
Mực nước hồ chứa cạn do hạn hán nghiêm trọng từng khiến di tích Dolmen de Guadalperal lộ diện vào năm 2019 và 2022 - Ảnh: REUTERS
Từ giữa tháng 7, nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook và X lan truyền thông tin về một bãi đá cổ khoảng 7.000 năm tuổi - được cho là có trước cả kim tự tháp Ai Cập và bãi đá Stonehenge ở Anh - lộ diện sau đợt hạn hán tại miền nam Tây Ban Nha, gần tỉnh Huelva.
Nguồn gốc thông tin xuất phát từ tài khoản Facebook Wonders of Earthscape, với bài viết thu hút hơn 203.000 lượt tương tác và 20.000 lượt chia sẻ.
Tuy nhiên theo báo cáo ngày 17-7 của tổ chức kiểm chứng Snopes, thông tin này không chính xác.
Snopes xác nhận di tích trong các bài đăng thực chất là mộ đá Guadalperal (Dolmen de Guadalperal), một công trình có thật nằm ở tỉnh Cáceres, vùng Extremadura - cách xa tỉnh Huelva như mạng xã hội lan truyền.
Di tích hiện nằm trong khu vực hồ chứa Valdecañas và đã bị nhấn chìm kể từ khi hồ hoàn thành vào năm 1963. Chỉ khi mực nước hạ thấp do hạn hán, toàn bộ hoặc một phần di tích mới lộ ra.
Các nghiên cứu khảo cổ cho thấy Dolmen de Guadalperal được xây dựng trong khoảng năm 5000 đến 3000 trước Công nguyên, tức là có niên đại còn sớm hơn cả kim tự tháp Ai Cập (2700-2200 TCN) và bãi đá Stonehenge ở Anh (3000-1500 TCN).
Di tích này từng được nhà khảo cổ người Đức Hugo Obermaier khai quật trong giai đoạn 1925-1927, và từ đó trở thành đối tượng nghiên cứu quan trọng của giới khảo cổ.
Ghi nhận cho thấy công trình từng lộ diện hoàn toàn vào các năm 2019 và 2022, khi hạn hán nghiêm trọng khiến mực nước hồ Valdecañas xuống rất thấp.
Trong email gửi Snopes, đại diện Công ty du lịch ngoài trời Valdecañas Multiaventura xác nhận năm 2025 hồ vẫn duy trì mực nước đầy, nên mộ đá Guadalperal chưa xuất hiện trở lại.
Hình ảnh trong bài viết lan truyền cũng là ảnh cũ, ghi lại từ các lần di tích từng lộ diện trước đó, không phải hình ảnh mới chụp gần đây.
BÌNH LUẬN HAY