
Nguyễn Ngọc Tường Vy bên góc học tập của mình tại nhà ông bà ngoại - Ảnh: N.T.BÌNH
Dọc đường đến nhà Vy, thầy Hồ Gia Hưng - phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Ân (Bình Định) - nhắc đi nhắc lại: "Đây là cô bé có hoàn cảnh đáng thương nhưng ý chí thật đáng nể".
Học để phụ mẹ lo cho em
Sau gần 20 năm ra Bắc Ninh mưu sinh, giữa năm ngoái bốn mẹ con chị Nguyễn Thị Mỵ Nương (38 tuổi) dắt díu đưa nhau về nương nhờ ông bà ngoại tại đội 2, xóm Cưởi, thôn Phú Khương, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân).
Ngặt nỗi ông bà cũng nghèo, nhà chỉ trông chờ vào hai con heo nái. Mà có khi còn không được giá nên heo con đẻ ra đành phải bán rẻ mới có tiền trang trải cho sáu miệng ăn trong nhà.
Con đường dẫn vào nhà ông bà ngoại Vy cũng gập ghềnh như cuộc đời chông chênh của bốn mẹ con.
Cuộc sống dẫu cơ cực nhưng không ngăn được tinh thần ham học của Tường Vy. Mỗi ngày, cô bé vẫn giẫm lên sỏi đá vượt quãng đường 2km đến trường nuôi ước mơ con chữ.
Thương mẹ và ông bà vất vả, cô học trò 12 tuổi của Trường THCS Ân Tường Tây ấy đã sớm tự giác và luôn biết đỡ đần việc nhà.
Ngoài giờ học, cô bé phụ làm đủ thứ việc trong nhà, từ trồng rau lang ngoài vườn dành để nuôi heo đến chăm cô em gái út đang học mẫu giáo. Món nào Vy cũng thành thạo để mẹ bớt gánh nặng, tập trung đi làm kiếm tiền nuôi các con.
Làm mẹ đơn thân, cuộc sống của chị Nương phần nào bớt đơn độc vì cán bộ địa phương, rồi hàng xóm thương mấy mẹ con nên hễ có công việc thời vụ gì là ưu tiên cho chị ngay.
Với chiếc xe máy cà tàng, người phụ nữ vốn được gọi là "thợ đụng" ấy nhận chở hàng thuê bất cứ lúc nào có khách gọi. Chị còn là thợ chuyên nghiệp của các chủ rừng keo vì hay tìm lên đặt chỗ trước nên đến mùa thu hoạch là có một suất làm thuê.
Đôi mắt nhìn xa xăm nhưng đầy nghị lực, người phụ nữ vừa làm mẹ vừa làm cha này tâm sự: "Mình phải là chỗ dựa nuôi ba con ăn học đến nơi đến chốn. Không đành lòng để đường học của con cái bị gián đoạn".
Vươn lên giữa nhọc nhằn
Giữa nghèo khó, Vy càng cho thấy sự nỗ lực của bản thân.
Sáu năm qua, bạn đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Và dù mới chuyển vào trường từ đầu năm lớp 6 nhưng cô bé đã được cả lớp 6A2 tín nhiệm bầu vào đội sao đỏ. Kết quả ấy phần nào tưởng thưởng cho sự hy sinh lam lũ, nhọc nhằn của người mẹ quần quật vì đàn con.
"Em sẽ cố gắng học tốt hơn nữa để sau này còn giúp mẹ lo cho em út", Vy quả quyết.
Không chỉ học tốt, Vy còn được bạn bè quý mến khi luôn biết quan tâm, chia sẻ với các bạn khác. Dù nhà mình không khá giả gì song cô bé luôn hỏi han để mỗi khi bạn nào gặp chuyện không may, nhà khó khăn đều báo lại với cô chủ nhiệm.
Mấy đứa trẻ tiểu học trong xóm gần nhà còn được chị Vy chỉ bài, dạy cho học thêm.
Hiểu hoàn cảnh mấy mẹ con, xã và thôn đều dành phần cho gia đình Vy khi có hoạt động chăm lo người nghèo tại địa phương. Còn nhà trường vẫn quan tâm tặng Vy sách vở, đồ dùng học tập.
Ông Thời Đắc Tháo, trưởng thôn Phú Khương, chia sẻ: "Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy của ai tất cả. Chị Nương vất vả nhưng ba đứa con đều chăm ngoan, học giỏi cũng là niềm hạnh phúc lớn lắm".
Hoài Ân vẫn là vùng quê đất cày lên sỏi đá. Cái nhọc nhằn ấy càng khiến Tường Vy quyết tâm học để thay đổi đời mình, nỗ lực chiến thắng số phận. Bạn như đóa tường vi mỏng manh nhưng tràn sức sống mãnh liệt, dịu nhẹ tỏa hương trên đất cằn khô.
Tháng 9-2024, ông Nguyễn Văn Gặp (62 tuổi, ông ngoại Tường Vy) đã phải vay 40 triệu đồng cho Nguyễn Tuấn Khang (anh ruột Vy) nhập học Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM).
Đến giờ Khang học gần xong năm thứ nhất nhưng khoản tiền nói trên vẫn chưa trả hết.
Thương gia đình, Khang đã miệt mài vừa học vừa làm thêm để phần nào vơi bớt gánh nặng cho ông bà ngoại và mẹ. Cậu nói sẽ cố gắng để hai năm nữa tốt nghiệp, tìm việc làm ổn định rồi cùng mẹ lo cho hai em.
Giải thưởng cho bài viết hay của học bổng Chắp cánh ước mơ
Cùng với học bổng cho học sinh đạt yêu cầu, các bài viết tốt còn có cơ hội nhận giải thưởng của chương trình học bổng - giải thưởng Chắp cánh ước mơ với tổng tiền thưởng 21 triệu đồng. Chương trình do báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Văn Hiến thực hiện.
Đây là năm thứ hai thực hiện và sẽ dành 100 học bổng (400 triệu đồng) cho 30% học sinh THCS, 70% học sinh THPT của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk.
Tổng trị giá chương trình năm thứ hai là 5,6 tỉ đồng.
Để giới thiệu học sinh ở các tỉnh nói trên ứng tuyển học bổng này, thầy cô hoặc bạn bè cùng trường, lớp hay bạn đọc báo Tuổi Trẻ viết bài không quá 1.000 từ kèm hình ảnh, video clip gửi qua liên kết: https://bit.ly/gthbchapcanhuocmo, hoặc email: [email protected].
Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút theo quy định.
Ứng viên phải là học sinh có học lực khá - giỏi và đảm bảo các tiêu chí xét chọn của học bổng này.
Bài viết cần khắc họa nỗ lực của các học sinh có gia cảnh quá khó khăn (mồ côi hoặc trụ cột, người thân trong gia đình không may mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, con thương binh - liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, học sinh khuyết tật...) song vẫn kiên trì bám trường bám lớp, khát khao học tập.
BÌNH LUẬN HAY