30/04/2025 19:07 GMT+7

Đề xuất mới về mức phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, thời hiệu xử phạt

Tại dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đề xuất sửa đổi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt không lập biên bản.

vi phạm hành chính - Ảnh 1.

Lực lượng công an thông báo quyết định xử phạt vi phạm hành chính - Ảnh tư liệu

Tại dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mới nhất sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đã có điều chỉnh, bổ sung một số quy định.

Đề xuất bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Đáng chú ý, theo tờ trình của Chính phủ, dự luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hầu hết các lĩnh vực là 1 năm (một số lĩnh vực 2 năm), tính từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Đồng thời, thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên hiện nay, với một số vụ việc phức tạp, khi cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hồ sơ đến để xử phạt vi phạm hành chính, thời gian đã vượt quá thời hạn nêu trên dẫn đến không thể xử lý hành vi vi phạm.

Do vậy, theo ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cần thiết phải sửa đổi quy định về thời hiệu trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo hướng quy định thời hiệu cụ thể 6 tháng kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm.

Cùng với đó, giới hạn tối đa không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Riêng vi phạm hành chính về thuế, kiểm toán độc lập, việc xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật trong hai lĩnh vực này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Trước thực trạng tình hình vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra còn phổ biến, các đối tượng vi phạm lợi dụng "kẽ hở" trong quy định về chu kỳ kiểm định và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính để cố tình trốn tránh trách nhiệm.

Vì vậy, dự luật quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này là 3 năm nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm thống nhất với lĩnh vực quản lý nhà nước khác.

Dự thảo bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là 2 năm; quy định mức phạt tối đa với vi phạm trong lĩnh vực này đến 30 triệu đồng.

Sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Một nội dung khác là sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.

Cụ thể, từ 250.000 đồng lên 1 triệu đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng đối với tổ chức.

Việc này để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người của hiện nay so với trước đây.

Trước đó, ở dự luật Bộ Tư pháp đăng tải hồi đầu tháng 4, đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản với cá nhân lên 2,5 triệu, tổ chức 5 triệu đồng.

Như vậy, dự luật mới dù nâng mức tiền phạt nhưng thấp hơn so với đề xuất trước đó của Bộ Tư pháp.

Ở luật hiện hành quy định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm.

Hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng.

Trường hợp phạt tiền, trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Song ở dự luật mới nhất đã bỏ nội dung này. Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ.

Đề xuất mới về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt không lập biên bản - Ảnh 3.Đề xuất chủ tịch xã có thẩm quyền xử phạt của chủ tịch huyện

Chính phủ đề xuất chủ tịch UBND cấp xã thực hiện thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp huyện, trưởng công an cấp xã thực hiện thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp huyện đến khi có quy định thay thế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0