
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc giải thích về hành vi rối loạn cờ bạc - Ảnh: D.LIỄU
Đây là khẳng định của các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai trong chương trình sinh hoạt khoa học chuyên đề "Rối loạn cờ bạc" diễn ra chiều 12-5.
Khi trò chơi không chỉ là "giải trí"
Trường hợp của anh H. (34 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Là cử nhân ngành quản trị kinh doanh, từng làm việc trong công ty nước ngoài với mức lương khá, anh H. khởi đầu cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng từ thời sinh viên, anh bắt đầu chơi cá độ bóng đá vì bạn bè rủ rê. Càng chơi, anh càng lún sâu.
Sau khi mất việc do công ty giải thể, ba lần nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động đều thất bại, anh H. đánh bạc ngày càng nhiều như một cách để quên đi áp lực.
Có lúc anh đặt cược tới hàng trăm triệu đồng mỗi ván, vay mượn khắp nơi để tiếp tục chơi. Gia đình đổ vỡ, anh sống cùng con và cha mẹ, thường xuyên mâu thuẫn vì nợ nần.
Sáu tháng qua anh H. liên tục rơi vào trạng thái trầm uất, lo âu, mất ngủ, sụt 10kg. "Tôi biết sai, nhưng không thể dừng lại. Chỉ khi ngồi trước màn hình cược, tôi mới thấy nhẹ đầu", anh chia sẻ.
Cuối cùng, gia đình buộc phải đưa anh vào điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Anh được chẩn đoán rối loạn thích ứng với lo âu và trầm cảm kèm theo rối loạn cờ bạc.
Rối loạn cờ bạc là gì?
Theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe tâm thần, rối loạn cờ bạc (còn gọi là nghiện cờ bạc) là một dạng rối loạn tâm thần, có nhiều đặc điểm giống nghiện rượu hoặc ma túy. Người bệnh không thể kiểm soát việc đánh bạc, dù nhận thức rõ hậu quả là tổn thất tài chính, đổ vỡ quan hệ, và suy sụp tinh thần.
"Hệ thống tưởng thưởng trong não của người bệnh bị lệch lạc. Họ chỉ cảm thấy dễ chịu khi đánh bạc, rồi sau đó lại chìm vào mặc cảm, hối hận. Cảm giác thèm đánh bạc trở lại cứ lặp đi lặp lại", bác sĩ Ngọc giải thích.
Theo thống kê, gần 1% dân số có thể mắc rối loạn cờ bạc, cao hơn cả tỉ lệ tâm thần phân liệt (0,3 - 0,5%). Nam giới trẻ là nhóm dễ mắc nhất. Đặc biệt, 96% người bị rối loạn cờ bạc có thêm ít nhất một rối loạn tâm thần đi kèm - phổ biến nhất là trầm cảm, lo âu, và rối loạn nhân cách.
Theo tiến sĩ tâm lý Trịnh Thị Thanh Hương, Viện Sức khỏe tâm thần - có 3 yếu tố gây ảnh hưởng đến rối loạn cờ bạc là yếu tố gia đình, xã hội, yếu tố nhân cách, nhận thức. Theo đó những người rối loạn cờ bạc thường có tính cách bốc đồng, bị ảnh hưởng bởi môi trường của gia đình, xã hội.
"Khi người chơi cờ bạc thắng hoặc gần thắng, anh ta bị kích thích sinh lý và nhận thức của người đánh bạc cho thấy rằng họ không liên tục thua mà liên tục "gần như chiến thắng", điều này kích thích chơi tiếp", bác sĩ Hương cho hay.
Để điều trị bệnh lý này, tùy thuộc vào từng tình trạng, nguyên nhân có thể điều trị bằng ba biện pháp là trị liệu tâm lý, điều biến não và liệu pháp hóa dược.
Đừng nhầm lẫn giữa "giải trí" và bệnh lý
Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh, không phải ai chơi vé số, bài bạc vì vui cũng bị xem là bệnh. Tuy nhiên khi hành vi đánh bạc mất kiểm soát, kéo dài, gây tổn hại sức khỏe, công việc và các mối quan hệ cần can thiệp y tế.
Rối loạn cờ bạc có thể diễn ra theo từng đợt hoặc kéo dài liên tục nhiều năm. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa trên nhiều yếu tố như sự thôi thúc liên tục, cảm giác mất kiểm soát, suy nghĩ ám ảnh về đánh bạc… Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quyết định trong việc phục hồi.
"Cờ bạc bệnh lý không chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn là thách thức của gia đình và xã hội. Cần thay đổi nhận thức và tiếp cận nó như một vấn đề sức khỏe tâm thần - chứ không chỉ là sai lầm đạo đức hay thiếu nghị lực", bác sĩ Bảo Ngọc nhấn mạnh.
BÌNH LUẬN HAY