
Khách tham gia trò mạo hiểm khi bay dù lượn từ một ngọn núi ở Phú Thọ - Ảnh: T.T.D.
Sau khi một du khách tử vong vì rơi xuống rừng khi tham gia dù lượn trên bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng, tính an toàn của loại hình du lịch mạo hiểm một lần nữa đặt ra với tất cả du khách, cũng như tăng sức hút với du khách yêu thích, tìm kiếm trải nghiệm độc đáo.
Theo các nghiên cứu toàn cầu, du lịch mạo hiểm (Adventure Tourism) là một phân khúc đang bùng nổ vì hấp dẫn và mang lại doanh thu lớn.
Báo cáo của Research & Markets, ước tính quy mô thị trường du lịch mạo hiểm toàn cầu năm 2024 đạt 351 tỉ USD, tăng mạnh so với con số hơn 292 tỉ USD trong năm 2023.
Không dành cho số đông nhưng đông lên từng ngày
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Văn Sơn, hướng dẫn viên của một công ty du lịch ở TP Đà Nẵng, cho hay giới trẻ quan tâm đến nhiều hoạt động của du lịch mạo hiểm, nhằm thỏa mãn nhu cầu khám phá trải nghiệm góc nhìn mới của điểm đến.
Trong đó, các hoạt động du lịch mạo hiểm được ưa thích như đi bộ, hiking, trekking, đạp xe, ô tô địa hình, ẩm thực, chụp ảnh, chạy, leo núi, thám hiểm bằng thuyền, lướt ván đứng, khóa tập huấn sinh tồn, các cuộc đua mạo hiểm...
Giá tour du lịch mạo hiểm không hề rẻ. Tùy theo loại hình, hành trình và thời gian, giá tour mạo hiểm dao động mức 30.000 đồng đến 70 triệu đồng/tour.
"Đây là loại hình du lịch không dành cho số đông nhưng đông lên từng ngày. Ở TP Đà Nẵng có nhiều tour gắn với du lịch mạo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn, giá gấp 3 - 4 lần tour của loại hình du lịch khác", anh Sơn nói.
Cũng theo anh Sơn, giá bán tour du lịch mạo hiểm cao hơn nhiều so loại hình du lịch khác do khách tham gia tour này đều có một "porter" (người khuân vác hành lý cho du khách) đi kèm để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra còn có đầu bếp, người chăm sóc y tế theo đoàn, đặc biệt phí bảo hiểm của du khách bao giờ cũng ở mức cao nhất...
"Vì thế, du lịch mạo hiểm không dành cho số đông, chỉ dành nhóm khách có nhiều kỹ năng, tâm lý tốt và có điều kiện tài chính", anh Sơn nói.
Theo ông Từ Quý Thành - giám đốc Công ty du lịch Liên bang, tour du lịch mạo hiểm quan trọng nhất là vấn đề cứu nạn, cứu hộ nên chi phí để tập huấn, dò đường, chi phí đầu tư khảo sát hành trình tour rất lớn nên giá thành cao. Loại hình du lịch này cũng rất kén khách, bởi đòi hỏi du khách phải có sức khỏe, có kiến thức sinh tồn tốt. Ví dụ, khi một nhóm vào rừng leo núi, nếu bị lạc, khách Việt thường hoảng sợ và quay lại, nhưng càng quay lại càng đi lạc.
Mời bạn đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến tại trang Trải nghiệm và Đánh giá của báo Tuổi Trẻ.
"Trong khi đó, du khách nước ngoài bình tĩnh hơn, ở lại tại chỗ lạc và tìm kiếm vách đá tránh thú dữ, tìm cách an toàn nhất, nên dòng du lịch mạo hiểm rất thu hút khách quốc tế", ông Thành nói.
Ông cho biết, sự bùng nổi của loại hình này là do giới trẻ có xu hướng chọn du lịch độc đáo. Thị trường nhộn nhịp, ngày có nhiều doanh nghiệp làm du lịch mạo hiểm chuyên nghiệp, bên cạnh nhiều công ty tự quảng bá tự phong với khách làm du lịch mạo hiểm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một số địa phương như Đà Lạt, Quảng Bình... đã cho phép các doanh nghiệp khai thác kinh doanh các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Doanh nghiệp được cấp phép như đu dây vượt thác, chèo thuyền vượt ghềnh thác, chèo thuyền kayak, đu dây zipline, leo vách đá nhân tạo, đi bộ băng rừng...
Phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách

Du khách khám phá hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Trị, trước đây là tỉnh Quảng Bình) - Ảnh: TCDL
Ông Nguyễn Châu Á, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Oxalis Group, đánh giá du lịch mạo hiểm mang tính đặc thù, để có trải nghiệm an toàn đòi hỏi sự tuân thủ các nguyên tắc an toàn, các quyền hạn của hướng dẫn viên, quyền và trách nhiệm của du khách, những vấn đề bất khả kháng.
Du lịch mạo hiểm tiềm ẩn rủi ro. Do đó, hai bên thỏa thuận không kiện tụng nếu không phải do lỗi vận hành hay lỗi của công ty.
"Vì thế, để tham gia loại hình du lịch mạo hiểm, du khách nên dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu đặc thù của từng bộ môn, các yêu cầu an toàn và những rủi ro có thể gặp phải để cân nhắn chọn chuyến đi phù hợp cho kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân", ông Á cho hay.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Thoa, giảng viên khoa du lịch một trường đại học tại TP.HCM, cho rằng du lịch mạo hiểm là một phân khúc đặc biệt trong ngành du lịch, kết hợp giữa yếu tố khám phá, phiêu lưu và thử thách với thiên nhiên. Những năm gần đây, du lịch mạo hiểm phát triển mạnh trên thế giới và tại Việt Nam, tạo một xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp du lịch.
Cũng theo bà Thoa, Việt Nam có địa hình đa dạng vừa có núi vừa có rừng vừa có biển, có hang động, có suối, phù hợp du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng.
Nhiều địa phương đã bắt đầu xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm, bước đầu tạo dựng được những thương hiệu du lịch nổi bật. Tuy nhiên, ngành du lịch mạo hiểm Việt Nam còn có khó khăn, có thể làm giảm sự an toàn và sức hấp dẫn loại hình du lịch này.
"Chẳng hạn, hoạt động du lịch này còn tự phát, thiếu kiểm soát, thiếu hệ thống quản lý an toàn và đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhiều công ty chưa có quy trình đánh giá rủi ro đầy đủ, dẫn đến cắt giảm tiêu chuẩn an toàn để tối đa hóa lợi nhuận, gây nguy cơ cho du khách", bà Thoa nói.
Để phát triển du lịch mạo hiểm an toàn và bền vững, bà Thoa cho rằng doanh nghiệp cần có mô hình quản lý rủi ro, đào tạo hướng dẫn viên về kỹ năng sinh tồn, sơ cứu và tâm lý du khách; kết hợp, hợp tác với tổ chức quốc tế về huấn luyện an toàn; đầu tư vào cơ sở hạ tầng và yêu cầu bảo hiểm du lịch cho du khách...
Ngoài ra, theo chuyên gia du lịch Thùy Dương (Hà Nội), để tạo sức hút với du lịch mạo hiểm, "thị trường ngách" với những tour trải nghiệm mang tính cá nhân hóa, ngoài việc chú trọng "hành lang" đảm bảo an toàn du khách, các doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm mạo hiểm thân thiện với môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và khuyến khích du khách tham gia bảo tồn, với mô hình du lịch mạo hiểm kết hợp sinh thái...
Du lịch mạo hiểm núi rừng thu hút khách quốc tế
Theo Hiệp hội Thương mại du lịch mạo hiểm (ATTA), du lịch mạo hiểm gồm các yếu tố như hoạt động thể chất, môi trường tự nhiên hoặc trải nghiệm văn hóa. Loại hình du lịch này có mức độ đa dạng từ dễ đến khó. Sau dịch COVID-19, du lịch mạo hiểm tại châu Á phục hồi mạnh, với tỉ lệ lấp đầy các tour du lịch mạo hiểm chiếm 62%, gần mức của toàn cầu là 65%.
Ngoài ra, ATTA còn ghi nhận 85% doanh nghiệp tour mạo hiểm đã có phương án đảm bảo an toàn và 68% đã đạt chứng nhận bền vững, cho thấy ngành đang chú trọng nâng cao tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường. Đa số du khách mạo hiểm hướng đến khám phá trải nghiệm mới nên ATTA dự đoán quy mô du lịch mạo hiểm toàn cầu dự báo lên 740 tỉ USD vào năm 2028.
Trong khi đó, Tổ chức Du lịch thế giới cũng khẳng định du lịch mạo hiểm núi rừng chiếm khoảng 9 - 16% khách quốc tế. Đây là loại hình nằm trong top đầu của du lịch mạo hiểm.
Du lịch mạo hiểm chỉ dành cho khách có nhiều kỹ năng
Theo một YouTuber chuyên về trải nghiệm khám phá các hành trình du lịch, giới trẻ ngày nay quan tâm nhiều tới du lịch mạo hiểm, nhưng đây lại là loại hình tour đặc thù cần rất nhiều kỹ năng mà không phải khách du lịch nào cũng có...
"Tour du lịch mạo hiểm không phải là một vòng dù lượn, một chuyến phượt đơn giản mà khách của du lịch mạo hiểm cần nhiều kỹ năng như bơi, lặn, leo núi, chèo kayak, đi bộ đường trường, đu dây...
Vì thế, du lịch mạo hiểm không dành cho số đông, chỉ dành nhóm khách có nhiều kỹ năng, tâm lý tốt để vượt qua giới hạn bản thân bên cạnh việc có điều kiện tài chính", YouTuber này nói.
BÌNH LUẬN HAY