
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2025 ở Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Có những thí sinh trên 8 điểm/môn vẫn trượt nhưng có nhiều trường điểm trung bình môn/điểm chuẩn chỉ đạt điểm 3. Đó là thực trạng tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2025-2026.
8 điểm/môn vẫn trượt
Chỉ có 9 trong số trên 100 trường THPT công lập tại Hà Nội có mức điểm chuẩn từ 24 điểm trở lên (điểm trung bình môn là 8 trở lên).
Trong tốp đầu, thứ hạng giữa các trường cũng có sự thay đổi so với các năm gần đây. Trường THPT Yên Hòa tụt từ vị trí đầu bảng xuống thứ 3, đồng hạng với THPT Nguyễn Gia Thiều với 25 điểm (điểm trung bình môn 8,33).
Trong khi Trường THPT Kim Liên sau nhiều năm xếp sau Yên Hòa thì nay quay lại vị trí quán quân, đồng hạng với Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), trường có sức hấp dẫn nhất trong khu vực tuyển sinh Hà Đông là địa bàn có ít trường THPT công lập hơn nơi khác so với nhu cầu học với mức điểm chuẩn cao nhất: 25,5 điểm (điểm trung bình môn là 8,5).
Trường có mức điểm chuẩn tăng đều trong khoảng 3 năm trở lại đây là THPT Việt Đức, đồng hạng với Trường THPT Phan Đình Phùng với mức 25,25 điểm (điểm trung bình môn là 8,42).
Trường Phan Đình Phùng tăng nhiệt rõ rệt trong năm nay do trường kế bên là THPT chuyên Chu Văn An không còn tuyển sinh khối không chuyên từ năm học này. Những thí sinh từng dự kiến đăng ký vào trường Chu Văn An đều chuyển lựa chọn sang Phan Đình Phùng.
Trường THPT Thăng Long từng giữ vị trí quán quân ở các năm học cách đây hơn một thập kỷ, nhưng nhiều năm nay giảm nhiệt, với điểm chuẩn 24,25 (điểm trung bình môn là 8,08). Có hai trường nữa trong top 9 là THPT Nguyễn Thị Minh Khai 24,75 (điểm trung bình môn là 8,25), Nhân Chính 24 điểm (điểm trung bình môn là 8,00).
Có ba trường có điểm trung bình môn/điểm chuẩn dưới 8 nhưng ở mức sát nút với top 9 là THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa và THPT Cầu Giấy với điểm chuẩn 23,75 (điểm trung bình môn 7,83).
Các trường trong tốp trên tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm nội đô thuộc các quận (cũ) là Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Đây cũng là các trường có sức hút với nhóm thí sinh có lực học khá, giỏi.
Nhưng cũng vì đây là khu vực diễn ra "cuộc đua" của những học sinh giỏi, có sự đầu tư nên luôn căng thẳng, áp lực. Nhiều thí sinh mấp mé ở điểm 8, trên 8/môn vẫn trượt. Thậm chí có những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường Kim Liên, Lê Quý Đôn (Hà Đông), đạt mức 8,4 điểm/môn.
Mặc dù điểm rất cao so với mặt bằng chung nhưng những thí sinh trượt từ "đỉnh cao" lại gặp khó khăn khi không trúng tuyển luôn nguyện vọng 2 do quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 phải cao hơn điểm chuẩn của trường 1,0 điểm.
10 điểm/3 môn vẫn đậu
Trong khi có khoảng 20 trường có điểm chuẩn tăng nhẹ thì nhiều trường ở Hà Nội lại có điểm chuẩn giảm, thậm chí giảm sâu đến gần 3 điểm/môn. Trường THPT Thọ Xuân năm nay có mức điểm chuẩn là 10 (trung bình 3,33 điểm/môn), trong khi năm trước điểm chuẩn là 30,75 (trung bình 6,15 điểm/môn). Đây là trường có mức điểm chuẩn giảm sâu nhất (hơn 2,8 điểm/môn).
Tương tự, Trường THPT Ứng Hòa A giảm khoảng 1,85 điểm/môn so với năm trước. Trường THPT Nguyễn Trãi giảm gần 1 điểm/môn so với năm trước.
Không chỉ các trường tốp dưới, cả các trường nằm trong tốp đầu cũng có mức điểm chuẩn giảm nhẹ so với năm trước như THPT Yên Hòa, THPT Thăng Long, THPT Nhân Chính...
Ngoài Trường THPT Thọ Xuân năm nay cũng có một số trường có điểm chuẩn chỉ đạt 10 điểm là THPT Lưu Hoàng, THPT Đại Cường, THPT Ứng Hòa B... Đây là những trường luôn đứng cuối bảng xếp hạng của nhiều mùa tuyển sinh và cũng là các trường được phép tuyển sinh bổ sung ở các năm trước, còn gọi là "trường tràn tuyến".
Tuyển bổ sung
Nhóm trường tốp dưới không tuyển đủ chỉ tiêu mặc dù điểm chuẩn đã rất thấp (10-15 điểm) cũng thường được xem xét tuyển sinh bổ sung với thí sinh có nguyện vọng 2, 3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Năm nay, căn cứ vào số lượng học sinh trúng tuyển đã hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học, các trường sẽ tổng hợp danh sách, đối chiếu với chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 được Sở GD-ĐT Hà Nội giao để báo cáo sở. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ xem xét, có quyết định cho phép một số trường tuyển sinh bổ sung và công bố rộng rãi.
Tỉ lệ ảo khá lớn
Về phía các trường tốp trên, tuy có sức hút lớn nhưng cũng có khó khăn về tỉ lệ ảo. Vì thí sinh dự tuyển vào các trường tốp đầu không chuyên thường cũng dự tuyển vào các trường chuyên, các chương trình song ngữ, tăng cường tiếng Pháp. Một số thí sinh trong diện này cũng đồng thời đỗ vào các trường chuyên, trường trực thuộc cơ sở đại học.
Trong các năm trước, có những trường thuộc tốp đầu, thậm chí trường THPT chuyên cũng hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung số chỉ tiêu còn thiếu do bị "ảo" quá nhiều. Trong số này có Trường THPT Yên Hòa, nơi có lượng thí sinh "ảo" khá lớn. Các trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT chuyên Chu Văn An cũng có những năm hạ điểm chuẩn với một số lớp chuyên.





BÌNH LUẬN HAY