
Công nhân sản xuất các sản phẩm xuất khẩu trong một nhà máy may mới xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), trong tháng 6 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao kỷ lục, đạt hơn 24.400 doanh nghiệp, gấp hơn hai lần cùng kỳ giai đoạn 2021 - 2024.
Niềm tin kinh doanh tăng
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có gần 91.200 doanh nghiệp thành lập mới, phản ánh làn sóng khởi nghiệp đang tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6 đạt 14.390 doanh nghiệp, tăng hơn 91% so với cùng kỳ 2024, gấp ba lần giai đoạn 2021 - 2024.
Lũy kế 6 tháng có khoảng 61.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số hộ kinh doanh đăng ký hoạt động mới trong tháng 6-2025 cũng tăng mạnh, đạt mức tăng 118,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 60,3% so với tháng 5-2025.
Bà Trịnh Thị Hương, phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), nhận định: "Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng cao hơn số doanh nghiệp rút lui. Như vậy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế được củng cố mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, số vốn bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động tăng trên 170% so với cùng kỳ năm 2024 cũng cho thấy niềm tin của doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh và tiềm năng thị trường khả quan".
Để thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường trong những tháng còn lại của năm 2025, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, mô hình kinh doanh mới; cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics...

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao kỷ lục phản ánh làn sóng khởi nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Làn gió" mới từ nghị quyết 68
Trao đổi với Tuổi Trẻ về số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại thị trường tăng vọt trong tháng 6-2025, TS Nguyễn Quốc Việt - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - cho rằng trước hết điều này phản ánh sự hứng khởi của cộng đồng kinh doanh khi Đảng ban hành các nghị quyết mới đề cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, nhất là trong những lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Ngoài ra theo ông Việt, một bộ phận cá nhân và hộ kinh doanh trước các đòi hỏi về minh bạch tài chính, kế toán, thuế đã thấy rằng chuyển lên thành doanh nghiệp sẽ có lợi hơn. Đây là hai yếu tố làm cho số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6-2025 tăng đột biến.
Cạnh đó, số doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ, du lịch thành lập mới nhiều do tác động từ hiệu ứng lượng khách quốc tế đến nước ta tăng cao, ông Việt chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Việt cũng lưu ý xu hướng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng đột biến trong tháng 6-2025 chưa thật sự bền vững.
Bởi trong 5 tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới chỉ tương đương với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, khu vực kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn khi cầu tiêu dùng trong nước dù phục hồi nhưng chưa chắc chắn, chưa như kỳ vọng.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, khẳng định số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục vừa qua chủ yếu do tác động của nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, một số hộ kinh doanh đã chuyển lên thành doanh nghiệp trong thời gian vừa qua để tận dụng các ưu đãi như miễn thuế 3 năm đầu hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ phần mềm kế toán, đào tạo giám đốc doanh nghiệp.
Còn tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, theo ông Lực, vẫn còn nhiều khó khăn khi mức thuế đối ứng Mỹ áp với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đến nay chưa rõ ràng.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng cho rằng số doanh nghiệp thành lập mới tăng vọt là nhờ các nghị quyết khuyến khích phát triển tư nhân của Đảng được ban hành kịp thời.
Ngoài khu vực doanh nghiệp, ông Thành cho rằng cần có thêm chính sách hỗ trợ với khu vực hộ kinh doanh phát triển để họ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vừa qua như một làn gió mới thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, làm tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng
Về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ nay tới cuối năm, TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, hy vọng rằng với tình hình tăng trưởng kinh tế quý 2-2025 có dấu hiệu tích cực hơn quý 1 sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới sẽ tác động tới nhu cầu mở rộng đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng lên.
Đề xuất 6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, Cục Thống kê đề xuất thực hiện 6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
1. Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
2. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận thương mại đã ký kết, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
3. Tháo gỡ khó khăn trong quy định pháp lý nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thực hiện cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", xóa bỏ cơ chế "xin - cho", đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho cơ quan, địa phương giải quyết và chịu trách nhiệm.
4. Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và tiền thuê đất.
5. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia và công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.
6. Đẩy mạnh triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số bao trùm, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025 nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, kinh doanh bao trùm.

Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tiền thuê đất... để hỗ trợ sản xuất kinh doanh - Ảnh minh họa: Q.Đ.
Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị giảm lãi vay
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang tốt dần lên nhưng gặp khó khăn về vốn.
Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2-2025, ông Lê Tuấn Anh, phó trưởng Ban thống kê tổng hợp và đối ngoại (Cục Thống kê), cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2 tốt hơn quý 1.
Kết quả khảo sát hơn 30.400 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước trong quý 2 có 74,6% doanh nghiệp cho hay hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 2 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 1. Chỉ có 25,4% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý 1.
Về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Tuấn Anh phân tích: "Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với hàng loạt chính sách đột phá, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu.
Kết quả khảo sát ghi nhận chỉ còn 3,3% số doanh nghiệp còn gặp khó khăn do các chính sách pháp luật của Nhà nước và 1,7% số doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu năng lượng cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Cục Thống kê cũng ghi nhận hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra.
Về đầu ra, nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn có 42,3% doanh nghiệp trong ngành xây dựng gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới, giảm 8,4% so với quý 1-2025.
Còn xét theo yếu tố đầu vào sản xuất kinh doanh thì khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao.
Tiếp đó, nhiều doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về vốn, trong đó 16% số doanh nghiệp khảo sát cho biết lãi suất vay vốn còn cao. Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tiền thuê đất, có chính sách bình ổn giá nguyên nhiên vật liệu, kích cầu trong nước để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
BÌNH LUẬN HAY