05/04/2025 09:38 GMT+7

Đi làm không hợp đồng: Tìm hiểu để tự bảo vệ chính mình

Không được giao kết hợp đồng, người lao động sẽ chịu thiệt thòi đủ thứ từ tiền lương cho đến các chế độ bảo hiểm, trong khi chủ sử dụng lao động cũng có thể bị phạt rất nặng nếu cố tình không ký hợp đồng.

Đi làm không hợp đồng: Tìm hiểu để tự bảo vệ chính mình - Ảnh 1.

Trong khi lao động làm việc tại các doanh nghiệp đều được ký hợp đồng, nhiều lao động tự do, trong đó có sinh viên làm thêm hầu như không có hợp đồng lao động - Ảnh: C.TRIỆU

Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho hay vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động, nhất là với nhóm lao động tự do, làm theo thời vụ, bán thời gian. Đôi khi chính người lao động cũng vì tâm lý làm ngắn hạn, tạm thời nên không đòi phải ký hợp đồng.

Người lao động thiệt đủ thứ

Do tính chất công việc, một số lao động làm các công việc như giúp việc nhà, làm công hưởng lương trong các hộ sản xuất nông - lâm - thủy sản... thường không có hợp đồng lao động. Thống kê sơ bộ năm 2023 của Cục Thống kê cho thấy số lao động thuộc nhóm vừa nêu vào khoảng 1,4 triệu người.

Điều này đã và đang để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc không chỉ với người lao động mà còn cho chính doanh nghiệp. 

Dù quy định rõ trong Bộ luật Lao động 2019 trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Nhưng việc này vẫn bị nhiều nơi phớt lờ.

Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ nêu TP.HCM thuộc Vùng 1 với mức lương tối thiểu là 4,96 triệu đồng/tháng và phải trả lương ít nhất 23.800 đồng/giờ. Quy định nêu rõ người sử dụng lao động có trách nhiệm phải trả lương cho người lao động hoàn thành công việc được giao không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Thế nên, theo vị đại diện Sở Nội vụ TP.HCM, người lao động sẽ chịu thiệt thòi khi không có hợp đồng lao động. Họ không được bảo vệ các quyền cơ bản như tiền lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nghỉ phép hay bảo hộ khi xảy ra tai nạn lao động. Mà những điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống và an sinh xã hội lâu dài của người lao động.

Việc doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động trước tiên là hành vi vi phạm pháp luật. Nhìn rộng hơn, việc này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín, phát triển bền vững của đơn vị sử dụng lao động. 

Việc này cũng gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, thống kê, giám sát thị trường lao động và triển khai chính sách bảo trợ, hỗ trợ người lao động, trong đó phần lớn là lao động ở tuổi thanh niên.

Khi bị xâm phạm quyền lợi, nếu không có hợp đồng, người lao động có thể cung cấp thông tin trao đổi công việc, đoạn tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, thông tin chuyển tiền lương. Nếu người sử dụng lao động không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có quyền khiếu nại đến Thanh tra Sở Nội vụ.
Luật sư TRẦN NGỌC THÍCH

Hãy yêu cầu ký hợp đồng

Việc không ký hợp đồng lao động khiến cả hai bên cùng đứng trước nhiều rủi ro. Cụ thể người sử dụng lao động khi không ký hoặc vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng lao động có thể bị xử phạt từ 2 - 25 triệu đồng. Hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành sẽ bị xử phạt từ 20 - 75 triệu đồng.

Sau đó doanh nghiệp buộc phải truy nộp phần tiền lương còn thiếu, truy đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

Nếu doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội mà số tiền trốn đóng lớn hoặc kéo dài còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo vị đại diện Sở Nội vụ TP.HCM, mỗi người lao động rất cần chủ động nghiên cứu các quyền, lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật lao động quy định khi đi làm. Hãy chủ động yêu cầu ký kết hợp đồng lao động khi làm việc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, ít nhất là hợp đồng ngắn hạn hoặc hợp đồng thời vụ. 

"Hợp đồng lao động sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp có tranh chấp xảy ra", vị này nói.

Luật sư Trần Ngọc Thích, trưởng bộ phận pháp lý Talentnet, chuyên gia về lao động, cho hay nếu xác định là quan hệ lao động, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động trước khi nhận vào làm việc, đó là quy định.

Dẫn chứng việc sinh viên làm thêm ở cửa hàng, luật sư Thích nói hãy yêu cầu nhà tuyển dụng ký hợp đồng có cơ sở rõ ràng về tiền lương, thời gian làm việc, công việc cụ thể... Theo luật sư Thích, với hợp đồng có thời hạn dưới một tháng, hai bên có thể giao kết bằng lời nói song "tốt nhất nên sử dụng hợp đồng lao động không trọn thời gian".

"Nếu không ký kết hợp đồng lao động, ít nhất cũng phải có hợp đồng dịch vụ. Trong đó cần quy định rõ ràng tiền lương tính theo giờ, theo tuần hay theo tháng rồi tiền tăng ca, tiền thưởng, quy định thời gian trả lương... là những nội dung phải có", luật sư Thích hướng dẫn.

Ông Vũ Quang Thành, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết thời điểm sau Tết có nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức làm cho nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nhất là trong các ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, lưu trú ăn uống...

Đây là cơ hội tốt cho người lao động, học sinh, sinh viên tìm kiếm việc làm thêm, tăng thu nhập tại quán cà phê, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, khu vui chơi... Vì thế, trung tâm thường xuyên kết nối, giới thiệu việc làm và đã giúp hàng nghìn lượt lao động nhanh chóng tìm được công việc phù hợp, trong đó có nhiều sinh viên, người làm việc bán thời gian.

"Dù mức lương không cố định nhưng người lao động tại khu vực Hà Nội cần nhớ mức lương tối thiểu theo giờ phải là 23.800 đồng/giờ để đảm bảo quyền lợi cho mình", ông Thành lưu ý.

Đi làm không hợp đồng: Tìm hiểu để tự bảo vệ chính mình - Ảnh 2.Đi làm không hợp đồng, rủi ro không gì chứng minh

Một phần vì không rành các quy định, phần khác đôi khi ngại giấy tờ rườm rà và nghĩ đơn giản "cũng chỉ là đi làm thêm" nên không ít người lao động, nhất là sinh viên không quan tâm, không yêu cầu ký hợp đồng lao động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0