16/05/2025 21:02 GMT+7

Đề xuất cấm trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin bài như báo chí

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đề xuất nghiêm cấm trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin, bài như cơ quan báo chí; đồng thời bổ sung mô hình tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện.

tổ hợp báo chí - Ảnh 1.

Ông Phan Xuân Thủy - phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: DANH KHANG

Thông tin được ông Lưu Đình Phúc - cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - đưa ra tại hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số” do Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức ngày 16-5 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Thủy - phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về mô hình tổ hợp báo chí, liên kết phát triển nguồn lực xã hội và hoàn thiện pháp luật để báo chí cạnh tranh…

tổ hợp báo chí - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình chủ trì phần trao đổi ý kiến tại hội thảo - Ảnh: DANH KHANG

Đề xuất mô hình tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này bổ sung nhiều quy định quan trọng.

Như sửa đổi và bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua.

Dự thảo không quy định trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Sản phẩm thông tin có tính chất báo chí chỉ còn đặc san, bản tin.

Theo đó, dự thảo luật đề xuất bổ sung hai hành vi bị nghiêm cấm, gồm: (1) Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin, bài như cơ quan báo chí; (2) Đưa thông tin gây phương hại đến quan hệ đối ngoại, ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế, hình ảnh quốc gia.

Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này là việc bổ sung mô hình tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện.

Theo đó, các tổ hợp báo chí được phép có nhiều cơ quan trực thuộc, hoạt động theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp, được thành lập hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Hội Nhà báo Việt Nam sẽ được giao quyền giám sát, kết luận và kiến nghị xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo.

Về quy định cấp, đổi thẻ nhà báo, luật sửa đổi đưa vào quy định người làm việc tại các tạp chí khoa học sẽ không được cấp thẻ nhà báo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình chủ trì phần trao đổi ý kiến tại hội thảo, cũng lưu ý các đại biểu cho ý kiến góp ý những vấn đề mới như mô hình báo chí, đặc biệt là mô hình tổ hợp báo chí truyền thông.

tổ hợp báo chí - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc chia sẻ những điểm mới của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi - Ảnh: BTC

Cân nhắc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí

TS Lê Hải - ủy viên ban biên tập, trưởng ban Tạp chí Cộng Sản điện tử - Tạp chí Cộng Sản - tham luận chủ đề “Phát triển mô hình tổ hợp báo chí, kinh nghiệm từ Trung Quốc”.

Từ thực tiễn hình thành và phát triển các tập đoàn truyền thông của nước ngoài, TS Lê Hải cho rằng việc hình thành các tổ hợp báo chí truyền thông hoạt động tương tự như các tập đoàn truyền thông của nước ngoài, là nhu cầu phát triển khách quan nội tại của báo chí Việt Nam. Việc tổ chức các tổ hợp truyền thông tại Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết.

Ông cho biết tổ hợp truyền thông ra đời là nhân tố góp phần hoàn thiện những vấn đề đang còn khuyết thiếu và yếu của nền truyền thông nước ta, như về thể chế, điều kiện, môi trường báo chí, mô hình tổ chức cơ quan báo chí, chiến lược quy hoạch.

Ông Hải chỉ ra hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam chưa tiếp cận mô hình tổ chức hiện đại, giữ mô hình tổ chức cũ với phương thức quản trị hiệu quả không cao.

tổ hợp báo chí - Ảnh 4.

TS Lê Hải - trưởng ban Tạp chí Cộng Sản điện tử - khẳng định mô hình tổ hợp báo chí truyền thông rất cần thiết cho bối cảnh báo chí Việt Nam hiện nay - Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Kim Khiêm - tổng giám đốc Đài PT-TH Hà Nội - đề xuất chi tiết hóa khái niệm tổ hợp truyền thông, làm rõ cơ chế vận hành, tính pháp nhân, mô hình tài chính của các đơn vị trực thuộc.

Ông cũng kiến nghị tổ chức hội thảo chuyên sâu để đánh giá mô hình từ góc độ tư pháp, tài chính, giúp luật hóa hiệu quả và khả thi.

Vấn đề kinh tế báo chí cũng được các đại biểu quan tâm góp ý kiến.

Ông Lê Quốc Vinh - chủ tịch Le Group - cho rằng cần có quy định, cơ sở để các cơ quan báo chí sau này phát triển tự do kinh doanh, tự do liên kết.

Ông đề xuất đưa vào dự thảo luật làm sao mở điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động phát triển hệ sinh thái báo chí, khai thác các nguồn lực dữ liệu riêng, tạo ra nguồn lực phát triển riêng.

Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho rằng Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí…

Ông Nguyễn Văn Bá - tổng biên tập báo Vietnamnet - đề xuất cân nhắc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí, tương tự y tế và giáo dục, thay vì mức thuế hiện hành 15 - 20%.

Đề xuất cấm trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin bài như báo chí - Ảnh 8.Thống nhất sửa Luật Báo chí trong năm 2025: Đề xuất 4 chính sách

Sáng 11-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 4 dự luật, 1 dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trong đó có sửa Luật Báo chí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0