14/05/2025 19:18 GMT+7

Đề xuất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh không quá 1 lần/năm

Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.

thanh tra - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (giữa) cùng các phó chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Xử lý nghiêm việc lạm dụng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Trình bày dự thảo nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho hay mục tiêu nghị quyết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng (nghị quyết 68) nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực.

Nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh rất đáng chú ý trong dự thảo nghị quyết.

Trong đó, quy định một số nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.

Cụ thể, dự thảo nghị quyết quy định nguyên tắc không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.

Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.

Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật được miễn kiểm tra thực tế. Quản lý điều kiện kinh doanh chuyển từ cấp phép/chứng nhận sang công bố và hậu kiểm, trừ các lĩnh vực đặc thù theo quy định và thông lệ quốc tế.

Ông Tâm cho biết các quy định này nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, khắc phục chồng chéo, chuyển mạnh sang hậu kiểm, công bố điều kiện kinh doanh, và tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh.

Xử lý vi phạm kinh doanh: Phân định trách nhiệm pháp nhân, hình sự và dân sự

thanh tra - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm - Ảnh: GIA HÂN

Một nội dung nữa đáng chú ý là nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh.

Dự thảo nghị quyết nêu, phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.

Ưu tiên xử lý vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính trước. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân được tự khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự, ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.

Không áp dụng hồi tố pháp luật bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân. Kết luận sớm các vụ việc thiếu thông tin, tài liệu, chứng cứ theo quy định tố tụng và công bố công khai.

Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội và tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong điều tra, truy tố, xét xử. Việc niêm phong, kê biên, tạm giữ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tương ứng với dự kiến thiệt hại.

Sử dụng hợp lý các biện pháp bảo đảm giá trị tài sản, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến điều tra.

Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý trong doanh nghiệp trong xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc.

Bổ sung cùng nội dung, cơ quan quản lý không được thanh tra, kiểm tra trùng năm

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết một số cơ chế, chính sách đặc biệt trong các dự thảo nghị quyết về tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính), xử lý vi phạm hành chính, thanh tra, thuế, đấu thầu, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc phạm vi điều chỉnh của các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Ông Mãi đề nghị rà soát đầy đủ, thuyết minh, làm rõ sự cần thiết, tính phù hợp quy định tại dự thảo nghị quyết mà không điều chỉnh các nội dung này trong các luật.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội cũng đã thẩm tra các nội dung về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, ông Mãi đề nghị bổ sung quy định: cùng nội dung, cơ quan quản lý không được thanh tra, kiểm tra trùng năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm. Kết quả thanh tra, kiểm tra phải công khai.

Đồng thời đề nghị rà soát, bổ sung nghị quyết 68, cụ thể hóa nội dung “cải thiện môi trường kinh doanh”, và tách riêng điều về nguyên tắc cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh.

Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh không được quá 1 lần/năm - Ảnh 3.Trình luật bỏ thanh tra bộ, tổng cục, cục, sở, huyện

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bỏ thanh tra cấp bộ, tổng cục, cục thuộc bộ; cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0