qua kể từ cuộc đảo chính tháng 2-2021. Chính quyền quân sự Myanmar khẳng định họ đang nỗ lực hết sức để ứng phó với thảm họa. Tuy nhiên đã có nhiều báo cáo về việc quân đội Myanmar vẫn tiến hành không kích vào các nhóm vũ trang chống đối.

Liên hợp quốc ước tính ít nhất 3,5 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột từ trước trận động đất. Đầu tuần này, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Myanmar Julie Bishop kêu gọi tất cả các bên ngừng giao tranh và tập trung vào việc bảo vệ dân thường và cung cấp viện trợ.

Di sản văn hóa bị tàn phá

Trận động đất mạnh 7,7 độ không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn hủy hoại di sản văn hóa đặc sắc của Myanmar. Chính quyền quân sự cho biết hơn 3.000 tòa nhà đã bị hư hại, trong đó có khoảng 150 nhà thờ Hồi giáo và chùa tháp. Tu viện Me Nu Brick 200 năm tuổi ở tây nam Mandalay dường như đã bị phá hủy hoàn toàn.

Cung điện Mandalay - biểu tượng lịch sử và văn hóa quan trọng - cũng bị hư hại nặng nề, khiến Myanmar không chỉ đối mặt với khủng hoảng nhân đạo mà còn mất đi những giá trị di sản không thể thay thế.

Động đất Myanmar: "thời gian vàng" đã hết - Ảnh 3.Động đất Myanmar: Cánh cửa hy vọng dần khép lại, 'Liên minh 3 anh em' ra tuyên bố

Ngày 1-4, 'Liên minh 3 anh em' chống chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố đơn phương ngừng bắn một tháng, và tha thiết mong các nỗ lực cứu trợ nhân đạo khẩn cấp sẽ được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0