
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn - Ảnh: LÝ ĐỢI
Anh Nguyễn Như Nhất, con trai dịch giả Nguyễn Tiến Văn, xác nhận với Tuổi Trẻ Online ba anh qua đời tối 20-4 tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Sống ở xa, anh Nhất đang thu xếp để bay vào TP.HCM cùng chị gái đang bay về từ Canada để lo đám tang cho ba.
Người ra đi, tinh anh còn lại
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà văn đã đăng tải những dòng cảm xúc tiễn biệt nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Tiến Văn mà họ yêu quý, kính trọng không chỉ bởi những đóng góp cho văn hóa, tri thức cho xã hội mà còn ở nhân cách, lối sống đặc biệt.
Ông được cộng đồng biết đến rộng rãi không chỉ bởi những công trình để lại mà còn bởi câu chuyện đam mê sách và chia sẻ tri thức đặc biệt, đã tặng mấy chục ngàn cuốn sách cho các thư viện.
TS Trần Ngọc Hiếu (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) xúc động khi hay tin dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn qua đời.
Có cơ duyên từng gặp dịch giả Nguyễn Tiến Văn tại TP.HCM nhờ chung mối quan tâm và yêu mến với thơ trẻ Sài Gòn, ông Hiếu rất ấn tượng về một trí thức yêu sách vở và lựa chọn một lối sống "đạt đạo".
"Ngôi nhà ở TP.HCM ngập sách là sách. Hình ảnh ấy làm tôi xúc động khi thấy rằng những con người sống với chữ, miệt mài, say mê ấy vẫn hiện hữu. Và bằng điều ấy, người ta tách mình khỏi những phiền nhiễu của đời này.
Người ta đạt đạo mà không phải tu theo nghĩa thông thường. Sống như thế thật đẹp mà thật khó", ông Hiếu viết tiễn biệt dịch giả Nguyễn Tiến Văn.
Nhưng trước khi biết và quan sát nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, ông Hiếu đã "gặp" và si mê dịch giả Nguyễn Tiến Văn trong bản dịch "cuốn sách lạ lùng" Những người quỷ ám mà ông Hiếu dành số tiền có thể đủ ăn cơm sinh viên cả tháng để mua.
Với cuốn sách ngày, ông Văn đã dắt tay ông Hiếu vào thế giới sẽ làm nhãn quan của ông thay đổi lớn.
Dịch giả của hơn 50 đầu sách hay, trao tặng 10.000 cuốn sách
Theo cây bút Lý Đợi, dịch giả Nguyễn Tiến Văn sinh năm 1939, sinh tại Hải Dương, tên trong giấy tờ Nguyễn Hồng Long.
Ông theo gia đình lên Hà Nội định cư năm 1947, nhà ở phố Hàng Da. Ông di cư vào Sài Gòn năm 1954, trốn lính Việt Nam Cộng hòa, từng ở tù vì trốn lính.
Năm 1985 ông sang Canada định cư, rồi lại trở về sống ở TP.HCM vào năm 2005 và sống ở đây "như "bụi đời" với văn hóa phố thị, với người và thơ trẻ Sài Gòn" cho tới ngày qua đời.
Ông gần như ở trọ cả đời, tự học một số ngôn ngữ, có thể dịch tiếng Anh, Pháp, Hán… Ông để lại hơn 50 tác phẩm dịch thuật lớn về văn học, văn hóa, triết học, tôn giáo.
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn đọc thơ tháng 11-2024 - Video: LÝ ĐỢI
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn còn nổi tiếng với việc hiến tặng hàng chục nghìn cuốn sách quý cho các thư viện và viện nghiên cứu tại Việt Nam, góp phần lan tỏa tri thức đến cộng đồng.
Năm 2008, ông đã chuyển từ Canada về và tặng cho Viện Nghiên cứu xã hội (nay là Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) hơn 18.000 cuốn sách nghiên cứu, văn hóa trong đó có rất nhiều sách quý.
Năm 2021, ông lại trao tặng cho Thư viện Huệ Quang gần 5.000 cuốn.
Ông còn nhiều lần tặng sách quy mô lớn khác, tổng số lên tới hơn 10.000 cuốn, cả tiếng Việt và ngoại văn, chuyên về Phật học, tâm linh, triết lý, khoa học xã hội, văn học, văn minh, lịch sử...
Sinh thời, ông từng nói về việc trao tặng sách của mình: "Miếng bánh hay món đồ khi nhiều người chia sẻ với nhau thì sẽ bị hao hụt dần, nhưng tôi nghĩ tri thức mà chia sẻ với nhau thì lại càng tăng gấp bội".

Lũ người quỷ ám do Nguyễn Tiến Văn dịch từ trước 1975, mới được Nhã Nam in lại - Ảnh: NHÃ NAM
Một số đầu sách tiêu biểu mà dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã dịch:
Điều gì khiến chúng ta hiện hữu trên đời? - Kentetsu Takamori
Hợp nhất với thần linh - Swami Muktananda
Giải thoát tâm đức - Thubten Chodron
Tâm vô lượng - Andrew Olendzki
Dẫn nhập vào Tính Không
Đạo Phật và Đạo Bằng Hữu - Subhamati & Subhuti
Đời Tổng giám mục Puginier - Louis-Eugène Louvet
Nơi Thiền Tông và Mật Tông hội ngộ - Chogyam Trungpa
Những quy luật tâm lý về sự tiến hóa của các dân tộc - Gustave Le Bon
Minh triết của sự bền vững - Sulak Sivalaksa
Lũ người quỷ ám - Fyodor Dostoyevsky
Về lịch sử nghệ thuật - Dana Arnold
Dẫn luận về Kitô giáo - Linda Woodhead
Nguồn gốc của ngoại tộc - Toni Morrison
Quyền năng linh thánh - Swami Kripananda
Tâm lý người An Nam - Paul Giran
Thiền chỉ, Thiền quán và Tính Không - Lama Dudjom Dorjee
Trở về từ cửa tử - Betty J. Eadie
Dẫn luận về tư duy - Tim Bayne
Dẫn luận về tôn giáo - Norman Solomon
Dẫn luận về tâm thức - Oxford Uni Press
BÌNH LUẬN HAY