
Học sinh tiểu học ở Yên Bái được đảm bảo học 2 buổi/ngày kể cả vùng khó khăn - Ảnh: VĨNH HÀ
Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện. Thời gian thực hiện từ năm học 2025-2026.
Trên 20 địa phương dạy 5 ngày/tuần
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, bên cạnh việc đảm bảo học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, có trên 20 địa phương hiện nay đang thí điểm dạy học 5 ngày/tuần với học sinh cấp THCS (10 buổi/tuần). Học sinh sẽ được nghỉ thứ bảy, chủ nhật (trước đây chỉ được nghỉ ngày chủ nhật).
Tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái, Ninh Bình, Hà Tĩnh… triển khai từ học kỳ II năm học 2024-2025. Học sinh cấp THCS học 2 buổi/ngày với 5 ngày/tuần, trong đó mỗi ngày dạy học không quá bảy tiết.
Ninh Bình là địa phương triển khai mạnh mô hình này với 51 trường THCS và 18 trường THPT (khoảng 40% số trường trung học). Hầu hết các tỉnh trên bố trí chương trình buổi 2 để học sinh tự học, tự rèn luyện các kỹ năng thông qua các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, thực hành, trải nghiệm thực tế.
Một số địa phương bố trí thời khóa biểu chính khóa giãn sang buổi 2 với các trường hợp có 100% học sinh học 2 buổi/ngày.
Tại một số địa bàn miền núi phía Bắc, mô hình dạy học 5 ngày/tuần trở nên phổ biến khi các địa phương xóa điểm lẻ, đưa học sinh về trường nội trú, bán trú. Các chính sách nhà nước đối với học sinh nội trú, bán trú là cơ sở để các địa phương khắc phục khó khăn.
Một số địa phương áp dụng việc đưa học sinh về trường chính dạy 5 ngày/tuần với học sinh từ lớp 3-12, nhưng có địa phương đưa cả học sinh lớp 1, 2 về trường chính. Chất lượng giáo dục khi đưa học sinh về trường chính học 5 ngày/tuần được nâng lên rõ rệt.
Tại các tỉnh miền núi, dù điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng lại có chính sách hỗ trợ đối với các trường và học sinh bán trú, nội trú. Những khó khăn điển hình ở các địa bàn này chủ yếu vẫn là điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt của học sinh ở nội trú.
Hà Nội: nhiều quận trên 50% học 2 buổi ở THCS
Tại Hà Nội, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt gần 100%, nhưng ở cấp THCS tỉ lệ này thấp và chênh lệch giữa các quận, huyện khác nhau. Quận Ba Đình mới chỉ có 55% số học sinh của 13 trường THCS được học 2 buổi/ngày.
Tỉ lệ này ở quận Hai Bà Trưng khoảng 50% số học sinh. Quận Cầu Giấy chỉ tổ chức dạy 2 buổi/ngày được cho học sinh khối 6, 7 của 7 trường THCS trong tổng số 11 trường…
Theo các trưởng phòng GD-ĐT của các quận nội thành Hà Nội, trong bối cảnh hiện tại, có ba khó khăn căn bản nhất đối với cấp THCS khi triển khai dạy 2 buổi/ngày.
Thứ nhất là thiếu phòng học, thứ hai là thiếu giáo viên một số môn để đủ tỉ lệ dạy 2 buổi/ngày như quy định. Thứ ba là chưa có hướng dẫn cụ thể về chương trình dạy buổi 2 trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Còn một khó khăn khác là tài chính. Hiện nay học phí thu hỗ trợ học buổi 2 đối với học sinh THCS ở Hà Nội là 235.000 đồng/học sinh/tháng theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định các dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục đào tạo.
Khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày không thu phí, có nghĩa sẽ không còn khoản thu này thì cần có giải pháp bù đắp chi phí để tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường.

Một tiết học STEM của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chờ Bộ GD - ĐT hướng dẫn
Đại diện một số sở GD-ĐT chia sẻ với Tuổi Trẻ mong muốn Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn về việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày ở cấp THCS.
Từ đó, các sở có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xây dựng lộ trình triển khai cùng với đó là các điều kiện đảm bảo như xây dựng bổ sung trường, lớp, đội ngũ giáo viên và đặc biệt là nguồn chi ngân sách hỗ trợ cho việc này.
Cần lộ trình và giải pháp cụ thể
Hiệu trưởng một trường THCS của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ hiện tại trường đã thực hiện thông tư 29 về quản lý dạy thêm học thêm. Trong đó quy định chỉ được dạy thêm không thu phí trong nhà trường cho ba đối tượng (bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh chưa đạt yêu cầu, ôn tập cho học sinh cuối cấp).
Từ tháng 2-2025 đến thời điểm này trường đã phải triển khai cho giáo viên dạy thêm gần 350 tiết không thu phí của người học.
"Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chi phí hỗ trợ giáo viên dạy thêm cho ba đối tượng trên có thể trích ngân sách hay các nguồn thu hợp pháp khác. Nhưng thực tế thì ngân sách eo hẹp, các nguồn thu khác không có hướng dẫn cụ thể nên tâm lý các trường lo ngại làm sai không thực hiện.
Vì thế thực chất chi phí hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp này ở trường tôi vẫn là 0 đồng. Giờ tiếp tục triển khai dạy 2 buổi/ngày miễn phí, dù là chủ trương rất nhân văn nhưng các nhà trường rất cần nắm được lộ trình thực hiện và giải pháp cụ thể về nguồn tài chính hỗ trợ, nếu không sẽ rất khó triển khai".
TP.HCM: 100% trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày

Giờ học môn năng khiếu TDTT với môn bóng rổ của học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức, TP.HCM. - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay TP có 100% trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Trong đó các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ, Nhà Bè đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày từ thứ hai đến thứ sáu cho 100% học sinh.
Các địa phương còn lại do khó khăn về cơ sở vật chất nên một số trường tổ chức theo hướng linh hoạt. Nghĩa là học sinh sẽ học cả sáng và chiều vào hai hoặc ba ngày từ thứ hai đến thứ sáu.
Bên cạnh đó, các em sẽ đi học vào ngày thứ bảy để đảm bảo chương trình 2 buổi/ngày.
Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Ở bậc THCS tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ít hơn học sinh tiểu học. Đó là chưa kể vẫn còn một số quận, huyện có nhiều trường THCS có sĩ số cao hơn quy định của Bộ GD-ĐT; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... hạn chế.
Nhất là những khu vực gia tăng dân số cơ học hằng năm như quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn...
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở GD-ĐT, việc dạy học 2 buổi/ngày nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; tăng cường giáo dục kỹ năng sống; thực hiện đổi mới dạy học…
Nội dung chương trình 2 buổi/ngày bao gồm hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục.
Trong đó hoạt động dạy học sẽ bám sát, nâng cao chương trình chính khóa, tổ chức các môn theo năng lực và năng khiếu của từng nhóm đối tượng nhằm phát huy khả năng của học sinh; tăng cường các nội dung phát triển các kỹ năng ngoại ngữ, tin học cho học sinh.
Thời lượng của hoạt động dạy học không quá một nửa tổng thời lượng buổi 2 theo kế hoạch 2 buổi/ngày để nhà trường có thời gian tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh.
Hoạt động giáo dục là việc tổ chức thực hiện các hoạt động như trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, hoạt động theo định hướng giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp; giáo dục giá trị sống, kỹ năng thực hành xã hội…
Ông Quốc cho biết đối với cấp tiểu học, hiệu trưởng sẽ chủ động xây dựng chương trình nhà trường, sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt, phù hợp, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục. Chương trình nhà trường phải được báo cáo cho cấp trên có thẩm quyền trước khi tiến hành.
Trường trung học sau khi có quyết định cho phép dạy học 2 buổi/ngày sẽ chủ động xây dựng nội dung kế hoạch dạy học chi tiết cho các môn học trên cơ sở đảm bảo nội dung chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng, không gây "quá tải" đối với học sinh.
Phải sắp xếp lại
Tuy nhiên thầy N.H.S., giáo viên môn toán đồng thời cũng là phụ huynh có con đang học bậc THCS, ý kiến: "Đọc các văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, tôi hiểu việc dạy học 2 buổi/ngày tức là trường có thêm 1 buổi nữa để dạy học theo từng nhóm đối tượng.
Muốn như vậy thì các tiết học buổi 2 phải sắp xếp lại, sao cho nhóm học sinh có cùng trình độ học chung với nhau".
Theo giáo viên này, trên thực tế rất ít trường làm đúng như mục tiêu này. Đa số các trường vẫn giữ nguyên lớp học của buổi 1 để dạy cho buổi 2. Và giáo viên ngầm hiểu đó là việc tăng tiết, dạy thêm hợp pháp.
"Tăng tiết đại trà học sinh bị quá tải mà không hiệu quả. Như con tôi năm nay lớp 9, sau chương trình chính khóa cháu muốn học thêm môn toán để thi vào lớp 10 chuyên toán. Nhưng ở trường buổi 2 con tôi học cùng các bạn không có nhu cầu thi vào lớp 10 chuyên toán, nên giáo viên toán chỉ cho những bài cơ bản.
Tôi phải xin cho con mình học 1 buổi/ngày. Buổi còn lại tôi cho cháu đi học thêm để thi vào lớp 10" - thầy S. đúc kết.
Tương tự, chị Dương Hồng Sương, phụ huynh có hai con học tiểu học và THCS ở TP.HCM, chia sẻ: "Gia đình tôi không thể đón con về buổi trưa, buổi chiều ở nhà cũng không có ai để quản hai đứa. Vì vậy mục đích xin cho con học 2 buổi/ngày của tôi là để con sẽ được vào lớp bán trú, buổi trưa được ăn và ngủ tại trường.
Tôi không rõ trường tổ chức dạy học như thế nào mà con lớn của tôi vẫn phải đi học thêm vào buổi tối".
Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng ở TP.HCM băn khoăn về việc không thu phí buổi 2: "Sở GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về việc dạy học 2 buổi/ngày trong năm học mới. Hiện nay chúng tôi được thu học phí buổi 2, thu học phí các môn học thuộc chương trình nhà trường như kỹ năng sống, học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, học tin học theo chuẩn quốc tế…
Nếu năm học mới không thu các khoản này thì trường sẽ hoạt động ra sao, ngân sách cấp bù có đủ chi hay không?".
* Ông Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Cần cơ chế, đãi ngộ phù hợp
Việc dạy học 2 buổi/ngày góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh dựa trên một môi trường giáo dục đa dạng. Chương trình học 2 buổi/ngày tại trường giúp các em học sinh có môi trường lành mạnh để phát triển.
Tuy vậy, điều kiện cơ sở vật chất ở các trường trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khó khăn, chưa đồng đều. Nhiều nơi vẫn còn thiếu phòng học, thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, tin học.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp cho giáo viên dạy học 2 buổi/ngày thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là các giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, tin học.
BÌNH LUẬN HAY