Để 'mỗi gia đình sinh 2 con' không chỉ là khẩu hiệu

TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên ghi nhận mức sinh dưới mức sinh thay thế và nay đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số.

sinh 2 con - Ảnh 1.

Các cặp vợ chồng cho rằng cần có các chính sách giảm áp lực kinh tế cho họ để tăng mức sinh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Việc TP chính thức triển khai chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi là một tín hiệu rõ ràng về sự chuyển hướng chiến lược.

Dù mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người chưa lớn về tài chính nhưng đây là một động lực tâm lý đáng kể, đặc biệt với những phụ nữ trẻ còn đắn đo việc sinh con thứ hai.

Điều quan trọng không chỉ là khoản tiền mà là thông điệp chính sách: "Chúng tôi đồng hành với bạn".

Hiện có nhiều địa phương đang rất chủ động và sáng tạo trong cách tiếp cận vấn đề dân số. 

Ví dụ như Quảng Ninh, họ không chỉ dừng ở việc khuyến sinh mà còn gắn chính sách dân số với chăm sóc sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng dân số.

Tỉnh đã hỗ trợ sàng lọc trước sinh và sơ sinh miễn phí, đầu tư vào giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên - một cách tiếp cận toàn diện, bài bản.

Tại Ninh Bình, tiêu chí "gia đình sinh đủ hai con, nuôi dạy tốt" đã được đưa vào đánh giá gia đình văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đà Nẵng, Hà Tĩnh và một số tỉnh thành khác cũng đã áp dụng những mô hình linh hoạt, phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tại chỗ.

Tuy nhiên dù chính sách có tốt đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận thực tế việc sinh - nuôi con ở Việt Nam hiện nay đang là một gánh nặng với nhiều gia đình, nhất là ở đô thị.

Chi phí sinh hoạt cao, áp lực nhà ở, học hành, y tế, thiếu sự hỗ trợ thực chất cho phụ nữ khiến không ít cặp vợ chồng chùn bước khi nghĩ đến việc sinh con thứ hai.

Thêm vào đó, lối sống và giá trị sống của giới trẻ cũng đã thay đổi rõ rệt. Sự nghiệp, tự do cá nhân, phát triển bản thân... đang được ưu tiên hơn so với việc lập gia đình sớm và sinh con.

Điều này dẫn đến xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn - kéo theo hệ quả là rút ngắn thời gian sinh sản và giảm khả năng sinh đủ hai con.

Vì vậy nếu muốn duy trì mức sinh thay thế một cách bền vững, chúng ta cần bắt đầu từ nền tảng đó là xây dựng một xã hội thân thiện với trẻ em và gia đình.

Môi trường sống, học tập, chăm sóc sức khỏe, không gian công cộng - tất cả cần được cải thiện theo hướng lấy gia đình làm trung tâm.

Giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản, trách nhiệm làm cha mẹ... nên được đưa vào trường học, từ phổ thông đến đại học, để chuẩn bị tâm thế từ sớm cho thế hệ trẻ.

Đảng và Nhà nước cũng cần xác định rõ duy trì mức sinh thay thế là một nhiệm vụ quốc gia, ngang tầm với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cần có những khung chính sách toàn diện từ tài chính, lao động, giáo dục, y tế đến truyền thông, đô thị hóa. Tái định hướng tư tưởng dân số trong hệ thống chính trị: chuyển từ "kiềm chế sinh" sang "khuyến sinh bền vững".

Gia đình tất nhiên là nơi đưa ra quyết định sinh nở nhưng xã hội và Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để những quyết định đó trở nên dễ dàng và đáng giá.

Nếu người dân cảm thấy sinh đủ hai con là điều đáng tự hào, đáng sống thì lúc ấy chính sách dân số mới thật sự hiệu quả trong lòng xã hội.

Để "mỗi gia đình sinh 2 con" không chỉ là khẩu hiệu - Ảnh 1.Vì sao phụ nữ dưới 35 tuổi ở TP.HCM phải sinh đủ 2 con mới được trợ cấp?

Chính sách trợ cấp dành cho phụ nữ ở TP.HCM sinh đủ hai con dưới 35 tuổi đang được nhiều bạn đọc quan tâm. Nhưng vì sao chỉ hỗ trợ cho phụ nữ dưới 35 tuổi?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0