
Du khách chờ nhận phòng tại một chung cư ở TP.HCM - Ảnh: HIẾU GIANG
Các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất cần có pháp luật hài hòa trong quản lý Airbnb để vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, thúc đẩy du lịch và đối chiếu với thông lệ quốc tế.
Đưa Airbnb vào khuôn khổ quản lý
Mới đây, chính quyền tại một số phường ở TP.HCM cũng có văn bản thông báo về các điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú trong chung cư trên địa bàn, trong đó yêu cầu các chủ hộ tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở, các nghị định của Chính phủ liên quan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng hoạt động lưu trú ngắn ngày thông qua các nền tảng quốc tế như Airbnb đang hoạt động ở nhiều quốc gia và cũng tồn tại ở Việt Nam nhiều năm qua.
Theo ông Châu, những tranh cãi về hoạt động của Airbnb cần được giải quyết dựa trên các yếu tố đó là hành lang pháp lý, thông lệ quốc tế và quan trọng là giải pháp phù hợp với thực tế tại Việt Nam.
Du khách thuê căn hộ qua Airbnb cũng là hình thức để ở và đây là mô hình phổ biến trên thế giới. Do đó, với thực trạng ở Việt Nam, ông Châu đề xuất cần có cơ chế, chính sách để Airbnb được quản lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các bên.
Với bên cho thuê, cần phổ biến các quy định của chung cư đối với khách thuê, yêu cầu khách thuê cam kết, báo cáo thông tin người thuê, đăng ký thông tin lưu trú theo quy định của cơ quan chức năng Việt Nam và ban quản lý tòa nhà chung cư.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp giữa người cho thuê và ban quản lý để xử lý những vấn đề phát sinh với mục đích đảm bảo tuân thủ các quy định.
Đặc biệt, ông Châu cho rằng qua nghiên cứu thực tiễn hoạt động Airbnb, cần có chính sách để các bên cung cấp dịch vụ cho thuê qua Airbnb đăng ký kinh doanh, nộp thuế, đảm bảo tuân thủ các quy định và đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Yêu cầu khách thuê tuân thủ quy định
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hoài (giám đốc doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM) cho hay tại TP.HCM có một số chung cư có chức năng hỗn hợp, hiện cung cấp các căn hộ dịch vụ với thời gian lưu trú có thể dài hạn hoặc ngắn hạn qua các nền tảng đặt phòng trực tuyến.
Theo ông Hoài, với các căn hộ này, hoạt động quản lý căn hộ có sự phối hợp tốt giữa bên cho thuê, nền tảng kết nối và đơn vị quản lý tòa nhà.
Do đó, ông Hoài cho rằng cần tham khảo mô hình này để đưa hoạt động của Airbnb đi vào khuôn khổ. Ngoài ra, ông Hoài cho hay tại trung tâm TP, có một số căn hộ cũ, các gia đình không còn nhu cầu sinh sống, không thể kinh doanh nên được cải tạo để cho lưu trú ngắn hạn cũng là một giải pháp cho chủ nhà.
Còn bà Nguyễn Thương Hoài (cung cấp dịch vụ lưu trú qua Airbnb) cho biết thời gian qua các bên cung cấp dịch vụ đã chủ động siết lại hoạt động cho thuê, trong đó yêu cầu khách hàng phải tuân thủ mọi quy định chung cư, không sử dụng các tiện ích của cư dân và có sự phối hợp với các ban quản lý để đảm bảo tuân thủ quy định của chung cư.
Theo bà Hoài, cộng đồng cung cấp dịch vụ Airbnb đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, Thủ tướng và Quốc hội đề xuất có chính sách thí điểm cho dịch vụ này hoạt động có quản lý.
Các cửa hàng trong chung cư cũ vẫn mở cửa đón khách
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại các chung cư cũ ở trung tâm TP.HCM như tại quận 1, quận 3 và quận 4 cho thấy các hoạt động kinh doanh tại đây vẫn là điểm đón lượng lớn du khách đến trải nghiệm.
Đặc biệt, các tòa chung cư cũ dọc trục đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng… vẫn hoạt động và chuẩn bị cho đợt cao điểm kinh doanh vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương và dịp 30-4 tới đây. Trong đó, các hoạt động kinh doanh ở các chung cư cũ phổ biến là shop thời trang, tiệm trà, cà phê, showroom trưng bày hàng lưu niệm, tranh…
Trước đó, ông Dư Quang Nghĩa - phó Phòng Kinh tế quận 1 - cho biết địa phương đang khai thác tối đa các hình thức để phục vụ du khách và người dân.
Đơn cử như khu chung cư ở khu vực đường Nguyễn Huệ đã trở thành điểm nhấn của quận, trang trí đẹp và thu hút đông đảo du khách. Do đó địa phương này đề xuất thí điểm cho phép kinh doanh ở chung cư, địa phương sẽ kiểm tra và yêu cầu thực hiện các phương án bảo đảm an toàn, phòng cháy chữa cháy.
BÌNH LUẬN HAY