16/04/2025 09:57 GMT+7

Đọc tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp: Trò chuyện với hoa thủy tiên và…

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chỉ nhận được một giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Hà Nội vào năm 2006.

Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 1.

Sau hơn ba thập niên nổi tiếng cả nước với thể loại truyện ngắn, cuối cùng ông cũng được một giải thưởng dành cho… lý luận phê bình nhờ tập tiểu luận Giăng lưới bắt chim.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết tiểu luận với sự sắc bén như khi ông viết truyện. Với phong thái tỉnh bơ, thi thoảng thả nhẹ một nhận định giống ném nhẹ một hòn đá vào mặt hồ đang yên tĩnh.

Hoa thủy tiên của 20 năm sau

Tiểu luận Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn của ông từng khuấy động dư luận một thời.

Hơn 20 năm sau đọc lại tiểu luận này, tuy mất cái vẻ xôn xao năm xưa nhưng "hoa thủy tiên" ấy vẫn đẹp, vẫn gợi lên được những vấn đề của văn chương Việt Nam ở thời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và cả thời nay nữa.

Có lẽ vì thế khi tái bản các tiểu luận văn học của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà xuất bản đã chọn cái tên Trò chuyện với hoa thủy tiên và… (Nhà xuất bản Trẻ, 2025).

Đọc sách nhận ra trước khi in thành tập, đa phần các bài viết đã được in trên báo và tạp chí như Tiền Phong, Nông Nghiệp Việt Nam, Phụ nữ TP.HCM… Các bài viết này thường súc tích, duyên dáng và gợi mở.

Độc giả có thể thắc mắc hoa thủy tiên kia thì liên hệ gì đến văn chương? Hay lại nói chuyện về chàng Narcissus hóa thành hoa thủy tiên?

Đó, phải đọc, đọc đến kỳ hết để thấy nhiều khi liên tưởng ngỡ xa xôi mà lại gần gũi với vấn đề, đến chuyện văn chương và cả những chuyện nằm ngoài văn chương.

Lối dẫn dắt đôi lúc khiến ta quên chuyện mình đang đọc tiểu luận mà như đang dự phần vào một câu chuyện.

Như thể ta với nhà văn ngồi đối diện nhau, giữa hai người là lọ thủy tiên đặt trên bàn. Nhà văn không nhìn ta, ông chỉ ngắm đóa hoa thủy tiên đó và "trò chuyện" với nó mà ta tưởng chừng rủ rỉ cùng mình.

Chẳng hạn đoạn văn sau: "Cụ Nguyễn Hữu Mão, 88 tuổi, nhà ở số 7 Ô Quan Chưởng, Hà Nội là một người mê thơ kỳ lạ. Số thơ cụ làm trong đời có lẽ phải đến… hàng tạ! Chuyện rằng năm 1946, tiêu thổ kháng chiến, nhà đi tản cư, bao nhiêu vật quý trong nhà cụ không để ý, loay hoay thế nào mà cụ chỉ mang đi có… một gánh thơ!

Có lần cụ ốm, tưởng sắp lên tiên, con trai trưởng vào thăm, cụ băn khoăn hỏi: Trong đời, anh là người con đã làm nhiều điều khiến tôi khó chịu nhất. Anh làm thơ, tôi cũng làm thơ… Bây giờ gần đất xa giời, vậy tôi hỏi thật: thơ tôi hay hơn hay thơ anh hay hơn?" (sđd, tr.159).

Nguyễn Huy Thiệp đã mở đầu tiểu luận Lưới thơ như thế. Ông nói về chuyện thơ và chuyện thời, thời của "lạm phát" thơ, quần chúng đâm ra ngán nhà thơ. Và đó không phải là "chuyện cũ".

Nhưng cái hình ảnh "cụ Nguyễn Hữu Mão, 88 tuổi, nhà ở số 7 Ô Quan Chưởng, Hà Nội" khiến ta tò mò tự hỏi liệu cụ có thực hay chỉ là hư cấu của nhà văn?

Quả là một nụ cười dí dỏm nói một chuyện bi hài của thơ, của văn chương. Người viết băn khoăn nếu Nguyễn Huy Thiệp còn tại thế, ông có viết tiếp một "lưới thơ" khác kể chuyện người đàn ông bị đánh vì làm thơ đăng trang cá nhân?

Cái câu chuyện có tính "ngụ ngôn" về "cụ Nguyễn Hữu Mão" đã đưa vấn đề trở nên gần gũi với người đọc. Chẳng phải xung quanh chúng ta vẫn thấp thoáng bóng hình "cụ Nguyễn Hữu Mão" hay sao? Và biết đâu đến một ngày chúng ta cũng trở thành "cụ Nguyễn Hữu Mão" mê thơ nọ?

Nguyễn Huy Thiệp ngoài truyện ngắn

Cuốn sách Trò chuyện với hoa thủy tiên và… chia làm ba phần: Thiên, Địa, Nhân.

Nhà văn bàn về những vấn đề chung của văn chương, của sáng tác, về tâm thế của nhà văn.

Có thể thấy ở những bài với tên gọi rất cụ thể như "Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm của nhà văn", "Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn", "Con đường văn học", "Lại nói về những dấu hiệu của hình thức nghệ thuật đương đại trong tiểu thuyết"… Các bài này chủ yếu tập trung ở phần "Thiên".

Ở phần "Địa", độc giả có dịp đọc các bài viết của nhà văn không chỉ liên quan văn chương mà còn về quà phở của người Hà Nội, về đất và con người Nam Bộ…

Ở phần "Nhân", Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu viết về những người bạn văn nghệ của ông.

Tác phẩm Trò chuyện với hoa thủy tiên và… tuy là sách tái bản những bài viết cũ nhưng cũng là dịp để độc giả tiếp cận một Nguyễn Huy Thiệp bên ngoài thế giới truyện ngắn. Mà thực tình, đôi lúc ta cảm giác cái ranh giới "trong - ngoài" ấy cũng không còn nữa. Một thế giới nội tâm phong phú, phức tạp của một người nghệ sĩ thành danh nhưng vẫn thấy "tất cả vẫn còn đang trên đường" (sđd, tr.55) với nỗi băn khoăn văn chương là gì, văn nhân là chi?

Và người nghệ sĩ ấy đã trả lời: "Nhà văn là gì? Chẳng là gì cả. Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn tìm cách sám hối vượt khỏi những lỗi lầm ấy" (sđd, tr.55).

Đọc tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 3.Gốm Thiệp, những bức vẽ từ lòng thấu hiểu Nguyễn Huy Thiệp

42 nghệ sĩ khắp cả nước nối dài niềm đam mê vẽ gốm của Nguyễn Huy Thiệp bằng những tác phẩm vẽ từ lòng thấu hiểu Nguyễn Huy Thiệp, bày triển lãm ở ba miền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0