14/07/2025 20:43 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia ra 15 nhóm đi tiếp xúc cử tri tại 80 điểm

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sau sáp nhập có 44 đại biểu, dự kiến được chia thành 15 nhóm. Sắp tới, hoạt động tiếp xúc cử tri sẽ diễn ra tại khoảng 80 điểm, trải rộng trên địa bàn 168 xã, phường.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia ra 15 nhóm đi tiếp xúc cử tri tại 80 điểm - Ảnh 1.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: B.P.

Chiều 14-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động tuyên truyền của đoàn.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM chia thành 15 nhóm

Trao đổi tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Phúc - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sau sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có 44 đại biểu, dự kiến được chia thành 15 nhóm.

Sắp tới, hoạt động tiếp xúc cử tri của đoàn sẽ diễn ra tại khoảng 80 điểm, trải rộng trên địa bàn 168 xã, phường.

"Với địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn và đan xen cùng nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội khác, chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí chủ động phối hợp, đồng hành trong việc truyền tải thông tin, phản ánh kịp thời các hoạt động của đoàn", bà Phúc chia sẻ.

Bà cũng đề xuất báo chí tạo điều kiện để các đại biểu có cơ hội chia sẻ thông tin, góp phần lan tỏa nhanh chóng, chính xác các nội dung tuyên truyền liên quan đến hoạt động của Quốc hội và cơ quan dân cử tại địa phương.

Bà Phúc tin tưởng sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí và Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo bước phát triển mới trong việc đưa thông tin về Quốc hội đến gần hơn với người dân, đồng thời đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của TP.HCM.

Góp ý tại hội nghị, ông Mai Ngọc Phước - tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM - nhận định  báo chí TP.HCM thời gian qua đã phản ánh rõ nét các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.

Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu của đoàn cũng tích cực phối hợp với báo chí để cùng lên tiếng về những vấn đề mà cử tri và người dân quan tâm.

Theo ông Phước, bên cạnh việc đưa tin về hoạt động của TP.HCM nói chung và Đoàn đại biểu TP nói riêng, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Ông kỳ vọng các đại biểu sẽ lắng nghe, tiếp nhận những phản ánh đó và có phản hồi thông qua báo chí, để người dân thấy tiếng nói của mình được lắng nghe, quan tâm.

Ông cũng nhấn mạnh báo chí TP.HCM không chỉ phản ánh, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phản biện, góp ý xây dựng chủ trương, chính sách.

"Một số đại biểu từng chia sẻ với tôi rằng nhiều nội dung được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ, Người Lao Động… đã được tiếp thu và mang ra thảo luận tại nghị trường. Thời gian tới, chúng tôi mong các đại biểu sẽ tiếp tục đồng hành, tham gia cùng báo chí trong các buổi tọa đàm, hội thảo, góp ý chính sách, để những chủ trương, quy định ban hành sát với thực tiễn cuộc sống" - ông nói.

Ông Phước cũng đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội TP tăng cường trao đổi định kỳ với báo chí, chủ động chia sẻ thông tin về hoạt động, định hướng công tác để các cơ quan báo chí truyền thông kịp thời cập nhật, lan tỏa đến cử tri và người dân TP.HCM.

Mong báo chí đồng hành, phản ánh thực tiễn và cùng góp ý

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia ra 15 nhóm đi tiếp xúc cử tri tại 80 điểm - Ảnh 2.

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước phát biểu - Ảnh: B.P.

Bà Phạm Thị Vân Anh - phó tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM - cho rằng báo chí cần được tạo điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời, đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm, những nội dung cần góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng.

Bên cạnh việc tổ chức họp báo định kỳ, bà đề xuất mở rộng hình thức tiếp xúc chuyên đề, tọa đàm, hội thảo với từng nhóm đối tượng như phụ nữ, doanh nhân, nhà khoa học... để thu nhận tiếng nói đa chiều từ xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý từ lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn trong thời gian tới.

Ông Lợi cho biết hiện Thành ủy đã chỉ đạo, UBND TP đang xây dựng và đề xuất một số cơ chế đặc thù cho TP.HCM mới. Trọng tâm sắp tới của đoàn là tham gia xây dựng thể chế, cả ở cấp Trung ương và địa phương.

Do vậy ông mong các cơ quan báo chí sẽ tích cực phản biện, đóng góp ý kiến, trở thành diễn đàn để người dân hiến kế cho TP.

Theo ông Lợi, với địa giới hành chính mở rộng, TP.HCM mới đòi hỏi một phương thức quản trị thông minh hơn, hệ thống thủ tục hành chính cũng phải thông suốt, hiện đại hơn.

Đoàn đại biểu TP dự kiến tổ chức khảo sát chuyên đề về xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính… Ông rất mong báo chí đồng hành, phản ánh thực tiễn và cùng góp ý với đoàn trong các nội dung này.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng kỳ vọng: "Báo chí tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là đối với những vấn đề bức xúc kéo dài, những nội dung nóng còn tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết, cũng như góp ý cho những chính sách chưa sát với thực tiễn đời sống của người dân, cử tri".

TP.HCM mới có 44 đại biểu Quốc hội, tiếp xúc cử tri diễn ra tại 80 điểm trải khắp 168 xã phường - Ảnh 3.Ông Võ Văn Minh giữ chức bí thư Đảng ủy Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM

Ông Võ Văn Minh - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - được chỉ định giữ chức bí thư Đảng ủy Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2025-2030.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0